Thứ 7, 23/11/2024, 14:51[GMT+7]

Cần thiết phải ban hành đề án phát triển đàn bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025

Thứ 3, 11/06/2019 | 18:18:54
1,830 lượt xem
Đó là khẳng định của đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo đề án phát triển đàn trâu, bò thịt thương phẩm theo chuỗi liên kết tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2025 vào chiều ngày 11/6.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 110619_tin_ubnd_tinh_hop_nghe_so_nong_nghiep_mixdown.mp3

Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và các huyện, thành phố.

Thời gian qua, tình hình chăn nuôi trâu và bò của tỉnh tăng cả về số lượng và sản lượng. Đến hết năm 2018, tổng đàn trâu của tỉnh đạt 6.280 con, tăng 479 con so với năm 2013, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 đạt 1,65%/năm; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 795 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 đạt 15,49%/năm. Tổng đàn bò của tỉnh năm 2018 đạt 48.592 con, tăng 4.488 con so với năm 2013; sản lượng thịt bò đạt 7.883 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 đạt 26,25%/năm. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 60 điểm giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh với khoảng 5.355 tấn thịt bò/năm. 

Để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo đề án phát triển đàn trâu, bò thịt thương phẩm theo chuỗi liên kết tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết chặt chẽ, có năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả cao, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và khai thác, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của các bệnh dịch đang gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, mục tiêu đến hết năm 2020, đàn trâu, bò của tỉnh đạt 70.000 - 75.000 con trở lên; đến hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt hơn 180.000 con, xây dựng được 8 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được khoảng 25.000 - 28.000 nông hộ, trang trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết. 

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về bố cục, nội dung của đề án để việc triển khai thực hiện mang tính khả thi cao.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong việc xây dựng dự thảo đề án; đồng thời nhấn mạnh việc ban hành đề án là rất cần thiết, phù hợp với tình hình hiện nay. 

Cùng với việc thống nhất tên đề án là phát triển đàn bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi ý một số nội dung cần chỉnh sửa trong đề án. Cụ thể như: bổ sung thêm phần đánh giá thực trạng và sự cần thiết chăn nuôi đại gia súc hiện nay trên địa bàn tỉnh; về mục tiêu phải làm thay đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp và ngành chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp; nghiên cứu lại mục tiêu cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; về giải pháp phải bám vào cơ chế, chính sách để phục vụ cho nội dung của đề án, các chính sách hỗ trợ hướng tới khuyến khích người nông dân tham gia vào 3 trong 4 giai đoạn của chuỗi liên kết đó là nuôi bò sinh sản - nuôi bê và nuôi bò trưởng thành; Ban Chỉ đạo thực hiện đề án cấp tỉnh sẽ do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp làm trưởng ban, đối với cấp huyện đặc biệt là các huyện trọng điểm về chăn nuôi bò sẽ do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban... 

Các đại biểu dự cuộc họp. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở kết luận tại cuộc họp và ý kiến của các đại biểu dự họp để chỉnh sửa đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Đồng thời thống nhất sau khi ban hành đề án, trước mắt trong năm 2019 tỉnh sẽ tập trung xây dựng 2 trang trại “lõi” ở các huyện Quỳnh Phụ và Vũ Thư để phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đầu tư hỗ trợ cho người nông dân phát triển đàn bò, góp phần giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, từ đó giữ vững ổn định và củng cố sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Minh Hương