Thứ 2, 25/11/2024, 17:29[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Bộ Luật Lao động sửa đổi

Thứ 4, 12/06/2019 | 15:30:14
984 lượt xem
Sáng ngày 12/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình dự kỳ họp.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... 

Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. 

Thảo luận toàn thể tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền đi lại của công dân; công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện trong cấp, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh; tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục làm rõ, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, đặc biệt là sự tương thích với các điều ước quốc tế, các luật liên quan đến quản lý cư trú, căn cước công dân. 

Các quy định hiện có ở các văn bản dưới luật để quy định ngay trong luật bảo đảm bao quát và phù hợp. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng quản lý đối với công tác này.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật được bố cục gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 49 điều ở tất cả các chương đồng thời sửa đổi 2 điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. 

Các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận các nội dung như: về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; về nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn; về nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về Điều lệ của tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; về quyền của cán bộ tổ chức đại diện của người lao động; về thời gian nghỉ Tết Âm lịch; về bổ sung Ngày Thương binh, liệt sĩ (ngày 27 tháng 7 dương lịch) vào quy định nghỉ lễ, tết; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)