Thứ 7, 23/11/2024, 08:12[GMT+7]

Cần thiết ban hành Nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo

Thứ 5, 13/06/2019 | 15:46:32
2,463 lượt xem
Đó là ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra sáng ngày 13/6.

Các đồng chí lãnh đạo trao đổi kinh nghiệm và tham quan đàn bò của các hộ nông dân xã Minh Châu huyện Ba Vì. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1406_ban_hanh_nghi_quyet_mixdown.mp3

Dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy.

Tại hội nghị, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy báo cáo dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo. 

Theo đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển ngành chăn nuôi theo hướng xác định các đối tượng con vật nuôi chủ lực của tỉnh là lợn và gia cầm; tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Đến nay, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 43% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân đạt 3,8%/năm. 

Hiện nay, đàn trâu, bò toàn tỉnh chiếm gần 55.000 con. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chăn nuôi của tỉnh vẫn theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư (chiếm trên 80%). Chăn nuôi trâu, bò chưa được chú trọng phát triển, quy mô đàn còn nhỏ, sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng mới chiếm 3,3% sản lượng thịt gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Đối tượng nuôi chủ lực hiện nay là lợn và gia cầm nhưng đây là những con vật nuôi chịu ảnh hưởng của nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn của tỉnh. Trong khi đó trâu, bò là đối tượng nuôi có khả năng chống chịu và kiểm soát dịch bệnh tốt, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò của người dân ngày càng tăng. Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi những đối tượng này theo chuỗi liên kết. Vì vậy, cần phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh nhằm chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi và cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hiệu quả, bền vững.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đều thống nhất ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo; đồng thời đóng góp một số ý kiền về: mục tiêu, số lượng phát triển, quy mô hộ tham gia, xử lý môi trường chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường,  cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi…

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất sự cần thiết ban hành nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện được mục tiêu đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, chiếm tỷ trọng 50% trở lên; trong đó, chăn nuôi trâu, bò phải chiếm hơn 1/3, góp phần cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất lấy tiêu đề là: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu sắp xếp logic lại các phần cho hợp lý, đánh giá rõ mặt thuận lợi, khó khăn, đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Về nội dung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất 5 quan điểm trong dự thảo này nhưng cần sắp xếp lại cho hợp lý. 

Về mục tiêu cụ thể thống nhất đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có tổng đàn từ 70 nghìn con trở lên, trong đó 28- 30 nghìn con trâu, bò cái nền, trong số đó có 15 nghìn con trâu, bò cái đạt chuẩn. Để tạo động lực nhân đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn, làm động lực phát triển chăn nuôi vệ tinh theo mô hình hộ chăn nuôi, tổ hợp tác đến năm 2020 phải hình thành 2 doanh nghiệp lõi cung cấp giống, thu gom các phụ phẩm trong trồng trọt làm đệm lót sinh học, thức ăn chăn nuôi, tập huấn cho các nông hộ kỹ năng chăn nuôi theo chuỗi liên kết và giúp tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt tổng đàn 180 nghìn con trâu, bò trở lên, trong đó có 80 nghìn con trâu, bò cái nền. Cần tính toán hợp lý phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi cho đàn trâu, bò. Về mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất như trong dự thảo Nghị quyết. Về giải pháp thống nhất 9 giải pháp như trong dự thảo nhưng cần nghiên cứu sắp xếp thứ tự cho hợp lý hơn. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi cách làm cho người dân tạo quyết tâm chính trị cao trong quá trình thực hiện; đặc biệt chú trọng ứng dựng khoa học kỹ thuật, xử lý môi trường trong chăn nuôi. Cùng với đó làm tốt công tác quy hoạch vùng nuôi, vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, thu gom xử lý, cất trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò. Về cơ chế chính sách thống nhất khuyến khích phát triển đàn trâu, bò cái nền theo hướng hỗ trợ về: vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về thụ tinh, một số vắcxin phòng một số bệnh cơ bản trên đàn trâu, bò một số loại bệnh, tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Tham quan hộ chăn nuôi bò xã Minh Châu, huyện Ba Vì, thành phố  Hà Nội. Ảnh: Thành Tâm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phát triển đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn trên cơ sở tuyển lựa đàn trâu, bò cái nền hiện nay, đồng thời tiến hành lai tạo để có con cái nền chất lượng, sinh sản ra đàn trâu, bò cho sản lượng thịt cao. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học. Cùng với phát triển các doanh nghiệp lõi cần khuyến khích hình thành các tổ, đội, nhóm tạo chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi, một mặt cung ứng giống, thức ăn, phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng công nghệ, mặt khác thu mua phế phẩm trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các thương lái, tổ giết mổ, các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm cho nông dân. Khuyến khích hỗ trợ giết mổ tập trung không chỉ áp dụng đối với đàn trâu, bò mà cả với đàn lợn. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền, phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ và các thành viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Về phần tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án, các cơ chế chính sách khả thi, đủ mạnh để triển khai thực hiện hiệu quả. Các huyện ủy, thành ủy căn cứ vào Nghị quyết ban hành đề án, kế hoạch, xây dựng mục tiêu, lộ trình, giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân. Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện Nghị quyết để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành vào đầu tuần tới.

Tham quan đàn bò của các hộ nông dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Thành Tâm


Trang trại nuôi bò của Công ty Cổ phần T&T- 159 tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thành Tâm


Mạnh Cường