Chủ nhật, 22/12/2024, 18:22[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a

Thứ 6, 14/06/2019 | 07:21:39
903 lượt xem
Chiều 13-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a M.Pay-nơ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a M.Pay-nơ. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng chúc mừng thắng lợi của Thủ tướng X.Mô-ri-xơn trong cuộc tổng bầu cử Liên bang Ô-xtrây-li-a cuối tháng 5 vừa qua và chúc mừng bà M.Pay-nơ được bổ nhiệm lại làm Bộ trưởng Ngoại giao và kiêm chức vụ Bộ trưởng Phụ nữ. Thủ tướng đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của bà trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ô-xtrây-li-a phát triển tốt đẹp những năm qua, trên cả cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng trước đó, đồng thời hoan nghênh bà lựa chọn Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đi thăm, ngay trong tuần thứ hai của nhiệm kỳ công tác mới.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp. Hằng năm, Ô-xtrây-li-a đào tạo cho Việt Nam gần 30 nghìn sinh viên; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 7,7 tỷ USD (tăng 19,3% so với 2017) với xu hướng cân bằng. Hiện Ô-xtrây-li-a đầu tư hơn 1,84 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 19 trong số 128 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; Việt Nam có 47 dự án đầu tư trực tiếp vào Ô-xtrây-li-a. Không chỉ kinh tế, dư địa hợp tác trong các lĩnh vực khác còn rất lớn, Thủ tướng cho biết và đề nghị hai bên sớm rà soát, tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động Việt Nam - Ô-xtrây-li-a giai đoạn 2016-2019 và tiến hành xây dựng chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn tiếp theo với những mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng cũng đề nghị hai bên: phối hợp phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, nhất là các cơ chế thường niên cấp bộ trưởng; tăng mạnh thương mại và đầu tư hai chiều tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó giảm, gỡ bỏ rào cản thương mại; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch, thể thao, giao lưu nhân dân..., tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường hợp tác toàn diện cả ở cấp T.Ư và địa phương. Đánh giá cao Ô-xtrây-li-a tiếp tục dành ưu tiên viện trợ ODA cho Việt Nam, Thủ tướng mong Ô-xtrây-li-a không chỉ hỗ trợ tài chính ODA mà tập trung vào hỗ trợ “phần mềm” như nâng cao năng lực, nhất là năng lực quản trị, và những kinh nghiệm trong điều hành nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Chính phủ điện tử.

Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, đối tác ASEAN - Ô-xtrây-li-a và các cơ chế ASEAN mở rộng, APEC, ASEM, CPTPP...; đồng thời mong Ô-xtrây-li-a tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới, nhất là trong quá trình Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó có việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Ô-xtrây-li-a trong năm 2020.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ô-xtrây-li-a và mong muốn Ô-xtrây-li-a tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông với tinh thần hòa bình, hữu nghị; bảo đảm tự do hàng không, hàng hải; tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bày tỏ vinh dự trở lại thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a khẳng định, bà sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; cho biết, Thủ tướng X.Mô-ri-xơn rất coi trọng hợp tác với Việt Nam và mong có dịp sang thăm Việt Nam. Chúc mừng Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, bà nhìn nhận, điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế và Ô-xtrây-li-a sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong việc đảm đương vai trò này một cách tốt nhất. Bà đặc biệt nhấn mạnh, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a được xây dựng và phát triển trên cơ sở niềm tin - một yếu tố vô cùng quan trọng. Hai bên có niềm tin vững chắc vào nhau, cùng chia sẻ nhiều lợi ích, ưu tiên chiến lược.

Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a bày tỏ, Hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai bên và nhiều doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam; khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao tìm kiếm, mở ra các cơ hội hợp tác mới khi hai bên đã là đối tác chiến lược của nhau. Ô-xtrây-li-a sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các ưu tiên phát triển của mình như cơ sở hạ tầng, năng lực kỹ thuật số, an ninh mạng; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông để bảo đảm khu vực ổn định, hòa bình, thịnh vượng.

Đánh giá cao các ý kiến của bà M.Pay-nơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí rằng, hai bên có lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau rất lớn. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cũng như Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ làm hết sức mình trong việc xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng.


Theo: nhandan.com.vn