Thứ 2, 25/11/2024, 17:38[GMT+7]

Thông cáo số 20, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Thứ 7, 15/06/2019 | 07:09:43
1,410 lượt xem
Ngày 14/6/2019, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 7. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong phiên họp sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 17, Điều 27, Điều 33 và toàn văn Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Kết quả cụ thể như sau: Về kết quả biểu quyết Điều 17 (Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 448  (bằng 92.56%  tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 444 (bằng 91.74%); Số đại biểu không đồng ý: 03 (bằng 0.62 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 01 (bằng 0.21%). Về kết quả biểu quyết  Điều 27 (Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 433 (bằng 89.46 %); Số đại biểu không đồng ý: 10 (bằng 2.07%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 03 (bằng 0.62 %). Về kết quả biểu quyết Điều 33 (Tổ chức lao động cho phạm nhân): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 410 (bằng 84.71%); Số đại biểu không đồng ý: 30 (bằng 6.2%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 06 (bằng 1.24%). Về kết quả biểu quyết toàn văn Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 449 (bằng 92.77% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 443 (bằng 91.53 %); Số đại biểu không đồng ý: 04 (bằng 0.83%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 02 (bằng 0.41 %). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Kết quả cụ thể như sau: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 448 (bằng 92.56% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 448 (bằng 92.56 %); Số đại biểu không đồng ý:  0 (bằng  0%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 0 (bằng 0 %).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Điều 2, Điều 99 và toàn văn Luật Giáo dục (sửa đổi).  Kết quả cụ thể: Về kết quả biểu quyết  Điều 2 (Mục tiêu giáo dục): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 452 (bằng 93.39% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 441 (bằng 91.12%); Số đại biểu không đồng ý: 07 (bằng 1.45%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 04 (bằng  0.83%). Về kết quả biểu quyết Điều 99 (Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 441 (bằng 91.12%); Số đại biểu không đồng ý:  04 (bằng 0.83%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 01 (bằng  0.21%). Về kết quả biểu quyết toàn văn Luật Giáo dục (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 453 (bằng 93.60% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 414 (bằng 85.54%); Số đại biểu không đồng ý: 31 (bằng 6.40%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 08 (bằng 1.65%).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 5 và toàn văn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Kết quả cụ thể: Về kết quả biểu quyết Điều 5 (Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 374 (bằng 77.27 %); Số đại biểu không đồng ý: 54 (bằng 11.16%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 18 (bằng 3.72%). Về kết quả biểu quyết toàn văn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 450 (bằng 92.98% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 408 (bằng 84.30%); Số đại biểu không đồng ý: 25 (bằng 5.17 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 17 (bằng 3.51%).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết; Phó Tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đọc Dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết với kết quả cụ thể: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 452 (bằng 93.39%  tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 452 (bằng 93.39 %); Số đại biểu không đồng ý: 0 (bằng 0%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 0 (bằng 0%).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả cụ thể: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 443 (bằng 91.53% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 443 (bằng 91.53 %); Số đại biểu không đồng ý: 0 (bằng 0%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 0 (bằng 0%).

Chiều 14/6, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam; kênh VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thực hiện sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 450 (bằng 92.98% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 449 (bằng 92.77%); Số đại biểu không đồng ý: 01(bằng 0.21 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 0 (bằng 0%).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; nghe Phó Tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 451 (bằng 93.18% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 449 (bằng 92.77 %); Số đại biểu không đồng ý: 02 (bằng 0.41%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 0 (bằng 0%).

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, kết quả: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 454 (bằng 93.80% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 453 (bằng 93.60%); Số đại biểu không đồng ý: 01 (bằng 0.21 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến:0 (bằng 0%).

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực trong hoạt động của đại biểu Quốc hội; Chương trình làm việc được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng nguyên tắc; Không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng;... Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị kỳ họp; đồng thời, ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội. Kết quả của kỳ họp Quốc hội cho thấy, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Quốc hội bày tỏ lòng cảm ơn đối với sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ của đồng bào, cử tri cả nước và mong muốn tiếp tục nhận được sự giám sát chặt chẽ, sự đóng góp ý kiến thẳng thắn, xây dựng để Quốc hội nói riêng, bộ máy nhà nước nói chung hoạt động thực sự có hiệu lực và hiệu quả./. 

Theo: dangcongsan.vn