Thứ 4, 21/05/2025, 13:04[GMT+7]

Chuyện làm báo ở nhà tù Sơn La

Thứ 3, 18/06/2019 | 09:32:45
4,472 lượt xem
Nhà tù Sơn La được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm, đày ải những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản. Trong môi trường khắc nghiệt, hiểm ác, nhưng những “nhà báo” đặc biệt đã sáng tạo để cho ra đời và xuất bản đều đặn tờ báo Suối Reo góp phần truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, thắp sáng lý tưởng cách mạng cho các tù nhân và quần chúng yêu nước địa phương.

Một góc di tích lịch sử nhà tù Sơn La.

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908, ban đầu chỉ có diện tích chừng 500m2. Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170m2 với hệ thống tháp canh, phòng giam, xà lim ngầm giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản. Mùa hè, các phòng giam như các lò nung khi gió Lào tràn tới, mùa đông thì lạnh thấu xương... Bệnh sốt rét, ăn uống kham khổ, làm việc lao lực cộng với sự đày ải, tra tấn tàn bạo của bọn chúa ngục khiến bao người tù một đi không trở về. Với ý đồ đày ải cho đến chết những người cách mạng trung kiên, thực dân Pháp đã giam cầm ở đây bao chiến sĩ tiền bối của cách mạng Việt Nam như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào...

Thế nhưng, chính từ cái nhà tù khủng khiếp đó, tháng 5/1941, những người cộng sản bị giam cầm ở đây đã bí mật cho ra đời tờ báo Suối Reo do các đồng chí Trần Huy Liệu, Xuân Thủy thay nhau làm chủ bút. Tờ báo như nguồn sáng xua đi bóng tối u ám, thảm khốc và thắp lên ngọn lửa yêu nước, cách mạng cho các tù nhân, quần chúng yêu nước địa phương và cảm hóa cả những tên lính lệ, cai ngục nơi này.

Thăm bảo tàng tỉnh Sơn La và khu vực mô hình bảo tàng tái hiện lại hình ảnh những chiến sĩ trung kiên đang làm báo Suối Reo tại di tích lịch sử nhà tù Sơn La, chúng tôi được chứng kiến những tàn tích của nơi gọi là “địa ngục trần gian” và hiểu hơn về sự ra đời của tờ Suối Reo cùng những nhà báo tiền bối. Tháng 2/1941, hội nghị lần thứ nhất của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La bí mật họp thành lập chi bộ. Hội nghị gồm 11 đảng viên, cử đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư. Sau đó, Chi bộ chủ trương xuất bản tờ báo Suối Reo và cử đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút; sau đó Chi bộ giao cho đồng chí Xuân Thủy là người trước đó từng có 10 năm viết báo làm chủ bút nhằm tuyên truyền, giáo dục đảng viên nâng cao lập trường, ý chí chiến đấu. Bắt đầu từ tháng 5/1941 đến tháng 3/1945, báo phát hành mỗi tháng 1 kỳ, 2 trang, viết tay trên giấy tận dụng, khổ báo 20cm x 14cm.

Có một điều khiến chúng tôi tò mò, đó là trong điều kiện gông cùm, quản thúc bóp nghẹt và cuộc sống lao khổ, những chiến sĩ cộng sản của chúng ta làm thế nào để có thể viết và xuất bản báo được. Qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên và đi tìm những tài liệu lịch sử, chúng tôi được biết: Giặc Pháp cai quản tù nhân ở đây rất xảo quyệt. Chúng cấm tất cả mọi hình thức tụ tập, kiểm tra rất gắt gao nơi ở của người tù. Để thực hiện chủ trương của Chi bộ nhà tù là cho ra đời tờ báo Suối Reo, những người được phân công làm báo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy và bút, mực để viết thư gửi về cho gia đình. Gạt đi những tình cảm riêng tư, những người tù gom giấy, bút, mực để dành cho ban biên tập làm báo. Và nhằm tránh sự săm soi của cai ngục, họ giấu kín những tờ giấy trong các khu vệ sinh. Đây được coi là nơi cất giấu bí mật nhất vì bọn lính Pháp và chúa ngục rất sợ phải đến những khu vực này, chúng coi đó là nơi chứa đựng mọi dịch bệnh gây chết người. Có giấy, bút, mực, những người làm báo đã tận dụng ánh sáng lờ mờ của trăng để viết báo; khi không có trăng thì thắp đèn dầu để viết và cử người canh gác cẩn mật. Theo lệnh của giám ngục, cứ đến 20 giờ là tắt điện, anh em tù thì nằm yên trên sàn xi măng, còn các “nhà báo” thì tiếp tục viết báo nhiều đêm liền từ ánh sáng của ngọn đèn điện mắc trộm vào xó ngục, xa cửa ra vào và che kín. Hễ có biến động, các nhà báo tắt điện ngay, mọi đồ nghề tạm đem che giấu trong nhà vệ sinh, nhưng vẫn bảo đảm: “Đi theo ánh sáng vào trong ấy/Chớ để văn phong phải nặng mùi”.

Có lần khi nhà báo Xuân Thủy đang duyệt bài cho tờ Suối Reo thì có báo động cả ngày và đêm, nhà báo Xuân Thủy và vài bạn biên tập phải dọn luôn cả “bàn giấy” và “xưởng in” vào nhà xí. Gọi “bàn giấy”, “xưởng in” nhưng thực ra chỉ có vẻn vẹn hai cái túi vải đựng tài liệu, giấy, bút mực. Việc viết báo cũng thật thú vị, người đứng viết, người ngồi, người để lên bàn tay, người đặt lên đầu gối, người kê lên sàn gạch, lên đống chăn đắp... miễn là có thể viết được.
Bất chấp sự lùng sục gắt gao và những trò phá phách của địch, tờ Suối Reo đầu tiên vẫn ra đời với nhiều thể loại bài từ nghị luận chính trị, truyện ngắn đến châm biếm vui cười và thơ ca ngợi quê hương đất nước... Trong tờ báo đầu tiên có ghi lời tựa của đồng chí Xuân Thủy với 4 câu thơ: “Thu sang, hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối Reo lên để cho lòng ta reo”. Suối Reo là tờ báo viết tay được phát hành cũng rất đặc biệt. Báo được luân phiên chuyển từ trại giam này sang trại giam khác và tờ báo được bảo quản bí mật, chỉ cử ra một người đọc cho mọi người trong các khám và xà lim cùng nghe vào buổi tối.

Vượt qua muôn khó khăn, vất vả, cùm kẹp của bọn chúa ngục, tờ báo Suối Reo ra đời và đi cùng năm tháng với những người tù cộng sản trong nhà tù Sơn La cho đến tháng 3/1945, khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc - thời điểm thực dân Pháp kéo cờ trắng đầu hàng Nhật, các chí sĩ cộng sản được tự do rời nhà tù Sơn La. 4 năm (1941 - 1945), báo Suối Reo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là món ăn tinh thần, cổ vũ, động viên, đoàn kết, giáo dục các lực lượng trong nhà tù trên bước đường phấn đấu vì sự nghiệp giành độc lập và giải phóng dân tộc do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Tinh thần vượt khó, chấp nhận hy sinh, làm việc sáng tạo, một lòng sắt son trung thành với Đảng và phấn đấu vì mục tiêu sự nghiệp cách mạng của các nhà báo tiền bối trong nhà tù Sơn La vẫn mãi là bài học quý cho lớp lớp nhà báo sau này học tập và noi theo.

Khắc Duẩn