Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng là lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các tỉnh, thành phố…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghị quyết số 120/NQ-CP dù đã phát huy được hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng ĐBSCL, nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục như: thể chế điều phối vùng, liên kết vùng chưa được nghiên cứu, triển khai; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, qua đó chưa đề xuất được những dự án lớn, có sức lan toả, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông...Tư duy phát triển thuận thiên, theo ba vùng sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch thiếu tổng thể; các dự án hạ tầng thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu, chưa kết nối với TP Hồ Chí Minh để phá thế ốc đảo và tạo động lực phát triển thị trường cho các hàng hóa nông sản vốn là thế mạnh của vùng; vùng ĐBSCL chưa hình thành được cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội; chưa có giải pháp đột phá trong đầu tư cho vùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ứng phó với BĐKH là cuộc chiến dài lâu cho nên phải huy động mọi sức mạnh của nhân dân, mọi nguồn lực của xã hội để cùng ứng phó. Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 120/NQ-CP, Thủ tướng đề ra phương châm hành động: “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng”. Chính phủ sẽ đề ra các cơ chế chính sách để thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp hành động. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường kiến thức, đồng hành với các chủ trương, chính sách của Chính phủ. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải tạo được môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp; các địa phương cần chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong tình hình BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Nguồn lực đất đai phải được bố trí hợp lý, giữa trồng lúa, nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển đô thị; các địa phương cần tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, thúc đẩy các giải pháp phát triển khoa học - công nghệ; Bộ Tài chính cần nghiên cứu cơ chế huy động vốn thúc đẩy thị trường tài chính nhằm tạo nguồn vốn để đối phó với BĐKH; Bộ Giao thông vận tải cần ưu tiên bố trí vốn, đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL nhằm liên kết vùng, liên kết các địa phương, tạo động lực cho phát triển. Thủ tướng đề nghị các địa phương nghiên cứu dành một phần ngân sách để chi thường xuyên cho các chương trình ứng phó với BĐKH. Chính phủ sẽ đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ thêm nguồn ngân sách để các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò là nhạc trưởng, xây dựng các cơ chế liên kết để phát triển vùng ĐBSCL. TP Hồ Chí Minh phải là địa phương đi đầu thực hiện công ước của Liên hợp quốc về ứng phó với BĐKH…
Trong khuôn khổ bốn diễn đàn diễn ra tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Đồng thời, thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 120/NQ-CP, bao gồm: các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công - tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết; mối quan tâm và định hướng cam kết của các đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết… Hội nghị lần này cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH.
Trong hai năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho tám tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đáng chú ý, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã hỗ trợ vùng ĐBSCL 28 dự án (tám dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển). Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền đã rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL như: đánh giá, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân cho các hoạt động thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; thí điểm cơ chế điều phối vùng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng.
Các địa phương trong vùng triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến Bạc Liêu. Tỉnh Sóc Trăng với tổng kinh phí 152 tỷ đồng xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt tại các địa bàn xung yếu. Tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi…
Nhờ các chính sách đúng đắn, kịp thời, vùng ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở tăng trưởng GDP 7,8%, cao nhất trong bốn năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới...
Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Bộ Nội vụ xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2025 21.12.2024 | 16:03 PM
- Ngày hội hiến máu tình nguyện tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình 21.12.2024 | 16:04 PM
- Thái Thụy: Gặp mặt đảng viên là người có đạo tiêu biểu năm 2024 21.12.2024 | 16:07 PM
- 7 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu hụt canxi 21.12.2024 | 16:07 PM
- Khơi thông mọi nguồn lực để thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, bền vững 21.12.2024 | 14:26 PM
- Startup Agibot sản xuất hàng loạt robot hình người 21.12.2024 | 14:26 PM
- Một năm trắc trở của châu Âu 21.12.2024 | 10:43 AM
- Phim 'Mưa đỏ' tái hiện 81 ngày đêm lịch sử 21.12.2024 | 10:43 AM
- Khai mạc tuần Du lịch-Văn hóa Lai Châu 2024 21.12.2024 | 10:43 AM
- Những địa điểm hoàn hảo để đón Giáng sinh 21.12.2024 | 10:43 AM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình