Thứ 6, 22/11/2024, 12:45[GMT+7]

Huynh đệ thượng thư

Thứ 2, 24/06/2019 | 09:00:25
5,761 lượt xem
Rất hiếm gia đình có hai cha con hoặc hai anh em đều đỗ đạt và ra làm quan đồng triều như Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm quê làng Phúc Khê Tiền, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy). Hai anh em Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm đều được vua Lê Thánh Tông tuyển vào “nhị thập bát tú” trong hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra.

Từ đường Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm làng Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” khảo chép và xếp loại Quách Đình Bảo vào “mười tám người phò tá có công lao và tài đức” thời Lê sơ. Ông sinh ngày 30 tháng 7 năm Giáp Dần (1434) tại làng Phúc Khê Tiền, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng. Thời bấy giờ, vua Lê Thánh Tông rất yêu thi ca trong khi Quách Đình Bảo lại giỏi văn chương nên được vua Lê Thánh Tông quý trọng. Ông đem hết tài năng và sức lực của mình cống hiến cho “vương triều thịnh trị”, ông được vua Lê Thánh Tông tin cẩn trao cho nhiều trọng trách, nhiều cương vị cao sang.

Đối với sự học, ông là người có công lao lớn, là người tấu trình với vua Lê dựng bia tiến sĩ và được vua chấp thuận. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 vua Thái Tông triều ta đến nay. Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay, khắc vào bia đá... Vua Lê Thánh Tông chuẩn y, sai Công bộ khởi công dựng tạc bia. Ngày 15 tháng 8 năm 1484, 10 tấm bia đã được dựng. Sử cũ chép để công việc được chuẩn xác, Quách Đình Bảo còn cẩn thận sai người đi các nơi thống kê, sưu tầm tiểu sử từng vị tiến sĩ đỗ đạt qua các kỳ thi. Sử sách ghi rõ công lao của Quách Đình Bảo đã đề nghị nhà vua cho thay đổi danh xưng các vị đỗ đạt cho phù hợp với tình hình mới. Các danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa được ông đề nghị đổi thành Tiến sĩ cập đệ; Chánh bảng thành Tiến sĩ xuất thân; Phụ bảng thành đồng Tiến sĩ xuất thân. Theo chính sử sau khi công việc hoàn thành, năm 1485 Thượng thư bộ Lễ Quách Đình Bảo được vua đổi sang chức Thượng thư bộ Hình. Quách Đình Bảo còn tham gia biên soạn “Thiên nam dư hạ tập” (100 quyển) ghi chép về chế độ, luật lệ, văn thư điển lệ, cáo sắc của Đại Việt từ các triều đại trước đến thời nhà Lê, tham gia viết “Thân chinh ký sự” là những ghi chép về diễn biến cuộc nam chinh năm 1470 - 1471 của vua Lê Thánh Tông khi đi đánh Chiêm Thành. Quách Đình Bảo là vị quan thanh liêm có nhiều cống hiến cho Quốc gia Đại Việt nhưng lúc tuổi xế bóng Quách Đình Bảo xin về quê trí sĩ, thảnh thơi dạy học chứ không tìm cách ở lại kinh thành hưởng thụ xa hoa. Ông mất ngày 1 tháng 7 năm 1508 tại quê nhà thọ 76 tuổi được vua Lê truy phong làm Phúc thần làng Phúc Khê.

Người em trai út của Thám hoa Quách Đình Bảo là Quách Hữu Nghiêm sinh ngày 3 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1442) lúc vụ án Lệ Chi Viên “dày oan” rơi lệ thế gian. Được sự rèn dũa của thầy Nguyễn Thành vốn là quan Tế tử Quốc tử giám về quê trí sĩ ở làng Kim Bôi, phủ Tiên Hưng năm 1466, niên hiệu Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, Quách Hữu Nghiêm lên kinh đô ứng thí thi Đình và đỗ Hoàng giáp được bổ nhiệm làm quan ở Hàn lâm viện giữ chức Tả thị lang bộ Lễ. Năm 1484, ông được phong phó Đô ngự sử Ngự sử đài. Theo các tài liệu khảo cứu chức “Đô ngự sử - Ngự sử đài” là chức quan có trách nhiệm vạch tội những triều thần làm sai và can gián nhà vua. Trong đó “Đô ngự sử” là chức quan phụ trách ngự sử đài còn “Ngự sử đài” là cơ quan giám sát cao nhất của nhà nước phong kiến đặt ngay nội triều. Năm Canh Thân (1500), Quách Hữu Nghiêm được thăng Thái thường tự khanh. Năm 1502, ông được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Minh, không hổ thẹn với triều đình nhà Lê cử ông đi sứ, với tài thi văn và sự hiểu biết thông tuệ, Quách Hữu Nghiêm được Hoàng đế nhà Minh khen ngợi có phong thái bậc người tài thời Tam đại. Hoàng đế nhà Minh còn ban cho áo đại hồng có thêu con dê thần và đám mây bằng kim tuyến xen chỉ gai tơ sống, cực quý. Với tài ngoại giao của một Chánh sứ Quách Hữu Nghiêm luôn giữ chuẩn mực “Toàn quân mệnh, tráng quốc uy” nghĩa là làm tròn bổn phận bề tôi đối với vua và dùng tài trí của mình, trọng trách vua ban để làm tăng thế nước và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được vua Lê trao cho. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” trang 171, chương IV phần bang giao do Phan Huy Chú biên soạn có chép lần đi sứ nhà Minh của Quách Hữu Nghiêm là để tạ ơn mũ áo mà Hoàng đế nhà Minh ban tặng cho vua Lê Hiến Tông tiếp tục “bồi đắp hòa khí, dập tắt chiến tranh”. Quách Hữu Nghiêm đã có bài diễn văn ra mắt hoàng đế Trung Hoa có nội dung “Cúi thấy chiếu thư ban xuống, tập phong vừa được quang vinh, áo mũ ban cho vẻ mình càng thêm rực rỡ. Tác thành có đạo, ghi nhớ trong lòng. Kính nghĩ, hoàng đế bệ hạ, áo mũ để khuyên mọi phương, lễ văn rực rỡ, đến cả cõi Nam xa cũng thêm vẻ đẹp huy hoàng. Thần kính giữ chức xưa được ban ân mới. Khắp bốn biển đều theo đức, thấm nhuần ơn huệ từ lâu đến muôn năm giữ yên dân, dằng dặc phú trời thêm hưởng”. Mãn hạn đi sứ, về đến Đại Việt, Quách Hữu Nghiêm liền được vua Lê trọng đãi, phong chức Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử.

Như vậy hai anh em Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm cùng hàng Thượng thư đứng đầu triều Lê lúc bấy giờ. Vua Lê ban tặng đôi câu đối:

Tam bộ Thượng thư di tranh tạ

Lưỡng phiên cổ tướng vũ công thùy

Tạm dịch:

(Hai anh em Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm giỏi thi thư lại kiêm võ bị giữ chức Thượng thư ba bộ/Hai lần cùng vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi)

Tiếc thay, vì một sự cố bất ngờ Quách Hữu Nghiêm đột ngột qua đời. Gia phả họ Quách làng Phúc Khê chép rằng: “…trên đường về thăm quê đến ngã ba sông Cun thuộc làng Thiên Quan thì mất ở đó…”. Làng Thiên Quan (xã Thái Hà ngày nay) thương xót vị quan tài ba, đức độ, ông mất đi là một tổn thất to lớn đối với triều đình nhà Lê thời đó nên dân làng Thiên Quan đã lập đền thờ ông tại ngã ba sông Cun. Vua Lê vô cùng thương xót ban cho dân làng Thiên Quan 54 mẫu ruộng để thờ phụng, hương khói cho ông và ban tặng gia tộc họ Quách bức đại tự “Thi lễ truyền gia”, đại tự vẫn được treo trang trọng tại từ đường họ Quách ở làng Phúc Khê từ đó đến nay.


Ông Quách Đình Hòa, trưởng tộc họ Quách, thôn Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy

Từ đường họ Quách, làng Phúc Khê thờ hai cụ nhà chúng tôi cũng là hai anh em ruột cùng làm quan Thượng thư thời nhà Lê là Thám hoa Quách Đình Bảo (1434 -1508) và Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm (1442 - 1503), đó là niềm tự hào không chỉ riêng dòng tộc họ Quách chúng tôi. Từ đường họ Quách được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Ông Quách Đình Vinh, Chi hội trưởng Cựu thanh niên xung phong thôn Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, thành viên hội đồng gia tộc họ Quách

Cụ tổ chúng tôi là Quách Ý Trung và thân mẫu là Đào Thị Dung đã sinh ra 4 anh em cụ là: Quách Đình Bảo (1434), Quách Đình Thực (1437), Quách Đình Quý (1439), Quách Hữu Nghiêm (1442). Trong đó, cụ ông cả là Quách Đình Bảo và cụ ông út là Quách Hữu Nghiêm học hành giỏi giang, thi thư đỗ đạt làm quan Thượng thư ba bộ triều Lê.

Bà Quách Thị Lan, thành viên hội đồng gia tộc họ Quách, thôn Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy

Làm quan thanh liêm, có nhiều công lao với đất nước, cũng như những vị quan đương thời, cụ tôi Quách Đình Bảo xin về trí sĩ dạy học chứ không ở lại kinh thành. Ông mất ngày 1 tháng 7 năm 1508 tại quê nhà thọ 76 tuổi. Sau khi mất, cụ được vua Lê truy phong làm Phúc thần làng Phúc Khê.

Ông Quách Đình Thuyên, trưởng ban tổ chức hội đồng gia tộc họ Quách, thôn Phúc Khê, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy

Noi gương hiếu học của các cụ, con cháu dòng tộc họ Quách, làng Phúc Khê phấn đấu học hành đỗ đạt. Hiện dòng tộc có 9 tiến sĩ (trong đó có 1 gia đình có bố và hai con đều là tiến sĩ); 15 thạc sĩ, 168 cử nhân; 1 sĩ quan cấp tướng quân đội, 1 sĩ quan cấp tá công an, 1 nhà giáo nhân dân, 1 thầy thuốc ưu tú…

 Quang Viện





Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày