Thứ 3, 05/11/2024, 23:17[GMT+7]

Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa

Thứ 2, 24/06/2019 | 10:05:35
1,406 lượt xem
Vi rút bệnh lùn sọc đen (LSĐ) vẫn đang tồn tại trên đồng ruộng. Trong điều kiện thời tiết vụ mùa nắng nóng thuận lợi cho rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh phát sinh, do vậy, nguy cơ gây hại của bệnh LSĐ ở vụ mùa rất cao nếu không áp dụng đúng, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh.

Cấy mạ non, cấy thưa giúp cây lúa phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

LSĐ hại lúa là loại bệnh rất nguy hiểm, do vi rút gây ra và không có thuốc đặc trị, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Nhận thức rõ mức độ nguy hại của bệnh, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó với bệnh LSĐ năm 2019 bằng nhiều biện pháp. Vì thế, vụ xuân năm 2019, bệnh chỉ xuất hiện rải rác trên từng dảnh lúa, khóm lúa ở các huyện ven biển, không gây thiệt hại về năng suất. Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nguồn bệnh, rầy môi giới đã có sẵn trên đồng ruộng ngay ở vụ xuân, khoảng cách chuyển vụ ngắn tạo điều kiện cho rầy lưng trắng di chuyển từ vụ xuân truyền bệnh ngay trên mạ vụ mùa. Cùng với điều kiện thời tiết nắng nóng là những yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh, gây hại ở vụ mùa.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêu diệt nguồn bệnh, bảo vệ cây lúa ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn từ khi nảy mầm đến sau cấy 60 ngày đồng thời phải chăm sóc cho cây lúa khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt. Chi cục đã có hướng dẫn tới các địa phương làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương, làm đất sớm hạn chế lúa chét là ký chủ phụ của rầy lưng trắng và bệnh LSĐ. Bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng giống lúa kháng hoặc ít nhiễm rầy; khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM (cấy mạ non, cấy thưa, bón phân cân đối) để giúp cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu, không phun thuốc kích thích sinh trưởng khi cây lúa đã bị bệnh. Xử lý hạt giống trước khi gieo mạ bằng một trong các loại thuốc sau: Cruiser Plus 312.5FS, Enaldo 440FS, Kola 600FS... (thóc giống đem ngâm ủ bình thường, khi hạt giống nứt nanh pha thuốc với nước theo tỷ lệ nhất định rồi cho vào bình phun hoặc thùng tưới hoa sen phun hoặc tưới đều lên giống đã qua ngâm ủ, sau đó trộn đều nước thuốc với hạt giống, tiếp tục ủ khoảng 8 - 12 tiếng rồi đem gieo). Phun trừ rầy lưng trắng trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy từ 2 - 3 ngày bằng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn; khi phát hiện ruộng mạ bị bệnh LSĐ cần phải tiêu hủy kịp thời và dùng mạ khác để cấy thay thế. Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ mùa, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch lúa xuân, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung huy động phương tiện, lực lượng đẩy nhanh tiến độ làm đất, thực hiện làm đất kỹ, giữ nước tốt cho ruộng để diệt gốc rạ, lúa chét triệt để, tránh phát tán nguồn bệnh LSĐ. Khuyến cáo người dân thực hiện gieo mạ tập trung theo vùng, không gieo mạ ở gần những ruộng đang có nguồn bệnh, ven đường giao thông, những nơi có nguồn ánh sáng thu hút rầy vào ban đêm. Ngành Nông nghiệp đã phân công cán bộ kiểm tra, theo dõi phát sinh, mật độ rầy trên mạ để có biện pháp xử lý thích hợp. Đến nay, chúng tôi đã cấp phát 31.912 gói thuốc phun trừ rầy trên mạ theo cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ mùa của huyện đã ban hành.

Sau khi cấy, nếu bệnh LSĐ xuất hiện ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, bà con phải nhanh chóng bao vây phun trừ rầy lưng trắng bằng các loại thuốc đặc hiệu sau đó nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh. Còn với ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, thì phải tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng, trước khi cày vùi cũng phải phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán nguồn bệnh.

Ngân Huyền