Thứ 3, 06/08/2024, 03:17[GMT+7]

“Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”

Thứ 5, 27/06/2019 | 19:04:17
749 lượt xem
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội thảo hôn nhân - gia đình ngày 10/10/1959. Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều gia đình đã phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, sống đoàn kết, nuôi dạy con ngoan, làm kinh tế giỏi trong đó có gia đình anh Trần Văn Đức ở thôn Đông Khê, xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Anh Đức hướng dẫn người lao động kỹ thuật đóng gói sản phẩm.

Nhiều năm qua, gia đình anh Trần Văn Đức và chị Nguyễn Thị Hoài Thu đều được vinh danh là gia đình văn hóa. Không chỉ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống đoàn kết, nghĩa tình với làng xóm, gia đình anh còn là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Hiện gia đình anh đang sở hữu xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức quy mô 4.000m2, trị giá hàng chục tỷ đồng. Sản lượng các loại bánh kẹo mỗi năm khoảng 100 tấn, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Đức chia sẻ: Ban đầu khi xây dựng gia đình hai vợ chồng phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống như thu mua phế liệu, bán nước giải khát. Dù làm nhiều nghề nhưng trong tâm niệm chúng tôi luôn muốn gắn bó với nghề truyền thống quê hương. Vì thế, đến năm 1999, gia đình tôi quyết định mở xưởng chế biến bánh kẹo Thiên Đức với sản phẩm chủ lực là kẹo lạc, bánh cáy. Tuy nhiên, thời gian đầu, xưởng gặp nhiều khó khăn do ít vốn. Kẹo lạc, bánh cáy là sản phẩm phổ biến, nhiều người làm nên sức tiêu thụ chậm. Xác định để có thể đứng vững trên thị trường thì phải học hỏi, sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm mới, đa dạng mặt hàng, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sau nhiều năm lặn lội đến các tỉnh, thành phố tìm nguồn nguyên liệu đặc trưng, gia đình tôi đã sản xuất được khoảng 30 loại bánh bán ra thị trường.
Trong nuôi dạy con cái, anh Đức, chị Thu luôn suy nghĩ: Bố mẹ giống như người bạn của con, phải biết lắng nghe và chia sẻ với con. Bởi có gần gũi, chia sẻ mới hiểu được tâm tư, suy nghĩ của con để khuyên bảo, dạy dỗ, tránh sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Được sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, hai con của anh Đức, chị Thu đều chăm ngoan, học giỏi. Hiện con trai lớn Trần Văn Đông đang học Đại học Kinh tế quốc dân; con gái Trần Nguyễn Khánh Ly đang học THCS. Anh Đức cho biết thêm: Ban đầu sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng. Chúng tôi tâm niệm phải sống đoàn kết, nhẫn nhịn, hạn chế mâu thuẫn để làm gương cho các con. Gia đình có đoàn kết mới vượt khó, phát triển kinh tế được.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi con giỏi, dạy con ngoan, gia đình anh Đức còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giữ mối quan hệ gắn bó với người lao động, hòa đồng với cộng đồng làng xóm. Hàng năm, địa phương tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, tết Trung thu, gia đình anh đều tích cực tham gia và ủng hộ từ 3 - 5 triệu đồng. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cũng được anh Đức nhận vào làm và đã thoát nghèo.
Từ sự nỗ lực của các thành viên, gia đình anh Đức là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng trong ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2019.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, toàn tỉnh có hơn 519.400 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ trên 89%. Đây là niềm vui song cũng đặt ra trách nhiệm đối với mỗi gia đình được trao tặng danh hiệu. Mỗi gia đình tốt sẽ góp phần xây dựng xã hội tốt. Chính vì thế, việc xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.


Như Hoàng