Thứ 6, 22/11/2024, 18:07[GMT+7]

Mô hình phát triển cao về văn hóa nông thôn

Thứ 6, 28/06/2019 | 15:53:34
688 lượt xem
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và vẫn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới với mục tiêu nâng chất, nâng tầm đời sống nhân dân. Căn cứ vào các chỉ tiêu được cụ thể hóa, nhiều địa phương đã chủ động triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên cơ sở đã hoàn thành xây dựng Làng văn hóa một cách cơ bản, vững chắc. Đây chính là mô hình phát triển cao về văn hóa nông thôn.

Bảo tồn những nét văn hóa đặc thù ở các làng quê, tạo sự hài hòa trong tiến trình phát triển. Ảnh: Đinh Tuấn Anh

Phong trào mới tạo dựng nền tảng mới
Sau 30 năm (1989-2019), phong trào xây dựng Làng văn hóa ở Hà Nội đã đi vào nền nếp, với trên 2.500 quy ước Làng văn hóa được xây dựng, bổ sung và thực hiện. Rất nhiều xã có 100% làng, cụm dân cư được công nhận danh hiệu Làng văn hóa nhiều năm liền. Hai năm trở lại đây đã có những làng bắt tay vào việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu theo 4 tiêu chuẩn: Đời sống ổn định, tăng trưởng bền vững; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú và dân trí được nâng cao; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thanh Oai là huyện có nhiều làng đi tiên phong về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, huyện đã đề ra các tiêu chí nâng cao và chú trọng các khâu đột phá là: Phát triển kinh tế; việc cưới, việc tang, lễ hội; cảnh quan môi trường; thiết chế văn hóa; ứng xử văn hóa nơi công cộng. Các giải pháp khả thi dựa trên cơ sở phát huy tiềm lực và lợi thế của mỗi làng. Đảng ủy các xã, chi bộ các thôn ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; UBND các xã, ban lãnh đạo các thôn ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu... Kết quả, đến tháng 5-2019, hai làng Thị Nguyên và Hưng Giáo đã cơ bản đạt các tiêu chí; làng Minh Kha và Tổ dân phố Kim Bài cũng có thể về đích sớm.

Xã Liên Trung, huyện Đan Phượng có 100% làng, cụm dân cư được công nhận danh hiệu Làng văn hóa nhiều năm liền. Ảnh: Bá Hoạt 

Phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở nhiều địa phương khác cũng đã có chuyển biến tích cực. Tại huyện Đan Phượng, các thôn thuộc 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đan Phượng, Liên Trung và Song Phượng được đánh giá là đi đầu trong việc xây dựng Làng văn hóa theo các yêu cầu mới. Huyện Phúc Thọ đã rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình Cụm dân cư kiểu mẫu làm cơ sở xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu...

Khó khăn, thách thức còn nhiều 

Văn hóa truyền thống đậm nét ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. 

Tính đến hết tháng 5-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 371/386 xã đạt tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và 349/386 xã đạt tiêu chí số 16 (văn hóa) theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các địa phương đều ý thức được rằng, các yêu cầu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đều rất cao so với việc xây dựng Làng văn hóa giai đoạn trước, trong khi khó khăn, thách thức còn nhiều và có thể còn xuất hiện trong thời gian tới.
Ở góc nhìn từ cơ sở, ông Bùi Thế Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), một trong 4 làng được chọn đi tiên phong về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của huyện, nhận định: Một vấn đề rất lớn liên quan đến toàn bộ quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới là việc quy hoạch, bố trí khu dân cư ở trong hầu hết các làng còn khá nhiều bất cập so với yêu cầu quy hoạch, kiến trúc, xây dựng nông thôn trong tiến trình hiện đại hóa. Vì thế, phải quan tâm ở mức ưu tiên cho rà soát quy hoạch, thực hiện điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch mới, kiến trúc, xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ và hoàn chỉnh.
Còn theo Trưởng thôn Bùi Thế Việt thì Hưng Giáo cho dù đã cơ bản đạt cả 4 tiêu chí nhưng vẫn còn một số mặt phải nỗ lực làm tốt hơn như hạn chế số mâm cỗ trong các đám cưới, số vòng hoa viếng trong các đám tang... Ông Nguyễn Kim Đài, Trưởng thôn Minh Kha (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) chỉ ra một số vấn đề như đời sống của người dân chưa phải là đã hết khó khăn; lao động việc làm của một bộ phận nông dân, kể cả lớp trẻ, chưa thật ổn định; còn một số tập quán sinh hoạt lạc hậu chi phối nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận dân cư...

Tiền đề cho phát triển bền vững 

Làng Rùa (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. 

Xây dựng thôn, làng, bản văn hóa kiểu mẫu là tiền đề cho sự phát triển cả về văn hóa và kinh tế trong tương lai theo hướng bền vững. Khi phong trào xây dựng Làng văn hóa đã đạt được những kết quả căn bản, vững chắc thì việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ càng có thêm điều kiện để mở rộng về diện và nâng cao về chất.
Việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu phải tập trung vào các nội dung và các giải pháp chính yếu là: Phát huy nguồn lực tổng thể, nhất là nội lực của cộng đồng dân cư trong làng; bài trừ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ cũ, cách sinh hoạt cũ. Cùng với việc khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa đặc thù của làng quê, phải lồng ghép, đưa cái mới trong văn hóa cộng đồng về làng, tạo nên đời sống văn hóa mới trong tổng thể kinh tế, văn hóa hài hòa; phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc để góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước hiện đại, văn minh. 

Theo hanoimoi.com.vn