Thứ 6, 22/11/2024, 17:42[GMT+7]

Tận dụng dư địa để thu hút dòng vốn gián tiếp từ Vương quốc Anh

Thứ 4, 03/07/2019 | 09:59:18
916 lượt xem
Vốn Đầu tư gián tiếp (FII) từ Anh vào Việt Nam đã đạt gần 1 tỷ USD, song còn khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và sức hấp thụ của thị trường Việt Nam. Do vậy, sự kiện xúc tiến đầu tư tại London có ý nghĩa quan trọng, mở kỳ vọng gia tăng mạnh hơn nữa dòng vốn FII vào Việt Nam.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN-Bộ Tài chính. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trước thềm chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện các bộ, ngành, nhà đầu tư tại Vương quốc Anh. 

Theo ông Trần Văn Dũng, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài là rất cần thiết, giúp kích cầu và khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào TTCK Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, hoạt động này đã được đưa vào là một trong những chương trình công tác trọng tâm định kỳ hàng năm của Bộ Tài chính và UBCKNN.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Anh của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng năm nay, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Thương mại Quốc tế (đại diện là UK ABC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London, với tên gọi “Đầu tư vào Việt Nam”.

Bộ Tài chính sẽ giới thiệu tiềm năng Việt Nam thông qua các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đổi mới, hội nhập, cải thiện chính sách nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư gián tiếp vào thị trường vốn nói riêng.

Tại đây, các đại biểu sẽ trực tiếp đối thoại về những thuận lợi, khó khăn và lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Anh. Ngoài ra, thông qua các cuộc gặp gỡ song phương giữa doanh nghiệp hai nước sẽ tạo cầu nối gặp gỡ, tìm kiếm đối tác đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Ông Trần Văn Dũng cho hay: Việc lựa chọn thị trường trọng điểm cho từng giai đoạn phát triển của TTCK đóng vai trò quan trọng giúp khai thác được hết hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư. Thủ đô London (Vương quốc Anh) là 1 trong 5 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu và tập trung nhiều quỹ đầu tư tài chính lớn. Đồng thời, London cũng là trung tâm lớn nhất của các thị trường phái sinh, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và ngân hàng cho vay quốc tế,… nên rất phù hợp với mục tiêu tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư gián tiếp cho TTCK.

Anh hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai (sau Hà Lan) tại Việt Nam với 267 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Hà Lan). Việt Nam và Anh đã ký kết nhiều hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; Hiệp định về Bảo hộ và xúc tiến đầu tư,... và dự kiến trong thời gian tới  hai nước sẽ thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) trên cơ sở kế thừa Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mà Việt Nam – EU vừa ký kết. Đây là cơ hội và tiền đề tốt cho việc hợp tác, thúc đẩy đầu tư gián tiếp giữa hai thị trường, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính 2 nước.

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, TTCK Việt Nam đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. TTCK đã không ngừng tăng trưởng về quy mô và thanh khoản với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu tính đến hết tháng 6/2019 đạt khoảng 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 78% GDP ước tính năm 2018, tăng 11,2% so với đầu năm 2019.

Sau 19 năm vận hành, TTCK về cơ bản đã hoàn thiện về mặt cấu trúc (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), đa dạng hóa về sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh, và gần nhất là chứng quyền có bảo đảm vừa mới vận hành).

Nhiều năm qua, TTCK Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. TTCK Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai. Có thể nói, TTCK Việt Nam không chỉ phát triển nhanh về “lượng”, mà đã có sự chuyển dịch rõ rệt về “chất”.

Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong công tác hoàn thiện chính sách phát triển TTCK, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Trần Văn Dũng, dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn tìm đến những thị trường giàu tiềm năng, có chính sách vĩ mô ổn định, có tính chuyên nghiệp cao và khả năng bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tốt. Mỗi sự kiện trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư đều có mục tiêu chung là đến thực tế chia sẻ các góc nhìn về tiềm năng, cơ hội và rủi ro thách thức để các nhà đầu tư có cơ sở hoàn chỉnh hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Đó cũng chính là cơ hội để chúng ta thể hiện tính chuyên nghiệp và sự thiện chí trong góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, khi chúng ta đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới nhà đầu tư và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ, thì rõ ràng các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam sẽ tăng; và các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng.

"Không thể phủ nhận rằng, tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư châu Âu, bao gồm cả Anh là rất cao và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với lợi thế, tiềm năng của TTCK Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu cơ hội. Tôi cũng rất kỳ vọng, sau sự kiện này, cơ hội này sẽ sớm chuyển hóa thành hiện thực", ông Trần Văn Dũng cho biết.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, vốn FII liên tục vào ròng trên TTCK ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018). Trong bối cảnh tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị vốn FII vào ròng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD.

Vốn FII của Anh vào Việt Nam hiện nay xấp xỉ 1 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của các nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh.

“Mong rằng dòng vốn FII từ Anh sẽ ngày càng phát triển ổn định tương xứng với tiềm năng, TTCK Việt Nam tiếp tục đón nhận những nhà đầu tư đến từ Anh Quốc và các nước trên thế giới”, ông Trần Văn Dũng kỳ vọng.


Theo baochinhphu.vn