Thứ 6, 10/01/2025, 23:33[GMT+7]

Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp

Thứ 6, 05/07/2019 | 09:02:43
1,794 lượt xem
Minh Hưng (Kiến Xương) là xã độc canh lúa, thu nhập chủ yếu của người dân từ nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Sau khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém năng suất sang nuôi trồng các loại cây, con cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, cải tạo đất đai, phát triển kinh tế gia đình bằng những mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Nhiều người dân xã Minh Hưng (Kiến Xương) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi.

Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, gia đình ông Đặng Văn Tuyệt, thôn Nguyên Kinh 2 chỉ trông vào mấy sào ruộng nên điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Năm 2003, ông đăng ký ra vùng đất chuyển đổi và vay mượn vốn xây dựng trang trại. 

Ông Tuyệt cho biết: Với diện tích 5.000m2, trang trại thường xuyên nuôi từ 3.000 - 5.000 con ngan, gà, vịt thương phẩm và trồng các loại rau màu, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn trong chăn nuôi để nuôi cá. Mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường từ 1,5 - 2 tấn cá thương phẩm cùng hàng vạn con gia cầm, trừ chi phí cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng.

Cùng chung ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lưu Văn Thảo, thôn Nguyên Kinh 2 cũng chuyển đổi diện tích đất canh tác trũng của gia đình và đấu thầu thêm khu vực liền kề để xây dựng trang trại phát triển mô hình VAC. Huy động nguồn vốn của gia đình và vay mượn thêm, anh đầu tư hơn 300 triệu đồng để đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại, mua con giống. Với tổng diện tích trang trại 6.700m2, trong đó diện tích mặt nước 4.800m2 anh nuôi thả các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, mè, cá chim. Diện tích còn lại xây dựng chuồng trại, thường xuyên nuôi gần 1.500 con ngan, gà, vịt thương phẩm; trồng các loại cây cho giá trị kinh tế như hòe, chuối, cây ăn quả, rau màu và cấy lúa phục vụ chăn nuôi. Với phương châm nuôi trồng từ nhỏ đến lớn, lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Gia đình ông Tuyệt, anh Thảo chỉ là hai trong nhiều hộ làm giàu từ phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp trên vùng đất chuyển đổi của xã Minh Hưng. Từ hoàn cảnh hết sức khó khăn, đến nay nhiều hộ thu nhập ổn định, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành, kiến thiết nhà cửa, mua sắm các phương tiện hiện đại phục vụ cho cuộc sống, đóng góp xây dựng quê hương. 

Ông Trần Thế Tư, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng cho biết: Vùng chuyển đổi từ đất cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản rộng 25,2ha với hơn 40 hộ gia đình tham gia phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho hội viên, đoàn viên vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất... Nhờ đó mà đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 45,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,39%. Kết quả trên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tháng 5/2019, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được đoàn thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh về thẩm định, đánh giá kết quả.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, người dân Minh Hưng tiếp tục năng động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.

Thanh Huyền

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)