Thứ 7, 23/11/2024, 07:24[GMT+7]

Thượng Hiền: Phát triển nghề mây tre đan

Thứ 2, 08/07/2019 | 08:30:35
12,736 lượt xem
Trong bối cảnh nhiều làng nghề đang mai một dần hoặc không sản xuất, làng nghề mây tre đan xã Thượng Hiền (Kiến Xương) vẫn “sống khỏe” và đầy tiềm năng phát triển mở rộng. Những kinh nghiệm, cách thức phát triển làng nghề ở Thượng Hiền là bài học quý mà các địa phương khác trong tỉnh cần tham khảo, áp dụng để duy trì và phát triển làng nghề hoạt động hiệu quả.

Các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Thượng Hiền được xuất khẩu sang Nhật mang lại giá trị kinh tế cao cho người lao động.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương cho biết: Qua khảo sát, đánh giá các làng nghề trên địa bàn huyện, hiện nay toàn huyện chỉ còn 22 làng nghề còn giữ vững các tiêu chí, có tới 15 làng nghề suy giảm hoặc không còn nghề chính. Trong các làng nghề còn tồn tại, làng nghề mây tre đan xã Thượng Hiền là số ít làng nghề đang phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Giữa cái nắng chang chang của ngày hè, về xã Thượng Hiền đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh tượng bà con hối hả đan lát, phơi phong sản phẩm chuẩn bị cho những đơn hàng đã đặt. 

Ông Phạm Xuân Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Làng nghề hiện đang có 1.233 hộ tham gia với 2.420 lao động, chiếm 72,24% số lao động của địa phương. Giá trị sản xuất từ làng nghề hàng năm đạt từ 77 tỷ đồng trở lên; năm 2019 này, ước giá trị sản xuất sẽ tăng trưởng từ 25 - 30% so với năm 2018 bởi có rất nhiều đơn hàng được đối tác ký kết với các cơ sở sản xuất của làng nghề. Không giống với các làng nghề khác trong tỉnh luôn lo lắng về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, ở làng nghề Thượng Hiền, người dân làm nghề chỉ lo làm thế nào để tăng năng suất đáp ứng đủ hàng hóa cho các doanh nghiệp thu mua. 

Việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chủ yếu do 3 doanh nghiệp đảm nhiệm là Công ty Cổ phần Dũng Tấn, Công ty tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh và Công ty TNHH Du Dương. 

Ông Phạm Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Dũng Tấn cho biết: Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây tre đan của các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước ngày một tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề rất thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của các đơn vị đầu mối thu mua, mỗi tháng làng nghề xuất ra thị trường từ 15.000m2 - 16.000msản phẩm tấm mây đan và hàng nghìn sản phẩm hộp, lẵng hoa mây. Mặc dù đạt sản lượng lớn như vậy nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chúng tôi đang tập trung vận động và nâng giá trị thu nhập ngày công lao động để động viên bà con tranh thủ mọi thời gian để sản xuất.

- Niềm vui của người dân làng nghề mây tre đan Thượng Hiền là có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Bà Phạm Thị Vòng, thôn Văn Lăng chia sẻ: Vào thời gian này, vừa thu hoạch lúa xuân vừa tranh thủ sớm tối đan lát, mỗi tháng một người cũng đạt thu nhập 3 - 4 triệu đồng. Nhiều bà con chuyên tâm làm nghề, thu nhập có thể lên tới 6 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề truyền thống ở Thượng Hiền có tuổi đời hơn 200 năm, với đội ngũ lao động có kỹ thuật đan giỏi. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu, các doanh nghiệp trong làng nghề vẫn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và dạy thêm những kỹ thuật đan cho từng loại sản phẩm mới của mỗi đơn hàng. Những sản phẩm bị lỗi được phát hiện và kịp thời xử lý nên toàn bộ sản phẩm khi xuất ra thị trường đều được khách hàng chấp nhận, tin tưởng góp phần nâng cao uy tín cho làng nghề. 

Trung bình mỗi tháng, làng nghề mây tre đan Thượng Hiền tiêu thụ khoảng trên 200 tấn nguyên liệu mây, song. Với lượng nguyên liệu lớn như vậy, ngoài thu mua ở trong tỉnh, làng nghề có 10 người chuyên thu mua, vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên về địa phương phục vụ làng nghề sản xuất. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho làng nghề phát triển lâu dài, bền vững, ở Thượng Hiền có doanh nghiệp Dũng Tấn chuyên sản xuất cây mây giống và phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh miền núi tổ chức tuyên truyền, vận động, cung ứng giống cho bà con trồng, khai thác và bán sản phẩm nguyên liệu cho làng nghề.

Ngoài sự nỗ lực, năng động của bản thân mỗi doanh nghiệp, người dân làm nghề trong làng nghề, một trong những lý do khiến làng nghề mây tre đan Thượng Hiền sống khỏe đó là có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương. Từ nguồn kinh phí khuyến công, khuyến thương của tỉnh và huyện hỗ trợ đã giúp xã Thượng Hiền tổ chức tốt việc truyền nghề, dạy nghề cho lao động; hỗ trợ cho một số doanh nghiệp, tổ sản xuất của làng nghề đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện, các doanh nghiệp của làng nghề được tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu làng nghề tới rộng rãi người tiêu dùng, các đối tác trong và ngoài nước. 

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho biết: Nhằm hỗ trợ cho làng nghề phát triển, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ sản xuất và lao động địa phương tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi đã quy hoạch và vận dụng tốt các quy định của pháp luật để giúp các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất.

Khắc Duẩn
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)