Thứ 6, 10/01/2025, 23:53[GMT+7]

Đông Giang: Cây mít cổ độc nhất vô nhị

Thứ 2, 08/07/2019 | 09:12:19
6,460 lượt xem
Nói đến “mít bà Khể”, người dân 3 xã Đông Giang, Đông Hà, Đông Vinh (Đông Hưng) đều biết bởi hương vị đặc trưng của nó. Khi mít chín múi dày, dai, có màu vàng ươm và vị ngọt sắc. Điều đặc biệt, những quả mít ấy đều sinh ra từ cây mít cổ giống dai vàng bản địa độc nhất vô nhị ở xã Đông Giang đã có khoảng 120 năm tuổi.

Người sở hữu cây mít này là bà Trần Thị Khể, 67 tuổi, thôn Hòa Bình, xã Đông Giang. Bà Khể kể: Cây mít này có từ khi bố tôi còn trai trẻ, còn nguồn gốc xuất xứ từ đâu không ai biết. Anh em chúng tôi sinh ra, cây mít đã cao lớn, xum xuê và cho rất nhiều quả rồi. Từ ấy đến nay, cây mít vẫn cho quả đều. Có năm nhiều thì cây cho hơn 100 quả, năm nào ít thì cũng phải trên 50 quả, còn trung bình thì 70 - 80 quả/năm. Mỗi quả nặng từ 4 - 12kg. Mỗi năm, ngoài biếu người thân, xóm làng thì gia đình tôi thu gần 10 triệu đồng từ việc bán quả.

Theo quan sát của chúng tôi, “cụ” mít có chiều cao khoảng 30m, tán rộng choán gần nửa mảnh vườn trước nhà bà Khể. Đường kính thân cây hai người ôm không hết. Với tuổi đời hơn một thế kỷ, thân cây sần sùi, nhiều đoạn rễ trồi lên mặt đất in dấu thời gian. 

Bà Lại Thị Nguyên, 84 tuổi là người làng Đồng Lang, xã Đông Vinh về làm dâu ở xã Đông Giang ngót 70 năm nay chia sẻ: Nhà tôi gần nhà bà Khể nên năm nào cũng được thưởng thức mít nhà bà ấy. Vị của nó khác hẳn với những loại mít trong vùng, múi mít to, ăn giòn dai và vị ngọt sắc nên khi đã ăn mít “bà Khể” thì ai cũng nhớ. Đến mùa mít, bà ấy không cần mang ra chợ bán mà nhiều người đến tận nhà để mua. Có người còn đặt mua từ khi quả còn rất nhỏ.

Cũng như các cây mít khác, “cụ” mít cho quả đúng vụ nhưng khác là mít chín sớm hơn. Năm nay do thời tiết khắc nghiệt hơn nên “cụ” mít chỉ cho hơn 50 quả, lứa quả đầu bị sâu nên quả không to, chỉ từ 3 - 4kg/quả, còn lứa sau quả khá hơn nhưng cũng không to như các năm trước. 

Bà Khể tâm sự: Tuy quả không to, nhiều quả chín ép nhưng khi bổ ra vẫn thơm, múi vẫn giòn ngọt. Nếu quả chín đúng độ, mít ít nhựa, múi mít rất dày và dai, xơ và cùi vàng. Khi tách múi mít ra, bên trong có một ít nước chảy ra, ngọt như mật mía... Cây mít này cũng lớn lên tự nhiên như những cây ăn quả khác trong vườn nhà, cũng nhiều lần bị bão gió quật đổ những cành cao nhưng rồi cây lại bật mầm, quanh năm xanh tốt.

Mặc dù biết đây là giống mít ngon nhưng bà Khể chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nhân giống. Bà Khể kể: Cách đây vài năm, có người ở địa phương khác khi biết nhà tôi có cây mít cổ đã đến ngỏ ý mua cả cây mít này với giá cao nhưng tôi không bán vì đây là tài sản mà bố tôi để lại cho chúng tôi. Dù bố qua đời đã lâu nhưng thấy cây mít như thấy hình bóng của bố còn ở nơi này. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện nhân giống nên khi có đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo sát, nghiên cứu và được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về tận nơi tham quan cây mít và có chủ trương bảo tồn giống mít này, tôi rất vui và sẵn sàng tạo điều kiện để bảo tồn giống mít quý ở địa phương.

Cây mít là một trong những cây ăn quả được người dân trồng nhiều, từ lâu đời ở các địa phương như Đông Hưng, Hưng Hà, Vũ Thư. Cây mít cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nó vừa là cây xanh, cây ăn quả và cây lấy gỗ nên trồng trong môi trường nào cũng được. Đối với cây mít cổ của gia đình bà Khể, đơn vị sẽ xây dựng phương án chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh; đồng thời, phối hợp nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống để nhân rộng cùng với các cây ăn quả đặc trưng như hồng xiêm, ổi bo, góp phần tạo ra cây trồng chủ lực, thế mạnh của Thái Bình trong thời gian tới.

(Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)



Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đông Giang
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về việc bảo tồn giống gen quý từ cây mít cổ giống dai vàng này, địa phương đã chỉ đạo HTX DVNN xã tiến hành chặt bỏ các cây khác xung quanh cây mít cổ để tạo độ thoáng cho cây phát triển; đồng thời, xây bao xung quanh gốc cây để bảo vệ cây. Chúng tôi xác định cây mít là cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, nhất giống mít nhà bà Khể, từ đó cùng với các ngành cấp trên và gia đình có hướng bảo tồn, nhân giống để tạo thương hiệu giống mít Thái Bình.

Bà Trần Thị Khể, thôn Hòa Bình, xã Đông Giang
Tôi cũng mong muốn giống mít của gia đình sẽ được nhân rộng ra trồng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Việc đó không chỉ góp phần bảo tồn một giống mít ngon, vì cây mít này cũng đã già cỗi mà còn tạo thêm thu nhập cho người nông dân từ trồng mít.


Tất Đạt 

Nguyen ba dong - 3 năm trước

Cho mh xin sdt cua bà Khể có cây mít này nhá,xin cảm ơn.

Tải thêm