Thứ 6, 27/12/2024, 18:35[GMT+7]

Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVI: Nhiều ý kiến tâm huyết trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 10/7

Thứ 4, 10/07/2019 | 20:08:08
1,757 lượt xem
Chiều ngày 10/7, HĐND tỉnh đã chia tổ thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa XVI.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ.


Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự thảo luận tổ. Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh.

Tại các tổ, các đại biểu tham gia ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư, dập dịch tả lợn châu Phi.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ hơn kết quả đạt được, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019. Một số đại biểu cho rằng việc chấp hành các quy định về quản lý đất đai tại một số địa phương, đơn vị còn bất cập; cơ chế hỗ trợ thiệt hại  do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra chưa kịp thời; nợ đọng xây dựng cơ bản còn cao; một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiến độ thực hiện còn chậm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; công tác quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn, làng nghề và khu, cụm công nghiệp chưa được siết chặt còn gây ô nhiễm môi trường khiến cử tri bức xúc, kiến nghị. Các đại biểu cũng cho rằng, tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu hơn tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là hoạt động tín dụng đen, xâm hại trẻ em, phòng chống ma túy; nâng cao chất lượng công tác tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Có lộ trình cụ thể sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, quan tâm đến vấn đề sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập. Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hành chính công; xã hội hóa dịch vụ y tế; nâng mức hỗ trợ cho người thu gom, xử lý rác thải .

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh; thảo luận và đăng ký nội dung phát biểu, chất vấn tại phiên họp ngày 12/7.

Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 10/7, phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi ý kiến một số đại biểu:


Đại biểu Tạ Văn Trang, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh

Cử tri rất vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, đặc biệt là việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình chắc chắn sẽ tạo bước phát triển đột phá cho tỉnh trong tương lai. Khi Khu kinh tế đi vào hoạt động, các khu công nghiệp sẽ triển khai xây dựng, thu hút nhiều lao động về làm việc bên cạnh những lợi ích thì cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì vậy cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự ở những khu vực này. Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, tạo ra trục giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đại biểu Tô Quý Bôn, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tiền Hải

Qua nghiên cứu tài liệu, tôi đồng tình với báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của tỉnh. Điều đáng vui mừng là mặc thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh xảy ra song năng suất lúa vụ xuân toàn tỉnh vẫn đạt cao 71,7 tạ/ha. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp và có kèm các danh mục loại máy được hỗ trợ. Tuy nhiên có một số bất cập nảy sinh là một số máy chất lượng tốt, nông dân mua về nhưng lại không nằm trong danh mục được hỗ trợ, trong khi có một số máy chất lượng chưa bảo đảm được lại được hỗ trợ nên gây bức xúc trong nhân dân. Tôi đề nghị, tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn cần sớm rà soát, đánh giá lại việc thực hiện cơ chế hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp, đánh giá lại mặt được, những hạn chế để điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế, bảo đảm công bằng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đại biểu Phạm Văn Hằng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Hưng

Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia của tỉnh ngày càng cao, hầu hết các trạm y tế đều đã có bác sĩ song nhiều cử tri cho rằng hoạt động của trạm y tế hiện nay hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, đầu tư kinh phí cho trạm y tế không nhỏ. Vì vậy, tỉnh nên nghiên cứu thí điểm sáp nhập trạm y tế thành lập bệnh viện khu vực, chọn một điểm trạm y tế thuận tiện để làm trụ sở bệnh viện khu vực, đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ, bác sĩ. Mô hình này được thực hiện sẽ góp phần phục vụ tốt hơn hoạt động khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, giúp giảm vượt tuyến cho các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm ngân sách của tỉnh.

Đại biểu Trần Quang Tuyến, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh

Đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 80.000 con lợn bị bệnh dịch tả châu Phi với tổng trọng lượng trên 4.200 tấn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ hóa chất cho cấp xã, điều chỉnh giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy… Đến nay, đã có một số xã, thị trấn công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, biểu thống kê đàn lợn khi chưa có dịch và khi có dịch ở một số nơi chưa thống nhất, tổng hợp báo cáo của các địa phương còn nhầm lẫn, sai lệch… Để công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả hơn nữa, việc hỗ trợ cho hộ chăn nuôi lợn kịp thời, minh bạch, đúng, đủ, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu tham mưu phương pháp tiêu hủy lợn bị bệnh hiệu quả hơn biện pháp chôn lấp hiện tại, thống nhất biểu mẫu, giám sát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng khai báo sai lượng lợn tiêu hủy để trục lợi.

Đại biểu Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý rác thải, nhất là rác thải khu vực nông thôn như hỗ trợ xây dựng lò đốt rác, thu gom xử lý rác thải. Tuy nhiên hiện nay, việc thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Lượng rác ngày càng nhiều, địa bàn rộng, việc thu gom rất vất vả song kinh phí chi trả cho người đi thu gom rất thấp, không ai muốn làm dẫn đến tình trạng nhiều xã thiếu nhân lực đi thu gom, xử lý rác thải nên rác thải bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, nhân dân kiến nghị HĐND tỉnh cần sớm sửa đổi Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND về việc phê duyệt một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020 theo hướng tăng mức hỗ trợ cho người đi thu gom, xử lý thải thải để các địa phương có đủ nhân lực cho công việc vất vả này, bảo đảm cuộc sống cho họ. Hiện nay, các huyện đang thực hiện các tiêu chí để về đích nông thôn mới, trong đó phải xác định hệ thống khung xử lý, thu gom chất thải rắn. Vì vậy, tỉnh cần ban hành quy chế chung cho việc xử lý chất thải rắn để các huyện căn cứ vào đó triển khai thực hiện.

Đại biểu Đặng Văn Đằng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ

Hiện nay, đàn trâu, bò toàn tỉnh chiếm gần 55.000 con. Tuy nhiên, việc chăn nuôi chủ yếu vẫn theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Đối tượng nuôi chủ lực của các hộ là lợn và gia cầm lại hay bị dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn của tỉnh. Trong khi đó trâu, bò là đối tượng nuôi có khả năng chống chịu và kiểm soát dịch bệnh tốt, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò của người dân ngày càng tăng. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo sẽ góp phần chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người dân, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, khi phát triển đàn trâu, bò thương phẩm phải chú trọng vấn đề môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi…

Đại biểu Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh

Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây trong cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng khiến dư luận không khỏi lo lắng, bất an. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông liên quan đến ô tô, song một trong những nguyên nhân chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của tài xế chưa tốt, còn yếu kém khi xử lý, nhận diện tình huống, do chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe hiện còn không ít bất cập như: công tác tuyển sinh, dạy, cấp bằng thiếu chặt chẽ, học sinh thiếu tự giác, thiếu ý thức trong việc học, sân tập lái xe chưa bảo đảm đúng quy định… Vì vậy, tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các trung tâm sát hạch lái xe, có giải pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe ô tô, xử phạt nghiêm các trường hợp lái xe gây tai nạn, dùng rượu bia khi lái xe.

Nguyễn Hình - Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày