Thứ 7, 11/01/2025, 00:43[GMT+7]

Người Thái Bình trên đất Huế

Thứ 2, 15/07/2019 | 08:43:25
1,985 lượt xem
Đời người như những chuyến tàu chạy qua nhiều sân ga trước khi dừng bến đỗ cuối cùng. Với nhiều người Thái Bình xa xứ, vùng đất Huế cổ kính, đôn hậu như một bến đỗ nằm trong dự tính hoặc một ấn định duyên nợ cuộc đời trên hành trình lập nghiệp.

Trải qua biết bao thăng trầm, sự có mặt của người Thái Bình trên vùng đất Huế như một nét chấm phá, giao thoa văn hóa, nghị lực vượt qua gian nan, vươn lên, giúp đỡ nhau trong mọi mặt đời sống. Không chỉ vun vén tình cảm, đóng góp cho nơi mình sinh sống, những người con Thái Bình luôn hướng về quê hương với vô vàn tình cảm.

25 năm tình đồng hương nơi xa xứ

Huế đang giữa mùa hè, nóng đến rát da. Trong căn phòng khách nhỏ chừng 20m2 ở ngôi nhà số 9 trên đường Đội Cung (thành phố Huế), nhiều người trong Hội đồng hương (HĐH) Thái Bình tại Huế đang tất bật bàn chuyện cho một cuộc viếng thăm những đồng hương cao tuổi. Cũng chính ở ngôi nhà này, 26 năm về trước, 7 thành viên đầu tiên đã ngồi lại với nhau lên ý tưởng thành lập HĐH Thái Bình tại Huế với ước nguyện giản đơn: gắn kết, trao đổi thông tin, giúp đỡ, san sẻ nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

“Nhưng phải 2 năm sau, tức vào năm 1995 Hội mới chính thức được thành lập và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép hoạt động. Cũng chính từ thời điểm đó, HĐH Thái Bình như một mái nhà lớn của tất cả những người con Thái Bình xa xứ, chọn Huế làm quê hương” - ông Phạm Đình Chuy, vừa bước qua tuổi 76 - chủ nhân ngôi nhà và cũng là Hội trưởng HĐH Thái Bình tại Huế chậm rãi nhớ lại.

Cũng như nhiều người Thái Bình khác, thế hệ ông Chuy ngày đó sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở miền Bắc được phân công vào Bình Trị Thiên công tác. Khi chia tỉnh, đa số chọn Thừa Thiên Huế trở thành quê hương để gắn kết cuộc đời mình. Hỏi lý do, nhiều người bảo rằng con người Huế hiền hậu, chịu thương chịu khó cùng với bề dày lịch sử, văn hóa và vô vàn thứ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Tất cả chừng đó như một phần tính cách, phù hợp với người Thái Bình.

Vốn mảnh đất Huế hiền hòa, thơ mộng như người mẹ lớn chở che thì HĐH như một mái ấm để những người con Thái Bình có thể chia sẻ, giúp đỡ và làm nhiều việc ý nghĩa. Ông Chuy nhẩm tính, đến thời điểm này HĐH Thái Bình trên đất Huế đã có hơn 200 gia đình đăng ký tham gia, trải dài ra 9 huyện, thị xã và thành phố Huế. Nhưng xa đến mấy, bằng mọi giá cứ dịp đầu năm họ lại tụ hội về thành phố Huế để họp HĐH.

“Huế là quê hương, còn Thái Bình là quê mẹ. Hai vùng đất này đã nuôi dưỡng cuộc đời tôi. Vì vậy mà mỗi cuộc gặp như trở nên ý nghĩa hơn, ai ai cũng hớn hở, tay bắt mặt mừng hỏi từng chuyện nhỏ trong cuộc sống” - ông Lê Xuân Huyện (nguyên cán bộ văn phòng, tuổi ngoài 70) một thành viên HĐH Thái Bình tại Huế ngồi cạnh đó cắt ngang câu chuyện như một sự tự hào.

 Đúng như thế, ở cái tuổi của những người khởi xướng nên HĐH như ông Chuy, ông Huyện giờ đây với họ làm được gì cho bà con, những người cùng quê hương càng nhiều càng tốt.

Ngày còn ngồi ghế công sở làm việc, họ cống hiến cho Huế bằng tất cả sức lực, trái tim. Nhưng về già, họ cũng không cho phép mình ngồi yên. Lật theo từng trang sổ, ông Chuy và ông Huyện nhẩm tính số tiền quỹ của Hội còn chừng nào, những hoàn cảnh nào cần giúp đỡ, sắp tới sẽ thăm những hoàn cảnh nào... Chính nhờ tình đồng hương ấy mà nhiều hoàn cảnh éo le đã vượt qua được nghịch cảnh.

Đó là câu chuyện của một đứa bé con một gia đình trong HĐH sống ở Hương Trà từng bị hở van tim, nhưng nhà quá nghèo không thể chạy chữa nên Hội đã quyết định đứng ra vận động, kêu gọi tài trợ để giúp đỡ. Đứa bé ấy giờ đây đã trưởng thành, có việc làm ổn định và đã lập gia đình. Hay như một gia đình khác trong HĐH có nhiều người gặp tai nạn trong một năm, hội cũng đứng ra vận động, hỗ trợ trong một thời gian dài, cho đến khi vượt qua khó khăn. Nhiều người trẻ là con em của các hội viên cũng được đỡ đần, tạo việc làm... Chính nhờ tình người, tình đồng hương ấy mà cộng đồng người Thái Bình đang sống trên đất Huế luôn cảm nhận sự ấm áp, hạnh phúc như chính ở ngay quê nhà.


Làm giàu trên đất Huế

Nếu nhắc đến cộng đồng người Thái Bình trên đất Huế mà không nhắc tới sự thành công, đóng góp cho vùng đất Huế nói riêng và quê hương Thái Bình thì câu chuyện gần như sẽ không trọn vẹn. Trong danh sách dài dằng dặc của HĐH Thái Bình, có rất nhiều cái tên nổi bật, đi lên từ bàn tay trắng, thành danh ở nhiều lĩnh vực. 

Vừa trò chuyện, ngón tay trỏ vừa rà trên trang giấy một hồi, ông Chuy chỉ ngay cái tên Phượng: “Đức Phượng này là ông chủ hiệu trà cung đình Huế nổi tiếng đó. Ông là người quê Thái Bình tôi đó”.

Lần theo số điện thoại chúng tôi tìm gặp ông chủ hiệu trà quê Thái Bình. Thật ra tên thật của ông Phượng là Nguyễn Văn Phượng vừa đúng tuổi ngũ tuần. Cuộc đời của chàng trai trẻ Phượng ngày đó cũng như bao người khác, sinh ra trong một gia đình nghèo vùng quê Thái Bình, mộng vào một trường danh tiếng để thoát cảnh đói khổ. 

Nhưng như lời ông chủ Phượng hôm nay: Tất cả không như là mơ. “Ngày đó tôi quyết tâm khăn gói vào Huế với một vài bao trà Bắc trong tay. Tôi nghĩ mình có thể bắt đầu từ đó hay như cách gọi bây chừ là khởi nghiệp. Cứ thế tôi đạp dạo quanh từ thành phố Huế về tận các làng quê vùng ven để bán trà” - ông Phượng hồi nhớ. 

Bước ngoặt cuộc đời làm nên sự nghiệp của ông chủ Phượng đến vào năm 2000. Khi đó du khách về Huế dồn dập và nhu cầu mua quà biếu tặng rất cao. Nhưng thời điểm ấy mắm tôm, mè xửng, nón lá... đã có thương hiệu. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông nghĩ mình phải chế biến trà mà phải là trà cung đình mang phong vị Huế. Với kinh nghiệm vốn có, ông Phượng đã thành công với thương hiệu “Trà cung đình Đức Phượng” nức tiếng gần xa và là sản phẩm không thể thiếu với nhiều du khách đến Huế cho đến tận bây giờ.

Khi đã ăn nên làm ra, ông Phượng lại nhớ về mình ngày nào. Ngày còn nghèo khổ nhưng người đồng hương Thái Bình trọn vẹn chân tình, chia sẻ, giúp đỡ và nhờ vậy mà có được ngày hôm nay. Năm nào ông Phượng cũng góp một số tiền nhất định giúp HĐH Thái Bình tại Huế duy trì hoạt động, với những hoàn cảnh nghèo khó khác ông cũng không ngần ngại giúp đỡ tận tình. 

“Tôi đi ra từ nghèo khó nên thấm được sự bao bọc, chở che, giúp đỡ của những người cùng quê nơi xa xứ. May mắn cuộc đời đã thay đổi nên tôi thấy việc giúp đỡ, sẻ chia lại với những hoàn cảnh nghèo khó như một phần trách nhiệm bản thân” - ông Phượng chia sẻ.

Cũng như ông Phượng, nhiều người Thái Bình thành danh trên đất Huế bên cạnh đóng góp vai trò nhất định ở nơi sinh sống mà còn quay trở về đóng góp, giúp đỡ cho quê hương như tôn chỉ mà HĐH đã đưa ra ngay từ ngày đầu thành lập.

 “Huế hay Thái Bình giờ đây với chúng tôi là một, tất cả mang trong mình dòng máu dân tộc Việt Nam. Thành ra, phải biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cái lẽ ấy có từ ngàn xưa, cha ông để lại, phải giữ cho bằng được” - ông Hội trưởng HĐH Thái Bình đúc kết.

Mọi bến đỗ hay duyên nợ cuộc đời cũng chỉ dẫn về nghĩa tình con người. Người Thái Bình trên đất Huế hôm nay thấy mình mang ơn nghĩa bến đỗ ấy và họ không bao giờ quên sân ga quê hương nơi mình ra đi...

Trong quá trình hoạt động, đến thời điểm hiện tại bên cạnh hội phí, Hội đồng hương Thái Bình tại Huế đã có hơn 100 triệu đồng gửi tiết kiệm lấy lãi dùng chi cho các hoạt động như thăm ốm đau, phúng viếng, mừng thọ, gửi quà cho con của hội viên dựng vợ gả chồng... Đặc biệt, Hội còn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh Thái Bình, bên cạnh việc hỗ trợ mỗi khi cần sự giúp đỡ từ Hội, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán lãnh đạo tỉnh cũng vào tận Huế để gặp mặt, động viên.

Phan Thành 

(Báo Thừa Thiên Huế)

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)