Thứ 4, 24/07/2024, 14:27[GMT+7]

Tăng tốc để về đích

Thứ 2, 15/07/2019 | 09:53:04
1,657 lượt xem
Xác định là năm then chốt có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nên ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động tăng tốc để về đích với những kết quả cao nhất.

Nhà máy sản xuất linh kiện của Toyoda Gosei tại khu công nghiệp Tiền Hải. Ảnh: Thành Tâm

Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước đạt 26.677 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018; tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt hơn 72.500 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đóng góp vào kết quả đó phải kể đến sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực công nghiệp và xây dựng với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 33.137,7 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 11.935,2 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là năm có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và có mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch năm. 

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Do có sự chủ động, tích cực trong công tác thu hút đầu tư nên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh. Chủ trương nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ ở các sở, ngành và các cấp địa phương đã từng bước mang lại hiệu quả; các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hội nghị UBND tỉnh làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được tổ chức định kỳ hàng tháng đã từng bước tháo được các nút thắt, từ đó giúp các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất. Chính vì thế, nhiều sản phẩm công nghiệp đã phát triển và có giá trị tăng cao so với cùng kỳ như: thép cán (tăng hơn 2 lần), cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại (tăng 82,3%), sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô (tăng 63,6%), Nitrat Amoni (tăng 46,7%), bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ (tăng 35,6%)...

Sản xuất ở Công ty PS Vina. Ảnh: Khắc Duẩn

Trước diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như việc cắt giảm từ 30 - 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc khai báo các thủ tục hành chính về thuế, hải quan; chính vì thế, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh vẫn có nhiều khởi sắc. 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.518,1 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 738,4 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 779,7 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, từ đó bảo đảm chi kịp thời, đầy đủ phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất của tỉnh. Đến ngày 30/6, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 9.227,5 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 8.201,8 tỷ đồng, đạt 76,7% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 5.960,7 tỷ đồng, đạt 56% dự toán.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Damsan. Ảnh: Thành Tâm 

Những tháng đầu năm 2019 là thời điểm cực kỳ khó khăn, vất vả đối với ngành Nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi lợn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi với những diễn biến phức tạp đã làm sụt giảm giá trị với mức giảm 2,38% so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, cơ cấu các lĩnh vực vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tiếp tục được triển khai thực hiện tốt; vụ xuân năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 234 cánh đồng lớn với diện tích 6.804ha đồng thời chuyển đổi 250,84ha diện tích lúa sang trồng ngô ngọt, ớt, bí, khoai lang... có giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn tích cực chuyển đổi các mô hình chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi nói riêng và toàn ngành Nông nghiệp nói chung.

Mặc dù những kết quả đạt được là rất tích cực nhưng trong những tháng đầu năm phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế đã được đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Đó là: trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa có mô hình chuyển đổi tạo ra sự đột phá; tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp gây bức xúc trong nhân dân; còn để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai; việc rà soát văn bản, quy định của Nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp còn để xảy ra sai sót; việc rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính còn chậm. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, từ đó tiến tới hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.


Ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

6 tháng đầu năm 2019, tổng thu nội địa do ngành Thuế thực hiện ước đạt 3.304 tỷ đồng, đạt 52,3% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu trừ tiền sử dụng đất, tổng thu từ thuế, phí và thu khác ước đạt 2.394 tỷ đồng, đạt 45,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của tỉnh trong công tác quản lý thu thuế; đồng thời, tiếp tục coi công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp tiếp thu các chính sách thuế mới một cách hiệu quả nhất; thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính thuế; phát động sâu rộng các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất.

Ông Phan Đình Dực, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Đến hết 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt hơn 12.346 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018. Để hoàn thành mục tiêu tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt hơn 24.373 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2018, thời gian tới, huyện Thái Thụy đề xuất tỉnh có giải pháp gỡ khó việc xử lý nợ công trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương trong huyện; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện khu công nghiệp - đô thị - thương mại, dịch vụ Xuân Hải; chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện quyết toán một số công trình trên địa bàn...

Bà Vũ Phương Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh)

Từ quy mô ban đầu với doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, đến nay, Công ty đã phát triển mở rộng với 2 nhà máy, trong đó nhà máy Damsan 1 có tổng vốn đầu tư 121 tỷ đồng với công suất 2.880 tấn sợi OE/năm và 2.220 tấn sợi CD/năm, nhà máy Damsan 2 có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD với công suất 3.600 tấn sợi OE/năm và 720 tấn khăn/năm; doanh thu năm 2018 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 700 lao động. Có được kết quả đó là do trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh Công ty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh; đặc biệt là các thủ tục về thuế và hải quan đã có nhiều cải cách, từ đó rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp.

Minh Hương 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày