Thứ 2, 13/01/2025, 12:06[GMT+7]

Chuyển đổi phương pháp gieo cấy

Thứ 5, 18/07/2019 | 08:41:04
1,249 lượt xem
Trước chủ trương giảm dần, tiến tới xóa bỏ diện tích gieo thẳng, gieo vãi trong canh tác lúa, xã Mê Linh là một trong những địa phương thực hiện sớm nhất và đi đầu của huyện Đông Hưng trong việc này.

Trình diễn máy cấy cầm tay tại xã Mê Linh (Đông Hưng) vụ mùa 2019.

Câu nói: “Đàn ông làm ruộng, phụ nữ làm công ty” không chỉ đúng ở Mê Linh mà còn phổ biến ở rất nhiều địa phương khác. 

Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX DVNN xã Mê Linh cho biết: Trên địa bàn xã chúng tôi hiện có 2 công ty may lớn, 14 xưởng may nhỏ quy mô 20 - 30 lao động/xưởng cùng với trên 30 hộ sản xuất bẫy chuột khiến cho lao động trong nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu bởi những người trẻ đều đi làm công ty, xí nghiệp. Vì thế, phương pháp gieo thẳng được nông dân xã Mê Linh áp dụng rộng rãi từ năm 2011 đến nay, vụ xuân đạt 98% diện tích, vụ mùa đạt trên 85% diện tích. Khi tỉnh, huyện có chủ trương xóa bỏ diện tích gieo thẳng, trong đề án sản xuất, chúng tôi không khuyến cáo phương thức gieo thẳng đồng thời tuyên truyền đẩy mạnh ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, 3 giảm 3 tăng, dịch chuyển tập quán gieo thẳng sang thâm canh lúa cải tiến (SRI), tăng cường áp dụng các biện pháp làm mạ khay, cấy bằng máy hoặc cấy lúa hiệu ứng hàng biên và các tiến bộ khoa học mới trong sản xuất. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến từng thôn, xóm, từng hộ gia đình đồng thời HTX họp các chủ máy làm đất, thông báo chủ trương, kế hoạch sản xuất, điều hành dịch vụ làm đất bám sát thời vụ cấy. Trong các ngày 24/6, 28/6 và 2/7, HTX đã tổ chức 3 buổi trình diễn máy cấy cầm tay có động cơ do chính doanh nghiệp ở địa phương sản xuất ở 3 thôn: An Thái, Đầm, Tiền. 

Qua đánh giá, với thiết kế nhỏ gọn, giá thành hợp lý (12 - 14 triệu đồng/máy), phù hợp với diện tích ruộng nhỏ, một ngày cấy được từ 1,5 - 2 mẫu lại không bắt buộc phải sử dụng mạ khay, máy cấy cầm tay được đông đảo người dân quan tâm, tìm hiểu. Chúng tôi hy vọng từ những vụ sau, diện tích cấy bằng máy, đặc biệt là máy cầm tay này sẽ phát triển.

Anh Trần Đình Khoa (thôn Tiền, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng) chăm sóc lúa cấy bằng máy của gia đình.

Ba vụ trước, toàn bộ 10 mẫu ruộng được gia đình anh Trần Đình Khoa, thôn Tiền gieo thẳng. Anh Khoa chia sẻ: Sản xuất với quy mô lớn, tôi dễ dàng nhận thấy những tồn tại của phương pháp này: mật độ cây lúa dày hơn so với cấy máy kéo theo công tỉa dặm nhiều, dễ nhiễm bệnh đạo ôn ở vụ xuân, chịu rủi ro cao bởi nhiều yếu tố: thời tiết, chuột, ốc bươu vàng; cây lúa ăn nông nên dễ đổ... Vì vậy, vụ mùa này, tôi đã đầu tư máy cấy công suất lớn phục vụ sản xuất của gia đình cũng như cấy thuê cho bà con. Tuy là vụ đầu nhưng nhu cầu thuê máy cấy của người dân khá cao. Do mặt bằng, vốn cũng như kinh nghiệm còn thiếu nên tôi mới cấy thuê được 20 mẫu, dịch vụ trọn gói (giống, gieo mạ, cấy thuê) với mức giá 250.000 đồng/sào. Tiếp cận phương thức canh tác tiên tiến, người dân cũng dần nhận thức được mức độ rủi ro của gieo thẳng cũng như hệ lụy của phương pháp này với môi trường. Vụ tới, chắc chắn diện tích cấy bằng máy sẽ tăng cao. Tôi mong muốn tỉnh, huyện, ngành Nông nghiệp có cơ chế hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để nông dân chúng tôi mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng diện tích cơ giới hóa trong khâu cấy.

Đến ngày 10/7, xã Mê Linh hoàn thành gieo cấy 366ha lúa mùa, trong đó diện tích gieo thẳng giảm còn khoảng 60%. Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết thêm: Để xóa bỏ gieo thẳng ở địa phương, chúng tôi xác định là cả quá trình lâu dài và phải đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng. Để làm được điều đó, rất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả từ tỉnh, huyện cũng như các ngành chức năng.

Xóa bỏ phương pháp gieo thẳng là chủ trương hoàn toàn phù hợp trong xu thế hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về chất lượng nông sản, đặc biệt là lúa gạo.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày