Thứ 2, 06/01/2025, 20:36[GMT+7]

Tiếp vốn cho cựu chiến binh phát triển kinh tế

Thứ 5, 01/08/2019 | 08:44:36
2,453 lượt xem
Những đồng vốn tuy nhỏ nhưng đã giúp các cựu chiến binh (CCB) phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đó là một trong những nhiệm vụ được Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh triển khai, ủy thác qua hội CCB để thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là hội viên hội CCB.

Mô hình nuôi ếch của thương binh Đoàn Xuân Tú.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ếch của thương binh Đoàn Xuân Tú (thôn Tam Đồng, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải) - thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tam Đồng do Hội CCB xã Vũ Lăng quản lý. Sau 7 năm tham gia chiến trường, năm 1979, mang thương tật trên mình, ông Tú xuất ngũ trở về địa phương. Trên quy mô 1ha đất chuyển đổi, ông đã đào ao thả cá, trồng cây và chăn nuôi gần 100 con lợn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đầu năm 2019 ông chuyển sang nuôi ếch với quy mô 1.000 con từ 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). 

Thương binh Đoàn Xuân Tú tâm sự: Được sự tạo điều kiện của Hội CCB xã Vũ Lăng, tôi được vay vốn của Ngân hàng CSXH với thủ tục vay rất đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, từ đó gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cũng như thương binh Đoàn Xuân Tú, CCB Nguyễn Ngọc Quý (thôn An Nhân Bình, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải) dấn thân vào mặt trận kinh tế để giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhắc đến ông, cả xã Bắc Hải không ai không biết bởi bản tính chịu khó, không quản ngại bất kỳ một công việc gì của ông. Xuất ngũ trở về địa phương từ năm 1982, CCB Nguyễn Ngọc Quý xây dựng gia đình với hai bàn tay trắng. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông không chỉ tham gia làm việc ở xã mà còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, mở cơ sở sản xuất gạch không nung và phát triển chăn nuôi với quy mô hơn 100 con ngan; không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, CCB Nguyễn Ngọc Quý còn tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. 

CCB Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ: Được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH qua tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Nhân Bình do Hội CCB xã Bắc Hải quản lý, tôi đã đầu tư mua nguyên vật liệu để sản xuất gạch không nung. Tôi rất cảm ơn Đảng và Chính phủ đã ban hành những chính sách rất đúng, hợp lòng dân và mong muốn được vay với hạn mức cao hơn, lãi suất thấp hơn để có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 14.300 hội viên CCB được vay vốn của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ đến ngày 30/6 đạt 415,124 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Để nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và đúng đối tượng thụ hưởng, các cấp hội CCB - nhất là cấp cơ sở đã phối hợp có hiệu quả với cán bộ lao động - thương binh và xã hội, các thôn và tổ dân phố nắm chắc đối tượng, tham mưu cho ban giảm nghèo cùng cấp chỉ đạo, rà soát chặt chẽ việc bình xét trước khi vay. Bên cạnh đó, Hội CCB tỉnh còn chỉ đạo các cấp hội gắn việc kiểm tra, giám sát công tác hội với kiểm tra, giám sát hoạt động vay vốn; phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể và Ngân hàng CSXH thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát do ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH xác định. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các cấp hội kịp thời đôn đốc các khoản vay đến hạn và gặp gỡ, ký cam kết trả nợ đối với các hộ vay chây ỳ. Chính vì thế, tỷ lệ nợ quá hạn do hội CCB quản lý giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn 481 triệu đồng, giảm 6 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2018, chiếm tỷ lệ 0,11% dư nợ do hội CCB quản lý.


Từ nguồn vay của Ngân hàng CSXH, các CCB đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển nghề và làng nghề... Điển hình là các CCB: Nguyễn Ngọc Thành (xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư), Đinh Thị Thời (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình), Phan Văn Mạn (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy), Nguyễn Văn Quân (xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ)... Thông qua việc thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng giúp hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Ông Vũ Văn Thuân, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh

Hoạt động ủy thác của hội CCB trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ với các chương trình cho vay chủ yếu tập trung vào hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và một phần cho vay giải quyết việc làm. Nhờ có vốn vay, hội viên hội CCB trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.


Ông Nguyễn Đức Cứu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kiến Xương

Hội CCB huyện Kiến Xương hiện đang quản lý 47,838 tỷ đồng vốn vay ưu đãi của Chính phủ với gần 1.600 hội viên được vay vốn thông qua 51 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ủy thác, Hội luôn bình xét cho vay đúng đối tượng; đồng thời, chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các thành viên vay vốn tập trung phát triển kinh tế. Vì thế, đến nay toàn Hội không phát sinh nợ quá hạn, hội viên luôn trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn.


Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường (thôn Bạch Long, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải)

Được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH qua tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bạch Long do Hội CCB xã Đông Hoàng quản lý, tôi đã đầu tư vào nuôi ngao thương phẩm, ngao giống và ngao đẻ. Tôi mong muốn được vay với hạn mức cao hơn, lãi suất thấp hơn để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Minh Hương