Thứ 2, 13/01/2025, 14:49[GMT+7]

Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Thứ 6, 02/08/2019 | 09:11:56
2,618 lượt xem
Không chỉ góp phần giúp các cơ sở hội có thêm nguồn thu ổn định để gây quỹ, mô hình cấy lúa gây quỹ của hội phụ nữ một số xã ở huyện Đông Hưng còn phủ xanh nhiều diện tích ruộng bỏ hoang; đồng thời, thu hút được đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Đông Xá (Đông Hưng) tham gia cấy lúa gây quỹ hội.

Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Cường làm điểm mô hình cấy lúa gây quỹ hội tại thôn Trung Thọ với diện tích 2,3 mẫu. Đến nay, 100% chi hội đã tham gia cấy lúa gây quỹ với trên 50 chị em/chi hội tham gia. Tổng diện tích cấy lúa gây quỹ của xã trên 2,2ha, nhiều nhất huyện. 

Chị Phạm Thị Huế, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Có nguồn quỹ dồi dào, các chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức cho chị em đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, thăm hỏi, tặng quà cho các chị em, con em gia đình khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, tặng quà động viên tân binh lên đường nhập ngũ... qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên. 

Chị Đỗ Thị Suối, thôn Trung Thọ, xã Đông Cường chia sẻ: Gia cảnh tôi đã khó khăn, con trai mới 2 tuổi không may bị bỏng nặng. Biết hoàn cảnh của mẹ con tôi, Chi hội Phụ nữ thôn đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ 2 triệu đồng trích từ quỹ hội. Hội LHPN xã cũng đến thăm hỏi, tặng quà. Có sự động viên, giúp đỡ của các cấp hội, con tôi đã đỡ nhiều.

Việc xây dựng quỹ hội phụ nữ những năm qua gặp khó khăn bởi đa phần thu nhập của hội viên chưa cao. Quỹ hội không có nên muốn tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn cũng đành chịu. Để giải quyết bài toán này, năm 2014, thấy một số ruộng của thôn cấy lúa kém hiệu quả bà con không cấy bỏ hoang, Chi hội Phụ nữ thôn Lam Điền, xã Đông Động đã mạnh dạn đứng lên nhận cải tạo và tổ chức cấy lúa chất lượng cao lấy thóc bán theo mô hình cấy lúa gây quỹ hội. 

Chị Phạm Thị Miên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lam Điền cho biết: Lúc đầu việc vận động chị em tham gia cấy lúa gây quỹ không dễ dàng bởi họ còn e ngại vào hiệu quả của mô hình nên cán bộ Chi hội phải tự làm trước. Qua một vài vụ, chị em thấy thành quả nên tích cực tham gia. Nhờ có mô hình cấy lúa gây quỹ, Lam Điền trở thành chi hội có số quỹ cao nhất xã. Mỗi vụ, Chi hội đứng lên nhận cấy hơn 1 mẫu ruộng, sau khi thu hoạch, trừ chi phí cho thu lãi gần 10 triệu đồng. Có quỹ, Chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động như tổ chức sinh hoạt nhân ngày 8/3, ngày 20/10. Đặc biệt, Chi hội đã trích quỹ tặng gạo cho 3 hội viên khó khăn, mỗi hội viên 10kg/tháng, hỗ trợ 4 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho chị Nguyễn Thị Hạt, thôn Phú Điền. Vụ mùa năm 2019, Chi hội mạnh dạn nhận thêm 1 mẫu ruộng hoang nữa để cấy. Tinh thần của chị em ngày càng nâng cao, từ chỗ phải vận động từng người, giờ cứ tới mùa vụ chỉ cần thông báo là hàng chục chị cùng tham gia, lúc cao điểm của vụ cấy có tới 40 chị. 

Chị Phạm Thị Thủy, thôn Lam Điền cho biết: Lúc đầu tôi còn nghi ngại hiệu quả của mô hình nên không tham gia. Sau một vụ được mùa, tôi không chỉ tham gia cấy, gặt mà còn cùng các chị Chi hội trưởng, Chi hội phó vận động các chị em khác tham gia. Vụ mùa vừa rồi tôi còn dùng máy cấy mạ khay của gia đình cấy lúa gây quỹ cho Chi hội.

“Mô hình cấy lúa gây quỹ của các cấp hội phụ nữ được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đông Hưng và Hội LHPN tỉnh đánh giá cao cả về tính sáng tạo và hiệu quả. Chính vì vậy, thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh” - bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.

Ông Nhâm Văn Thiềng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Xá

Trong khi ở các xã ruộng bỏ hoang rất nhiều thì ở Đông Xá diện tích cấy lúa vẫn đạt gần 100%. Đó là nhờ Hội LHPN xã nhiều năm nay đã đứng ra đảm nhận những diện tích bà con không thể canh tác và đầm bỏ hoang, thực hiện thành công mô hình cấy lúa gây quỹ hội.

Chị Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Động

Do thiếu lao động, cấy lúa kém hiệu quả nên diện tích ruộng người dân không cấy trên địa bàn xã Đông Động hiện còn trên 1 mẫu. Để giúp địa phương giảm ruộng hoang, các chi hội phụ nữ có tiền xây dựng quỹ hội, thời gian tới Hội LHPN xã sẽ đứng ra đảm nhận ruộng hoang, chỉ đạo các chi hội học tập mô hình của thôn Lam Điền nhân rộng tại thôn mình.  

Thu Hiền