Kẻ sĩ chốn quê...
Sử cũ chép, sau khi thi đỗ và lần lượt trải qua các chức quan như Hàn lâm viện Hiệu lý, Hiến sát xứ Sơn Tây, Đông các Hiệu thư, Đông các học sĩ, Đốc đồng xứ Thái Nguyên, Hoằng tín đại phu, Thái thường tự Tự Khanh..., 15 năm đảm nhiệm trọng trách triều đình với tính cách khảng khái, bộc trực nhưng cuối cùng Hoàng giáp tiến sĩ Bũi Sĩ Tiêm, người làng Rù, xã Kinh Lũ, tổng Bình Cách, huyện Đông Quan, phủ Thái Ninh (nay là xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng) lại chọn con đường về quê dạy học, làm “kẻ sĩ chốn quê”...
Theo “Gia sử họ Bùi làng Kinh Lũ”, Bùi Sĩ Tiêm húy là Bình, tên thụy Bách Trai tiên sinh, ông sinh giờ Thân, ngày 26 tháng 8 năm Canh Ngọ (1690). Truyền ngôn, lúc chào đời Bùi Sĩ Tiêm khôi ngô và dĩnh ngộ, lên 4 tuổi đã ham sách vở nhận biết được mặt chữ, 5 tuổi đã tiếp thu Kinh Thi và Kinh Thư, người đương thời gọi ông là thần đồng. 7 tuổi đã làm thơ, 8 tuổi đã viết văn đúng mẫu mực, 10 tuổi vào hương sư cụ Giám sinh họ Nguyễn ở xã Bái Thượng. 16 tuổi lên Kinh đô theo học Quốc Tử Giám Tư nghiệp họ Vũ (Thám hoa Vũ Thạnh). Sau dự hai kỳ thi năm Ất Dậu và Mậu Tý (1705, 1708) ông đỗ Sảo thông, Khoa Giáp Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông. Thân phụ của ông là Minh Nghiêm, tính tình thẳng ngay, thân mẫu cũng họ Bùi, hiệu là Từ Ái tính đôn hậu.
Về làng Kinh Lũ xưa thăm từ đường Hoàng giáp tiến sĩ Bùi Sĩ Tiêm, tôi được nghe ông Bùi Sĩ Mai, hậu duệ đời thứ 9 Hoàng giáp tiến sĩ Bùi Sĩ Tiêm giới thiệu bức đại tự do vua Lê Hiển Tông truy phong: “Trung tiết hầu” và nhiều sắc phong của vua chúa qua các triều đại cùng cuốn ngọc phả “Gia sử họ Bùi làng Kinh Lũ”. Ngoài những điều ghi chép trong ngọc phả, truyền ngôn khi Bùi Sĩ Tiêm lên kinh đô Thăng Long theo học Quốc Tử Giám Tư nghiệp của thầy Vũ tiên sinh, một hôm Vũ tiên sinh ra đề bài văn tư lục (một loại văn khó theo luật bốn câu bốn chữ, sáu câu sáu chữ) cho các môn sinh làm bài kiểm tra, trong khi nhiều môn sinh còn “cắn bút” thì Bùi Sĩ Tiêm nâng bút viết một mạch. Bùi Sĩ Tiêm nộp bài cho thầy, nghĩ học trò chắc không làm nổi bài khó nên nộp sớm Vũ tiên sinh chỉ lướt qua bài viết, nhưng tiên sinh đã phải giật mình vì ý tứ thâm sâu mà Bùi Sĩ Tiêm đã phóng bút trong đoản văn. Vũ tiên sinh liền lấy bút son phê “Phong mang tỏa hiện huyển thoát hữu kỳ” (tạm hiểu là: văn chương của Bùi Sĩ Tiêm sắc sảo lâu nay còn giữ kín, bây giờ mới hiện ra). Thấy học trò uẩn súc khả năng hiển đạt, Vũ tiên sinh viết thư về làng Kinh Lũ cho Minh Nghiêm: “Con ngài tuy còn ấu nhi nhưng tài hạnh siêu quần, ngoài thập nhị niên chắc đỗ tiến sĩ, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa, so với mấy trăm môn sinh của tôi, Bùi Sĩ Tiêm giỏi nhất”. Chẳng phải riêng Vũ tiên sinh quý “ái trò” Bùi Sĩ Tiêm mà nhận xét vậy, các môn sinh trong trường cũng tôn vinh Bùi Sĩ Tiêm là “văn chương giáp đệ” nghĩa là văn chương vào bậc giỏi nhất. Quả nhiên 25 tuổi Bùi Sĩ Tiêm đỗ tiến sĩ. Sau này ra làm quan, Bùi Sĩ Tiêm là người rất thanh liêm, chính trực. Năm Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ ba (1731) khi đang làm Thái thường Tự Khanh, trước những rối ren, tiêu cực trong các ngành, bộ của triều đình Lê - Trịnh, Bùi Sĩ Tiêm đã dâng “khải” gồm 10 điều gửi lên chúa Trịnh. Làm đại quan giữa triều Lê - Trịnh khi mà vua Lê Hy Tông còn đang tại vị, non sông hưng thịnh nhưng chính thời điểm vàng son này lại tiềm ẩn những bất ổn của thể chế chính trị - xã hội phong kiến “Lưỡng đầu chế”, trước những nhiễu nhương Bùi Sĩ Tiêm một mực giữ khí tiết của kẻ sĩ. Sách “Lịch triều tạp kỷ” chép: “Nhà vua (Lê Hy Tông) tuân giữ cơ nghiệp sẵn có, rủ tay áo mà hưởng cuộc thịnh trị, kỷ cương thì chấn hưng, thưởng phạt thì nghiêm túc mà công minh, phần nhiều các công khanh đều xứng đáng với chức vụ, trăm quan kinh giữ phép tắc chế độ, nhân dân được yên nghiệp làm ăn, chính sự trong khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676 - 1680) và Chính Hòa (1680 - 1704) đáng gọi là bậc nhất đời trung hưng”. Nhưng không lâu sau đó khi Trịnh Cương chết (1729), Trịnh Giang lên ngôi chúa. Giang là kẻ chỉ biết ăn chơi, lại có tính độc đoán, không những không nối được nghiệp của chúa cha mà còn làm nhiều điều bạo ngược, giết hại nhiều công thần đức độ tài năng do chúa Trịnh Cương gây dựng như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn... Những hiểm họa do phân biệt đối xử ẩn chứa từ đời Trịnh Cương gieo mầm mống phản loạn bởi những bức xúc triều chính của một số thế lực “có máu mặt” dưới quyền chúa Trịnh kéo sang thời điểm Trịnh Giang nối nghiệp thì được dịp bộc lộ và bùng phát. Trong nội triều, mâu thuẫn giữa hai “tập đoàn phong kiến” Lê - Trịnh ngày càng xoáy sâu, kịch liệt. Trịnh Giang cậy thế tông tổ có công lao phù Lê diệt Mạc, trung hưng nhà Lê mà càng lấn quyền vua Lê. Năm 1732, do hiềm khích với Hôn Đức Công Lê Vĩnh Khánh (Lê Duy Phường), Trịnh Giang viện cớ Lê Duy Phường sức yếu không đảm đương công việc triều chính nên tìm cách phế bỏ Phường, bãi bỏ niên hiệu Vĩnh Khánh và dựng Lê Duy Thường lên ngôi vua lấy niên hiệu là Long Đức (vua Lê Thuần Tôn). Cậy là anh “con cô, con cậu” với Lê Thuần Tôn, Trịnh Giang ra sức làm càn. Bọn nha dịch ỷ thế Trịnh Giang cũng hùa sức nẹt dân. Là quan thanh liêm, không bị vàng son cám dỗ, không muốn khoanh tay mặc cho thế sự tương tàn, Bùi Sĩ Tiêm dùng ngòi bút sắc bén của mình viết 10 điều khải để phanh phui sự thật đương thời và đề ra chương trình cải cách lớn hưng long triều chính. Tờ khải được ông viết ngày 20 tháng 6 năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) có 10 điểm: 1. Gắng tôn phù để tiêu biến tai dị/ 2. Dứt hẳn cầu cạnh để cho đúng tiêu chuẩn/ 3. Chăm đời sống của dân để bền mệnh mạch/ 4. Thận trọng chính sách dùng binh để bền nanh vuốt/ 5. Giảm bớt chức quan để đỡ phiền nhiễu/ 6. Bỏ nhũng lại để tắt nạn chài dân/ 7. Chẩn chỉnh thể văn để khích lệ người hiền tài/ 8. Làm rõ lệ xét xử để cho thanh thỏa việc từ tụng/ 9. Liêm phỏng tường tận để phân biệt người hiền, kẻ gian/ 10. Phân biệt nòi giống để chặn sự dòm ngó. “Khải thập điều” đã dũng cảm vạch trần nguy cơ mất nước do nội xâm là chủ yếu đồng thời Bùi Sĩ Tiêm cũng vạch ra đầy đủ chương trình cải cách trung hưng đất nước. Nhằm hưng long triều chính Bùi Sĩ Tiêm chú trọng: Nhà Trịnh cần tiếp tục tôn phù nhà Lê với đầy đủ ý nghĩa chân chính để cho “Quốc thái dân an”, hợp lòng người/Triều đình phải chấm dứt tình trạng dùng tiền bạc, lời nói để cầu cạnh, van xin. Trên đường quan lộ đẻ ra tầng lớp quan không có phẩm hạnh, nhũng nhiễu ăn hạt bổng lộc của nhà nước, hại đến trăm họ/Phải coi dân là vận mệnh của đất nước, phải mở trói buộc, nâng cao đời sống nhân dân.
Quan điểm “Làm quan phải liêm thận/Cử sĩ phải thanh cao/Sự học cốt đạo lý/Cày ruộng cốt thóc nhiều” Bùi Sĩ Tiêm gửi gắm tâm nguyện lên triều đình “Phải che trước khi mưa, ủ mộng trước khi thiêu mạ” với tầm “nhìn xa, trông rộng” ông đã cống hiến hết mình giúp triều đình tiến hành cải cách triều chính một cách thiết thực, mong muốn giải thoát được những bế tắc do “Lưỡng đầu chế” phong kiến đang đẩy nhà Lê - Trịnh bên bờ vực thẳm.
Cựu chiến binh Phạm Song Hỷ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Kinh Hào, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng “Ngẫm cổ, luận kim” xem ra cụ Bùi Sĩ Tiêm “đi trước thời đại”, ở thời cụ, cụ đã đề nghị chúa Trịnh nghiêm cấm thần dân trong nước vô cớ ra vào nơi cung cấm để cầu cạnh mờ ám. Kẻ nào lén lút làm chuyện hối lộ để thỉnh thác thì chiếu luật trị tội, người “ăn của đút” cũng phải khép vào luật, ai tuân phép nước thì tùy việc mà khen, ai nhờn phép nước thì theo lẽ công trị tội... Ông Bùi Sĩ Mai, trưởng tộc họ Bùi, hậu duệ đời thứ 9 Hoàng giáp tiến sĩ Bùi Sĩ Tiêm, làng Kinh Lũ, thôn Kinh Hào, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng Cụ tôi, Hoàng giáp tiến sĩ Bùi Sĩ Tiêm vốn là quan thanh liêm. Cụ không chịu khom lưng, quỳ gối, ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh lầm than, khổ cực của người dân dưới thời vua Lê - chúa Trịnh, đặc biệt là thời chúa Trịnh Giang phong hóa, suy đồi. Cụ tôi từ quan về quê dạy học với quan điểm đi học cốt đạo lý, cày ruộng cốt thóc nhiều... Ông Bùi Công Trung, Trưởng thôn Kinh Hào (làng Kinh Lũ), xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng Làng Kinh Lũ (còn có tên Nôm là làng Rù) vừa được UBND tỉnh cấp bằng chứng nhận “Làng văn hóa cấp tỉnh năm 2018”. Làng cũng được UBND huyện Đông Hưng chứng nhận 3 năm liền đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Ngoài các hoạt động xây dựng nông thôn mới, nhân dân làng Kinh Lũ không ngừng gìn giữ và phát huy truyền thống văn hiến, văn hóa của mảnh đất và con người Kinh Lũ... |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Bế tắc đạt thỏa thuận chung COP29 22.11.2024 | 10:05 AM
- Những mẫu xe nhỏ tranh giải Ôtô của năm 2024 22.11.2024 | 09:56 AM
- Tàu khoan biển sâu tối đa tới 11.000 m 22.11.2024 | 09:56 AM
- UEFA ra luật, Barca không thể tái xuất Camp Nou 22.11.2024 | 10:05 AM
- Real Madrid đối mặt với vụ kiện 17 triệu Euro 22.11.2024 | 10:04 AM
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ucraina 22.11.2024 | 09:59 AM
- Nền tảng quan trọng để ứng phó dịch bệnh 22.11.2024 | 09:59 AM
- Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” 22.11.2024 | 09:59 AM
- Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện 22.11.2024 | 10:00 AM
- Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah 22.11.2024 | 08:37 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam