Thứ 2, 13/01/2025, 14:50[GMT+7]

Theo dõi, xử lý bệnh lùn sọc đen trên lúa

Thứ 2, 05/08/2019 | 10:34:49
1,982 lượt xem
Ở vụ mùa năm 2019 có 8 cá thể rầy lưng trắng và 1 mẫu lúa dương tính với vi rút lùn sọc đen. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang theo sát loại bệnh này nhằm khống chế bệnh lây lan, gây ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa.

Người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện rầy.

Hiện nay, lúa mùa trà sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ đến phân hóa đòng, lúa mùa đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Qua kiểm tra thực tế của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rầy lứa 5 bắt đầu nở và sẽ gia tăng mật độ ở  đầu tháng 8. Hiện tại, mật độ rầy cám tuổi 1, 2 (chủ yếu là rầy lưng trắng) nơi cao từ 50 - 100 con/m2, cục bộ 200 - 300 con/m2; rầy trưởng thành mang trứng nơi cao 3 - 5 con/m2, cá biệt 20 - 30 con/m2, trứng rầy nơi cao 10 - 20 ổ/m2

Đây là lứa rầy có nguy cơ truyền vi rút bệnh lùn sọc đen cho lúa mùa. Hiện tại, trên đồng ruộng đã có một số khóm lúa có triệu chứng của bệnh lùn sọc đen. Từ đầu tháng 6 đến ngày 20/7, Chi cục đã 6 lần gửi mẫu với hàng trăm mẫu rầy và lúa lên Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc giám định vi rút lùn sọc đen. Kết quả, có 8 cá thể rầy và 1 mẫu lúa dương tính với vi rút lùn sọc đen.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương cho biết: Mẫu rầy lứng trắng mang vi rút lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác ở một số xã, trong đó tập trung ở diện tích lúa gieo thẳng do không được xử lý rầy như diện tích cấy (phun trừ trên mạ trước khi đưa ra ruộng). Ngoài ra, còn có 1 mẫu lúa thuộc thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên dương tính với vi rút bệnh. Để phòng, chống bệnh, Trạm đã có thông báo đề nghị các HTX hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện rầy cám mới nở phải tiến hành phun thuốc phòng, trừ, trong đó tập trung phun trừ từ ngày 31/7 đến ngày 3/8. Khi phát hiện cây lúa có biểu hiện: thấp cây, đẻ nhiều nhánh bất thường, lá xanh đậm, bẹ lá và phiến lá nổi gân, rễ cứng đâm ngang hoặc ngược thì nhanh chóng nhổ bỏ, tiêu hủy và thông báo cho HTX. Ngoài ra, bà con cần khẩn trương kết thúc bón phân trên chân ruộng chưa bón thúc theo đúng yêu cầu của từng giống để lúa đẻ nhánh tập trung, giữ mực nước nông để hạn chế cỏ dại và kích thích lúa đẻ nhánh.

Bà con nông dân cần khẩn trương hoàn thành chăm bón để lúa mùa đẻ nhánh tập trung.

Là một trong những địa phương từng bị bệnh lùn sọc đen gây hại nặng ở vụ mùa năm 2017, huyện Thái Thụy đã chủ động các biện pháp để phòng tránh cũng như đối phó khi bệnh lùn sọc đen xuất hiện. 

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu lúa ở một số xã để gửi đi giám định, đến ngày 30/7, trên địa bàn huyện chưa phát hiện lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là trước loại bệnh nguy hiểm này bởi nguy cơ bệnh tái phát và lây lan là rất cao. Ngay từ đầu vụ, huyện đã khuyến cáo các địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng tránh bệnh: làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng, xử lý rầy trên hạt giống... đồng thời có cơ chế hỗ trợ thuốc trừ rầy trên mạ, trên bờ vùng, bờ thửa... Qua điều tra sinh trưởng, phát triển của rầy, Trạm đã có thông báo hướng dẫn các xã tiến hành phun trừ rầy lưng trắng từ ngày 28/7 đến ngày 1/8. Hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng và nhổ vùi bùn những khóm lúa bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bệnh; tỉa dặm lại, đồng thời tiến hành phun thuốc đặc trị diệt tận gốc loài rầy lưng trắng.

Bệnh lùn sọc đen là một loại bệnh do vi rút gây ra nên không có thuốc đặc trị trực tiếp mà chỉ phun thuốc để diệt trừ vật chủ (rầy lưng trắng), tránh phát tán bệnh. Ngành Nông nghiệp đã phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, khoanh vùng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng, trừ kịp thời. Phát động nông dân ra đồng kiểm tra đồng ruộng phát hiện rầy, khi kiểm tra phải lội xuống ruộng, quan sát kỹ phần gốc lúa, nếu thấy đa số rầy lưng trắng từ tuổi 1 đến tuổi 3 (rầy cám) xuất hiện thì tiến hành phòng, trừ ngay để hạn chế môi giới truyền bệnh. Thời gian phun thuốc đạt hiệu quả cao nhất từ ngày 26/7 đến ngày 3/8; khuyến cáo nông dân sử dụng một trong các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn: Penalty 40WP, Oshin 20WP, Sutin 5EC, Chess 50WG, Midan 10WP, Dupont Pexana 106SC... để phòng, trừ.

Ngân Huyền

  • Từ khóa