Thứ 4, 06/11/2024, 06:22[GMT+7]

Phát động đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 8/8 – 11/8

Thứ 2, 05/08/2019 | 17:32:25
2,532 lượt xem
Chiều ngày 5/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết gieo cấy và triển khai kế hoạch phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2019, lấy ý kiến xây dựng đề án về chuyển đổi cơ cấy cây trồng giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu dự hội nghị.

Vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh gieo cấy 78.467ha, đạt 99,7% so với đề án sản xuất, thời vụ gieo cấy kết thúc sớm hơn so với kế hoạch khoảng 05 ngày. Giống lúa chất lượng cao đạt 23.316ha, chiếm 29,72% diện tích gieo cấy; lúa năng suất đạt 55.150ha, chiếm 70,28% diện tích gieo cấy. Hiện lúa mùa trà sớm đang giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái; lúa mùa đại trà ở giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Dự kiến lúa trỗ tâp trung từ 5 – 15/9. Tổng diện tích cây màu vụ mùa toàn tỉnh đã gieo trồng đạt 17.981ha, trong đó diện tích cây màu vụ hè 10.651ha, đã cơ bản thu hoạch xong; diện tích cây màu hè thu đã trồng được 7.330ha.

Hiện tại, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại: bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ (lứa 5 sâu non nở rộ từ ngày 5 – 12/8 với mật độ cao, nếu không tổ chức phun phòng trừ tốt sẽ gây hại cho lá đòng và lá công năng, thiệt hại đến năng suất); sâu đục thân hai chấm (tập trung các huyện phía Bắc), rầy (chủ yếu rầy lưng trắng với mật độ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước); bệnh đạo ôn cổ bông…

Chăm sóc cây màu hè thu.

Để bảo vệ năng suất lúa mùa, ngành Nông nghiệp phát động đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 8 – 11/8 cho khoảng 48.500ha lúa có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên; phun trừ sâu đục thân hai chấm ở những vùng liền kề với lúa tái sinh, vùng có nguồn sâu đục thân cao.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật báo cáo đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo; trong đó tập trung vào định hướng phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. 

Theo đó, đề án đề ra mục tiêu từ năm 2019, mỗi năm diện tích cây ăn quả tăng thêm 2.000 – 3.000ha, đến năm 2025 đạt khoảng 30.000ha, ưu tiên phát triển một số loại cây có giá trị kinh tế cao, là lợi thế của tỉnh tạo thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao hướng tới xuất khẩu; phấn đấu giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 400 – 500 triệu đồng/ha. 

Những ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung: xác định vùng phát triển các loại cây ăn quả; kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi; đầu tư xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Ngân Huyền

  • Từ khóa