Thứ 4, 03/07/2024, 06:18[GMT+7]

“Học kỳ III”

Thứ 2, 12/08/2019 | 09:03:06
769 lượt xem
Mỗi năm, các trường có 2 học kỳ, sau một năm học, học sinh được nghỉ hè 3 tháng. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều phụ huynh và giáo viên sẵn sàng biến 3 tháng hè của con thành “học kỳ III” với mong muốn bổ sung, nâng cao, thậm chí là học trước chương trình.

Các cháu chuẩn bị bước vào lớp 1 được phụ huynh cho đi học chữ trong dịp nghỉ hè.

Học kỳ phụ sôi động hơn cả học kỳ chính


“Sao bây giờ bà mới đến, các bạn ở đây học được một thời gian rồi. Cháu cũng chỉ dạy được 3 ca/ngày thôi, mỗi lớp có khoảng 20 - 25 bạn. Cháu sẽ nhận bạn nhà bà nhưng bà và bố, mẹ phải động viên con để con học chăm chỉ nhé”. Đó là lời trách móc của một cô giáo với bà Dương Thị Minh Tâm, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) khi đến nhà xin học thêm cho cháu nội. Nghe bà kể mới biết, thì ra tháng 9 này cháu bà vào lớp 1, bố mẹ đi làm suốt nên bà là người sắp xếp và đưa đón cháu đi học. Mặc dù cháu đang học 6 môn năng khiếu là: múa, đàn, khiêu vũ, bơi, võ, tiếng Anh nhưng đầu tháng 6 vừa qua, bà vẫn xin cho cháu đi học chữ và tính nhẩm. Tính ra cũng là 8 môn học, ngang với số lượng các môn mà một học sinh cấp I học ở trường. Dù phòng học là địa điểm cô giáo thuê lại, mỗi buổi học có trên dưới 20 học sinh nhưng không khí đi học của các cháu vừa bước khỏi lớp mầm non rất nhộn nhịp với cặp sách, bút vở, cũng vui khi được cô giáo khen như ở trường. Giữa nắng hè 40oC, một ngày học từ 2 - 3 ca, một học kỳ phụ cũng “tốn” của mỗi gia đình tiền triệu. Không hiểu sau mỗi buổi học như vậy, niềm vui đến trường sớm ấy đã đáp ứng được mong mỏi của các bậc phụ huynh và số tiền họ phải bỏ ra không.


Ngoài dấu mốc bước vào “đại học chữ to”, các mốc thi vào cấp III hay thi THPT quốc gia cũng được các gia đình đặc biệt chú trọng và có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng cho con ngay từ đầu những năm học cuối cấp. Chị Hoàng Thị Hà, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) than thở: Năm nay con nhà tôi lên lớp 9, chuẩn bị cho một kỳ thi mà tôi thấy còn “nóng” hơn cả thi đại học đó là thi vào cấp III. Vì vậy, ngay khi vừa thi xong lớp 8, tôi cùng con lên kế hoạch tìm thầy cô uy tín để xin học thêm hè. Mục tiêu của tôi là làm sao con hoàn thành chương trình lớp 9 khi kết thúc học kỳ I để sang học kỳ II, con chuyên tâm vào ôn thi vào lớp 10. Vậy là kỳ nghỉ hè năm nay của con nhà chị Hà đã trở thành “học kỳ III” theo đúng nghĩa với lịch học dày đặc, có ngày lên tới 3 ca. Chị Hà tâm sự tiếp: Có những hôm giữa 2 ca, cháu còn không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ cầm chừng bằng cái bánh mỳ và hộp sữa. Nhiều hôm nhìn con mệt mỏi nhưng tôi vẫn động viên cháu phải cố gắng vì mục tiêu thi đỗ cấp III. Bên cạnh đó, cháu thường thức khuya học nên tôi cũng bổ sung dinh dưỡng cho cháu bằng các loại đồ ăn, thức uống an toàn. Hỏi chị Hà mới biết, hầu hết các bạn ở lớp của con chị cũng học thêm nhiều như vậy, bạn này đến rủ bạn kia đi học, lúc đi thì vui vẻ, lúc về thì căng thẳng, mệt mỏi. Thế mới thấy, áp lực học hành, thi cử đang “đánh cắp” những ngày hè mà lẽ ra, các cháu phải được vui chơi, nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động cộng đồng...

Có chế tài, giải pháp nhưng chưa quyết liệt


Trên thực tế, nhiều giáo viên tâm sự rằng không muốn dạy thêm nhưng nể mối quan hệ quen biết nên nhận dạy và đã dạy thì cũng không phải 1, 2 em mà phải gộp thành 1 lớp. Phụ huynh này thấy con nhà kia đi học cũng muốn xin bằng được để con mình đi học thêm theo. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, nhiều phụ huynh chia sẻ, chính cô giáo là người tự mở lớp học thêm và thỏa thuận với phụ huynh về việc có hay không cho con đi học. Có những phụ huynh cho rằng cả năm học, con đã căng thẳng rồi thì hè là thời gian để con nghỉ ngơi, thư giãn nên không đăng ký cho con học. Song cô giáo lại gọi trực tiếp cho những phụ huynh này, mục đích là cho các cháu đi học để bổ sung, nâng cao kiến thức trước năm học mới. Một phần vì nể cô, một phần cũng lo con mình không được cô quan tâm như các bạn nên những bậc làm cha, mẹ cũng “nhắm mắt” đăng ký cho con học thêm tại nhà cô. Gọi là nhà nhưng các cô lại không dạy ở nhà mình mà thuê một địa điểm dạy học khác để tránh các đoàn kiểm tra.


Điều 4, Thông tư số 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm đã nêu rõ: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống”. Gần 2 năm sau, tháng 11/2014, Bộ tiếp tục ban hành chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học với nhiều quy định cụ thể, xử lý kiên quyết hơn tình trạng này. Ở tỉnh ta, để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong dịp hè, ngành Giáo dục và UBND các huyện, thành phố đều có công văn phổ biến quy định của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian học sinh nghỉ hè, các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình; đồng thời yêu cầu các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo cho các em học sinh có những ngày hè bổ ích. Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất nhưng rất khó phát hiện và xử lý bởi các cô không dạy ở nhà, người dân lại không phản ánh, các địa điểm dạy thêm có khi được các cô thay đổi thường xuyên. Với những trường hợp phát hiện, Sở đã lập biên bản xử lý và yêu cầu nhà trường cũng như giáo viên ký cam kết không tái phạm.


Mặc dù ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp, chế tài nhưng để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm đặc biệt trong dịp hè thì cần sự quản lý, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự phản ánh kịp thời của người dân và chuyển biến trong nhận thức của chính các bậc phụ huynh.


Đặng Anh

  • Từ khóa