Thứ 7, 11/01/2025, 02:54[GMT+7]

Tự hào là người con “quê hương năm tấn”

Thứ 2, 12/08/2019 | 10:25:36
3,394 lượt xem
Nhắc đến cựu chiến binh Đỗ Quang Thiệp, bà con tổ dân phố 5 và những người đồng chí, đồng đội ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) dường như ai cũng dành sự cảm mến, tin yêu, trân trọng. Không chỉ gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì công việc, điểm đáng trân quý ở ông Đỗ Quang Thiệp là sự gần gũi, đồng cảm, yêu thương, luôn biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào.

Cựu chiến binh Đỗ Quang Thiệp thăm hỏi, tặng quà gia đình bệnh binh Lương Văn Khần trú tại tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Sinh ra ở vùng đất xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, người con “quê hương năm tấn” giàu truyền thống Đỗ Quang Thiệp sớm tình nguyện gia nhập quân ngũ, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1977, được biên chế vào đơn vị C30 Vệ binh, Quân khu 3, năm 1978 người lính trẻ Đỗ Quang Thiệp được điều động về công tác tại Trại giam Quân sự Quân khu 3 với vai trò là cán bộ quản giáo. Tháng 4/1979, Trại giam Quân sự Quân khu 3 chuyển từ Kiến An, Hải Phòng về Ba Sao, Kim Bảng. Như duyên định từ trước, người lính quê lúa Thái Bình Đỗ Quang Thiệp cũng theo về công tác, lập gia đình và gắn bó với miền chiêm trũng Hà Nam từ đó. Mấy chục năm làm việc trong môi trường công tác đặc biệt ấy, cán bộ quản giáo Đỗ Quang Thiệp có dịp chứng kiến, thấu hiểu hơn về bao mảnh đời, bao số phận với vô vàn những éo le, nghiệt ngã. Người vì phút nông nổi, thiếu hiểu biết mà phạm tội, người vì hoàn cảnh xô đẩy, vì ép buộc mà vướng vào vòng lao lý… Thấu hiểu, cảm thông với những con người, hoàn cảnh, số phận nghiệt ngã ấy, cán bộ quản giáo Đỗ Quang Thiệp luôn coi phạm nhân như những người thân để gần gũi, động viên, giúp đỡ cải tạo và tạo điều kiện cho họ sớm hoàn lương. Không ít tù nhân ngoan cố, liều lĩnh, lỳ lợm, khi được người cán bộ quản giáo có tấm lòng đôn hậu, bao dung Đỗ Quang Thiệp gần gũi, cùng lao động, chia sẻ, dìu dắt đã tự cảm hóa và cải tạo thành công, được ra tù sớm trước thời hạn. Khắc ghi và luôn làm theo lời Bác Hồ dạy: “Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn, nhưng dài ngắn đều hợp lại ở bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng cả thảy đều là dòng dõi tổ tiên ta…”, với bất cứ phạm nhân nào, cán bộ quản giáo Đỗ Quang Thiệp cũng đều đặt mình vào tâm thế của họ để rồi tìm đến sự đồng cảm, chia sẻ, tìm ra phương pháp nâng đỡ, cải tạo phù hợp, hiệu quả. Nhiều đêm, anh thao thức cùng phạm nhân, lắng nghe để thấu hiểu họ hơn về hoàn cảnh, những cú sốc, ngã rẽ bi thảm, những trăn trở, day dứt trong lòng. Cảm thông, thấu hiểu nỗi đau, sự tủi nhục, mặc cảm của phạm nhân nên khi đảm nhận công việc đưa phạm nhân đi lao động cải tạo anh luôn tỏ thái độ tôn trọng, tin tưởng, động viên và giúp họ bình tâm, kiên trì làm việc, không có ý định trốn trại, chống đối, qua đó sớm hưởng chính sách khoan hồng. Trong bất cứ công việc nào, cán bộ quản giáo Đỗ Quang Thiệp cũng cố gắng tìm tòi phương pháp, cách làm mới, hiệu quả để rèn luyện, đánh thức và nhen nhóm lên ánh sáng hướng thiện trong sâu thẳm tâm hồn mỗi phạm nhân. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của anh mà rất nhiều phạm nhân có được những bữa “cơm trại” tươm tất, đầy đủ hơn so với quy định. Sau những tháng ngày cải tạo, cảm hóa, nhiều phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng, sớm ra tù trước thời hạn nhưng họ lại phải đối diện với những khoảng trống vô hình phía trước khi không có người thân yêu tới đón nhận. Cảm thông, chia sẻ với người phạm tội mãn hạn tù không may mắn ấy, không ít lần cán bộ quản giáo Đỗ Quang Thiệp mang quần áo, tiền bạc của mình đến giúp, động viên họ thêm ấm lòng, vững tâm về với quê hương, với cộng đồng. Chẳng thế mà đến tận bây giờ khi đã về quê, ổn định cuộc sống nhưng nhiều người từng là phạm nhân như anh Phạm Văn Nhì (Quảng Yên, Quảng Ninh), Nguyễn Đình Tứ (Mỹ Lộc, Nam Định)… vẫn tìm về gia đình người cán bộ quản giáo năm xưa đã giúp mình làm lại cuộc đời để bày tỏ lòng biết ơn và để được anh tiếp tục tư vấn, chia sẻ những khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Cuối năm 2008, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, người cán bộ quản giáo Đỗ Quang Thiệp nghỉ hưu trở về cùng gia đình, được cán bộ, nhân dân tổ dân phố số 5 phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố. Ở cương vị, nhiệm vụ mới, phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ và “quê hương năm tấn” Thái Bình giàu truyền thống, cựu binh Đỗ Quang Thiệp lại tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nêu gương, đi đầu trong mọi phong trào, cuộc vận động, góp phần đưa tổ dân phố số 5 nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, xây dựng khu dân cư nơi anh sinh sống hướng tới khu dân cư kiểu mẫu. Từ năm 2017, trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, Đảng ủy viên, đại biểu HĐND phường Trần Hưng Đạo, cựu binh Đỗ Quang Thiệp tiếp tục tìm tòi, học hỏi để vừa phát triển phong trào, công tác hội, vừa tranh thủ tìm hiểu, nắm bắt rõ hoàn cảnh từng hội viên cựu binh, cựu quân nhân, đặc biệt là những hội viên hoàn cảnh khó khăn, có con em bị nhiễm chất độc hóa học để tìm ra hình thức động viên, giúp đỡ phù hợp. Với sự tận tâm, sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, anh đã cùng Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường đưa phong trào hội phát triển ngày càng bền vững, động viên đồng đội, hội viên đoàn kết, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, khu phố văn hóa. Hội Cựu chiến binh phường Trần Hưng Đạo nhiều năm liền được hội cấp trên khen thưởng, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong vai trò người đại biểu nhân dân, cựu binh Đỗ Quang Thiệp luôn quan tâm gần gũi, nắm bắt, phản ánh những quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và hội cựu chiến binh các cấp quan tâm giải quyết thỏa đáng, kịp thời, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giữ vững ổn định địa bàn ngay từ cơ sở.

Từ khi rời “quê hương năm tấn” đi công tác, người lính Đỗ Quang Thiệp đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, bằng khen, giấy khen của Quân khu 3, UBND tỉnh Hà Nam, cấp ủy, chính quyền, hội cựu chiến binh các cấp. Tâm sự về những việc làm của mình, cựu binh Đỗ Quang Thiệp khiêm tốn chia sẻ: Xuất thân từ miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng cần cù, hiếu học, do vậy mặc dù đi xa, trải qua nhiều vị trí công tác nhưng tôi luôn tâm niệm phải giữ lấy truyền thống, cốt cách, niềm tự hào của người con Thái Bình. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng học tập, gương mẫu, làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, góp sức nhỏ bé xây dựng miền quê nơi mình sinh sống ngày càng văn minh, tiến bộ.

Tự hào là người con “quê hương năm tấn” và vùng đất Núi Đọi Sông Châu giàu truyền thống, cựu binh Đỗ Quang Thiệp luôn thành tâm, nỗ lực vun đắp tình cảm giữa hai miền quê hương bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Anh luôn cùng đồng đội, bạn bè thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những người con Thái Bình đang sinh sống, làm việc ở Hà Nam. Hàng năm, anh luôn là thành viên tích cực đóng góp ủng hộ xây dựng các quỹ, ủng hộ xây dựng các công trình công cộng tại Hà Nam và miền quê xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Bởi thế nên dường như ai đã từng biết cũng đều dành tình cảm trân trọng, yêu mến khi nhắc tới anh - người con của “quê hương năm tấn” và mảnh đất Hà Nam anh hùng.

NGUYỄN HẰNG (Báo Hà Nam)

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa