Thứ 3, 23/07/2024, 12:25[GMT+7]

An Châu anh hùng - vươn mình đổi mới

Thứ 2, 19/08/2019 | 09:07:23
2,802 lượt xem
Trong kháng chiến, xã An Châu (Đông Hưng) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, dù bị đạn bom tàn phá song người dân vẫn một lòng bám trụ giữ đất, giữ làng, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, bà con lại ra sức cùng cấp ủy, chính quyền dựng xây quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Vùng chuyển đổi của anh Bùi Văn Khuể (thôn An Nạp, xã An Châu) mỗi năm thu lãi 150 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Uy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: An Châu là vùng quê cách mạng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần yêu nước, người dân An Châu một lòng son sắt, thủy chung theo cách mạng. Họ vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu, bám trụ giữ làng. Tổng kết hai cuộc kháng chiến, An Châu có hàng nghìn thanh niên lên đường chiến đấu ở các chiến trường; nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến. Xã có 13 mẹ Việt Nam anh hùng, 124 liệt sĩ, hàng trăm thương binh, bệnh binh... Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã An Châu vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương các loại. Năm 2018, xã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng với sự đồng lòng của nhân dân, An Châu đã giành được nhiều thành quả quan trọng. 

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết: An Châu là xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tuy vậy, với tinh thần kiên trì vượt khó, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung cao nhất lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, coi đây là mặt trận hàng đầu. Bên cạnh việc đầu tư cứng hóa kênh mương, giao thông thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa phục vụ sản xuất, An Châu đã quy hoạch và xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50,5ha tại thôn An Nạp và thôn Kim Châu 2, có gần 280 hộ tham gia; mô hình sản xuất 4 vụ/năm với diện tích 8ha; quy vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng an toàn với diện tích 20ha. Đặc biệt, nhiều năm qua, ở An Châu vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, chiếm 60 - 70% diện tích đất nông nghiệp, trở thành xã dẫn đầu huyện về trồng cây màu vụ đông. Thu nhập từ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cao gấp 1,5 - 2 lần cấy lúa. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có thể làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa với thu nhập hàng trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như anh Nguyễn Xuân Cách, thôn Kim Châu 1 với trang trại VAC rộng 3.200m2 thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng; anh Bùi Văn Khuể, thôn An Nạp chuyển đổi thành công trên 2 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu thu lãi 150 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, An Châu cũng khuyến khích, động viên người dân tích cực du nhập, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở rộng dịch vụ để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Từ xã trắng nghề, đến nay An Châu đã có 8 cơ sở, doanh nghiệp may mặc, 500 người làm nghề xây dựng, gần 300 người làm nghề móc hộp, 26 cơ sở xay xát chế biến lương thực, đan mây tre đan, hàng chục cơ sở làm các nghề hàn xì, khung nhôm, bóc long nhãn..., giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. 

Anh Bùi Văn Giáp, Giám đốc Công ty May Như Thành cho biết: Sau khi đi xuất khẩu lao động về, nhận được mối hàng nên tôi đã mạnh dạn mở công ty chuyên may áo jacket xuất đi các nước châu Âu. Mỗi năm Công ty xuất khoảng 60.000 - 80.000 sản phẩm. Hiện Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho trên 20 lao động với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về làng đã giúp kinh tế của An Châu phát triển với tốc độ nhanh, đa dạng, bền vững. Nếu như tổng giá trị tính theo giá thực tế của năm 2016 mới đạt gần 127 tỷ đồng thì đến năm 2018 đã đạt trên 140 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 103 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 26 triệu đồng/năm (2016) lên 36,3 triệu đồng/năm (2018). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 (đa chiều) giảm còn 4,95%.

An Châu cũng tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng; trụ sở xã, trường học, nhà văn hóa, chợ được xây dựng mới đạt chuẩn. 

Ông Phạm Văn Cường, nguyên Chủ tịch UBND xã, người đã gắn bó cả đời mình với quê hương chia sẻ: Trước đây, cũng như bao miền quê nghèo khác, người dân An Châu gặp nhiều khó khăn, gian khổ song vẫn nhường nhà cửa cho bộ đội, tích cực tham gia đánh giặc, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Từ khi đất nước giành được độc lập, người dân An Châu thi đua lao động sản xuất, hiến kế, hiến công, đóng góp tiền của xây dựng thành công nông thôn mới từ năm 2014. Dưới ánh sáng của Đảng, An Châu hôm nay có nhiều đổi thay, đời sống no ấm, người dân thêm tin tưởng vào công cuộc đổi mới.

Sức sống mới đang được thổi bùng lên trên quê hương An Châu anh hùng, trở thành nguồn lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết, nỗ lực hơn nữa cùng chung tay xây dựng quê hương vững bước trên con đường đổi mới, phát triển bền vững.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày