Thứ 7, 23/11/2024, 09:04[GMT+7]

Minh Hưng: Phát huy truyền thống cách mạng

Thứ 2, 19/08/2019 | 09:08:27
4,264 lượt xem
Xã Minh Hưng (Kiến Xương) có nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người dân nơi đây giàu lòng yêu nước, cần cù lao động, đùm bọc giúp đỡ nhau, đoàn kết một lòng chống lại thiên tai, địch họa. Truyền thống đó được bảo tồn và gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử. Đến nay, người dân trong xã luôn tự hào về truyền thống cách mạng của địa phương, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Người dân Minh Hưng đóng góp theo khu dân cư để làm đường giao thông thôn xóm.

Minh Hưng có 2 di tích gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập của dân tộc đó là nhà thờ họ Trần là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ nhất và đình làng Son là nơi hội họp hoạt động bí mật của cách mạng. Minh Hưng có chi bộ đảng đầu tiên từ những năm 1930 thuộc liên xã Minh Tân. Xã có 26 đồng chí lão thành cách mạng, 20 gia đình có công phục vụ và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong những năm kháng chiến, gần 1.000 người con của Minh Hưng đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc, xã đã được khen thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp. Hiện tại, Đảng bộ xã có 167 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ. 

Ông Trần Xuân Tiêu, thôn Nguyên Kinh II, trưởng họ Trần cho biết: Nhà thờ họ Trần được xây dựng từ năm 1936, là nơi hoạt động bí mật để bàn kế hoạch tác chiến của các bậc tiền bối cách mạng. Không chỉ riêng gia đình, dòng họ Trần mà mọi người dân trong xã đều rất vinh dự, tự hào khi được Tỉnh ủy chọn là nơi  tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh vào năm 1940, vinh dự được đón đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo Đại hội và đến nay được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Ông Tiêu phấn khởi khẳng định: Thời kỳ kinh tế khó khăn đã qua, giờ xóm làng phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng sung túc. Bà con không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp mà còn phát huy tốt tinh thần đoàn kết và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không có tệ nạn xã hội. Truyền thống cách mạng như mạch nguồn chảy mãi trong lòng người dân Minh Hưng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không chỉ cảm nhận qua lời ông Tiêu mà chúng tôi còn thấy hiện hữu rõ những đổi thay ở vùng quê này ngay trên những ngả đường, trường học, các công trình phúc lợi ở địa phương. 

Ông Trần Thế Tư, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Người dân Minh Hưng vốn có truyền thống cần cù, chịu khó, tích cực phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Mặc dù nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 41% cơ cấu kinh tế song người dân Minh Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống khá lên trông thấy. Đặc biệt, Minh Hưng có truyền thống chăn nuôi, nhất là nuôi lợn nái với tổng đàn duy trì 1.500 con/năm. Toàn xã có 43 gia trại chủ yếu chăn nuôi lợn, vịt, gà có hiệu quả, có nhà nuôi tới 10 con lợn nái như hộ ông Đặng Văn Tuyệt, Lương Văn Thảo, thôn Nguyên Kinh II. Bên cạnh đó, người dân Minh Hưng vẫn duy trì làng nghề thêu truyền thống, tạo việc làm cho gần 100 lao động trong lúc nông nhàn. Chính vì thế tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm trở lại đây đã giảm bình quân từ 0,5 - 0,7%/năm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,96%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Cũng chính vì đời sống người dân ngày càng được cải thiện nên đã đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo bước chuyển mình bằng những công trình hạ tầng nông thôn. Mặc dù trong quá trình thực hiện điều khó nhất là nguồn vốn thì người dân Minh Hưng lại tích cực đóng góp. Như tiêu chí giao thông, nhất là giao thông nội đồng được thực hiện từ năm 2014 song do nguồn ngân sách hạn hẹp, xã đã phải huy động hoàn toàn bằng sức dân để hoàn thiện tiêu chí vào năm 2019. Sôi động nhất là khi tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng cộng với cơ chế hỗ trợ 100 triệu đồng/km của xã, các thôn, xóm đã tự quyên góp để làm. Có thôn đóng 200.000 đồng/sào, có thôn 150.000 đồng/sào và còn huy động cả nguồn lực từ con em xa quê. Vì thế nhiều tuyến đường nội đồng bà con đã làm được nhiều hơn kế hoạch, vượt chỉ tiêu đề ra. Hay như đường giao thông trong khu dân cư, Minh Hưng cũng triển khai làm theo từng khu dân cư. Toàn bộ 12,6km đường giao thông khu dân cư đều lấy nhóm hộ gia đình để làm, không làm theo thôn vì thế có chỗ đóng góp tới 2 triệu đồng/khẩu, có chỗ đóng góp 800.000 đồng/khẩu. Toàn bộ đường giao thông trong khu dân cư, trừ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, người dân Minh Hưng đã đóng góp khoảng 4 tỷ đồng. Đó là những điều khó nhất mà Minh Hưng đã làm được trong thời gian qua nhờ việc huy động từ sức dân.

Những dấu tích lịch sử vẫn còn đó nhưng Minh Hưng ngày nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Ở đó những người con của quê hương cách mạng đang ra sức phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Thu Thủy

  • Từ khóa