Chủ nhật, 24/11/2024, 21:57[GMT+7]

Để nhà cổ không bị “xóa sổ”

Thứ 2, 19/08/2019 | 09:34:49
2,472 lượt xem
Trên địa bàn huyện Vũ Thư hiện còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm, mang nét kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhất là tác động của con người, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí bị dỡ bỏ...

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Xuân Miễn (xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư) không chỉ có kiến trúc đẹp mà còn lưu giữ nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống

Về xã Bách Thuận một ngày nắng gắt nhưng khi bước chân vào căn nhà ngói cổ 5 gian của gia đình ông Phạm Xuân Miễn, 86 tuổi, thôn Bách Tính, chúng tôi cảm giác thật mát mẻ, thanh bình. 

Ông Miễn cho biết: Ngôi nhà được ông nội của tôi xây dựng từ năm 1890, tính ra đã trải qua gần 130 năm. Với kiến trúc 3 gian, 2 chái, toàn bộ hệ thống cột, vì kèo của ngôi nhà được dựng bằng gỗ lim, bốn xung quanh cũng được bưng bằng gỗ lim. Ban đầu ngôi nhà có hoành rui bằng luồng, lợp mái cói nhưng đến năm 1952 bố tôi đã nâng cấp ngôi nhà, thay bằng hoành, rui gỗ và lợp ngói mũi. Là nông dân nhưng nhờ cần cù, chăm chỉ tích cóp, ông nội tôi dựng được nhà đẹp để lại cho con cháu, nhờ đó đến nay 5 đời gia đình tôi được ở nhà vững chãi, mát mẻ. 

Ông Miễn chia sẻ thêm: Do hiểu lầm là nhà của địa chủ, những năm cải cách ruộng đất, ngôi nhà này từng bị chính quyền tịch thu, đến khi có chính sách sửa sai thì gia đình tôi mới được minh oan và được trở về nhà. Trân trọng công lao dựng nhà của ông cha mình, những năm sau này tôi một lòng gìn giữ nó dù gặp nhiều khó khăn. Những năm đổi mới đến nay, hầu hết các gia đình phá bỏ nhà cổ để xây nhà mới, mái bằng, nhà tầng to rộng nhưng ông Miễn và con cháu vẫn cố gắng gìn giữ cơ bản nguyên trạng ngôi nhà, chỉ đảo, dặm lại ngói để chống mưa bão. Ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn gắn bó với bao kỷ niệm buồn vui của ông Miễn và con cháu trong gia đình, nơi lưu giữ những truyền thống gia phong tốt đẹp của cha ông, nơi chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của làng vườn quê hương.

Ở làng Hội Kê, xã Hồng Lý có ngôi nhà cổ của đại gia đình ông Nguyễn Hữu Điển, Nguyễn Hữu Hiệu. 

Ông Hiệu cho biết: Ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ XX bởi cụ Nguyễn Hữu Tiếp, là cụ 4 đời trước của tôi, gồm 5 gian rộng rãi, sử dụng toàn gỗ quý. Qua đời ông, cha rồi đời ông Điển, ông Hiệu sử dụng, dù ngôi nhà bị xuống cấp nhiều nhưng các thế hệ trong gia đình luôn trân trọng, gìn giữ. Hiện nay, để bảo tồn ngôi nhà được tốt hơn, gia đình đã xây dựng thêm một căn nhà ở độc lập còn ngôi nhà cổ được trùng tu làm nơi thờ tự. Ngôi nhà cổ được con cháu trong đại gia đình coi như một di sản của cha ông để lại, là nơi kết nối các thế hệ xưa và nay, giáo dục con cháu trong gia đình lòng tự hào về truyền thống gia đình.

Khó khăn trong việc bảo tồn nhà cổ

Ông Vũ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vũ Thư cho biết: Qua khảo sát, trên địa bàn huyện còn khoảng 40 ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1930 trở về trước, nằm rải rác ở các xã: Bách Thuận, Vũ Hội, Hồng Lý, Song An, Vũ Tiến, Song Lãng, Đồng Thanh, trong đó ngôi nhà cổ nhất được xây dựng từ năm 1800. Hầu hết các ngôi nhà cổ đều là nhà được dựng bằng các loại gỗ quý như lim, nghiến, nhờ đó có độ bền cao. Đặc biệt, những ngôi nhà này thường được xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống của vùng đồng bằng sông Hồng với các đường nét, hoa văn trên gỗ được trạm trổ tinh xảo, phản ánh ước vọng, nét văn hóa, phong tục của người dân địa phương từ xa xưa. Không chỉ đẹp trong kiến trúc mà những ngôi nhà cổ còn chứa đựng giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Với ý nghĩa này, vài năm trước, Phòng đã có khảo sát, thống kê tình trạng các ngôi nhà cổ và xây dựng đề án bảo tồn, tuy nhiên kinh phí thực hiện công tác bảo tồn nhà cổ rất lớn, vì vậy thực tế đề án chưa được triển khai. Do tác động của cả con người và môi trường, hầu hết các ngôi nhà cổ ngày càng xuống cấp, nhiều ngôi nhà bị mối mọt làm mục rỗng gỗ, bão, thiên tai làm đổ mái hoặc chủ nhà chắp vá, sửa chữa khá “lôm côm”, thậm chí dần bị phá bỏ, mai một dần theo thời gian.

Ông Nguyễn Hữu Hiệu, xã Hồng Lý chia sẻ: Do không có kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý, chống mối mọt nên các cột gỗ, vì kèo nhà cổ của gia đình tôi bị hỏng khá nặng. Những năm trước kia, biết là nhà đang bị hỏng dần nhưng tôi không có kinh phí sửa chữa nên đành chịu. May mắn là năm 2015 anh trai cả của tôi ở xa quê đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để trùng tu, bảo tồn ngôi nhà cổ của cha ông. Hiện nay tôi vẫn rất lo lắng về việc ngăn ngừa, diệt mối hại gỗ của ngôi nhà. Tôi nghĩ các gia đình khác mà không có kinh phí thì việc bảo tồn nhà cổ rất khó khăn, nhất là thế hệ trẻ luôn có tư tưởng phá bỏ nhà cũ, xây nhà mới vì cho rằng xây nhà mới tốn ít kinh phí hơn, lại khang trang, tiện dụng trong sinh hoạt hơn nhà cổ.

Có sự vào cuộc sớm, tích cực và thiết thực hơn của các cấp, các ngành liên quan trong công tác quản lý, xây dựng chính sách, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân phương pháp bảo tồn nhà cổ, song song với đó là ý thức tự hào, gìn giữ di sản của gia đình, dòng họ mình sẽ giúp các ngôi nhà cổ vững vàng qua thời gian. Ngược lại, nếu không làm tốt công tác bảo tồn ngay từ bây giờ, tình trạng mai một, “xóa sổ” nhà cổ ở các làng quê sẽ xảy đến trong tương lai, không thể cứu vãn.

Hà Phương

  • Từ khóa