Thứ 2, 05/08/2024, 21:19[GMT+7]

Để mạng xã hội trở thành công cụ lan tỏa những điều tốt đẹp

Thứ 2, 19/08/2019 | 10:20:23
8,332 lượt xem
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 60 triệu tài khoản Facebook, 30 triệu tài khoản Youtube, 47 triệu tài khoản Zalo… Với những đặc điểm nổi bật: thông tin nhanh nhạy, đa dạng, độ tương tác cao, khả năng lưu trữ khổng lồ, mạng xã hội đã trở thành công cụ để đưa con người xích lại gần nhau hơn nhưng cũng gây ra không ít những hệ lụy không mong muốn.

Từ những tiện ích
Không thể phủ nhận những tiện ích to lớn mà mạng xã hội mang lại, nhất là giúp con người giới thiệu về bản thân, chia sẻ cảm xúc, quan điểm cá nhân, gắn kết cộng đồng, tìm kiếm thông tin phục vụ công việc, gặp gỡ và giao lưu với tất cả mọi người trên thế giới. Nhờ có thông tin trên mạng xã hội, nhiều bài viết hay, ý nghĩa trên các diễn đàn đã được cập nhật, chia sẻ, lan tỏa; nhiều hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng biết đến, chung tay giúp đỡ; nhiều trường hợp thông qua mạng xã hội mà tìm được người thân, bạn bè. Nhiều vụ việc xuất phát từ mạng xã hội, trở thành nguồn tin của nhiều tác phẩm báo chí gây tiếng vang, có tác động lớn đến công chúng. Mạng xã hội còn là một môi trường kinh doanh lý tưởng, đầy tiềm năng, giúp người sử dụng bán hàng online hay quảng cáo những sản phẩm của công ty, doanh nghiệp và tìm kiếm khách hàng tiềm năng...

Tận dụng những lợi thế này, Chính phủ và một số tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... đã sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tương tác với người dân, nhờ đó mà một số vấn đề quan tâm, bức xúc của dư luận được chính quyền biết đến; nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân được giải quyết kịp thời. Năm 2018, UBND tỉnh đã triển khai Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình trên ứng dụng zalo như một kênh giao tiếp với tổ chức, công dân để cung cấp thông tin phục vụ công vụ và cho cộng đồng, như: tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, thông báo văn bản, thông tin chỉ đạo điều hành trên hệ thống mạng văn phòng liên thông, cập nhật tin tức mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, chính sách mới trên địa bàn tỉnh được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Một số trang fanpage của các cơ quan, tổ chức đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, sinh viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân tham gia. Rõ ràng, mạng xã hội đang ngày càng được nhiều người yêu thích, coi đó như một phần thiết yếu của cuộc sống.

Đến những hệ lụy
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận thì hệ lụy của mạng xã hội gây ra đối với đời sống xã hội cũng đang ở mức báo động. Tính chất mở, thoáng trên môi trường mạng đã khiến nhiều người coi trang cá nhân như là “nhà của mình”, là nơi thoải mái đăng mọi thứ, thể hiện quan điểm một cách dễ dãi trước các vấn đề của cuộc sống. Đây là quan điểm rất sai lầm, bởi tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội sẽ làm cho thông tin rất khó được kiểm soát, khi phát hiện thông tin không chính xác, người dùng gỡ xuống thì hậu quả cũng đã xảy ra rồi. Thực tế thời gian qua, một số vụ việc nạn nhân không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội đã tìm đến cái chết để giải thoát; một số kẻ cố tình tạo tin giả mạo, tin giật gân để câu like (thích), câu share (chia sẻ) nhằm gây sự chú ý để bán hàng hay bôi nhọ danh dự của người khác đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc như những hồi chuông báo động về tính hai mặt của mạng xã hội.

Không chỉ vậy, môi trường ảo này đang lấn lướt giao tiếp thật của con người, ngay cả giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều bạn trẻ thay vì ưu tiên thời gian cho học tập, rèn luyện kỹ năng trong công việc đang quá sa đà vào mạng xã hội, thậm chí biến mình thành “con nghiện” mạng xã hội. Điều đáng buồn là một bộ phận giới trẻ không nhận thức rõ giá trị chuẩn mực, cổ súy, tôn vinh những kẻ bất hảo như Khá “bảnh”, cổ vũ những youtuber (những người quay video và chia sẻ chúng trên Youtube) sẵn sàng làm những điều trái thuần phong, đạo đức (đổ nước mắm, tạt trứng lên đầu mẹ) chỉ để “câu like”, “câu view” kiếm tiền... Chưa kể, mạng xã hội càng cung cấp nhiều trải nghiệm tiện ích thì người sử dụng càng dễ gặp phải những rủi ro khi dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, nhất là thông tin về tài chính, địa điểm, thói quen mua sắm, sở thích ăn uống hay tình trạng mối quan hệ...

Nguy hiểm hơn, mạng xã hội đang ngày càng được các thế lực thù địch lợi dụng triệt để để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân với nhiều chiêu thức: lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản Facebook để thu thập, nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật, giả, cắt ghép hình ảnh, phát tán, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc, cố tình đẩy dư luận lên cao trong một số vụ việc. Chúng sử dụng mạng xã hội để kêu gọi, hướng dẫn cách thức biểu tình, tổ chức các hành động phá hoại vào những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, của đất nước. Chúng trắng trợn bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao, gây hoài nghi, bức xúc trong nhân dân. Điều đáng lo ngại là nhiều người dễ dàng tin vào mạng xã hội mà không có thói quen kiểm chứng lại thông tin nên càng dễ bị lôi kéo, kích động.

Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh
Rõ ràng, tính hai mặt của mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống của con người, đòi hỏi cần có những giải pháp phát huy tính tích cực và hạn chế những tiêu cực của môi trường ảo này. Song hành với đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật và pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước nhằm kiểm soát thông tin, hạn chế sự lây lan của tin giả, tin xấu, độc trên mạng xã hội, áp dụng các chế tài mạnh mẽ hơn để tạo tính răn đe đối với người vi phạm thì sự tự ý thức, nêu cao trách nhiệm của mỗi người khi tham gia môi trường này có vai trò vô cùng quan trọng.

Thiết nghĩ, trách nhiệm đầu tiên của người sử dụng mạng xã hội ở đây là cần phải tuân thủ quy định của luật pháp, không đăng tin, chia sẻ nội dung không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng. Cần ý thức rõ sức mạnh của mạng xã hội để thận trọng trong từng bài viết, từng nút “like”, “share” bởi rất có thể cái kích chuột “hồn nhiên” sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đó. Khi tiếp nhận, xử lý và khai thác thông tin trên mạng xã hội phục vụ cuộc sống, công việc hàng ngày, chúng ta có thể tìm nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy để kiểm chứng, tránh thông tin sai lệch, thông tin giả, xấu độc. Bên cạnh đó, mỗi người cần xây dựng cho mình nét văn hóa khi tham gia môi trường mạng: sử dụng thời gian một cách hợp lý, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, thậm chí mạnh dạn chọn “dislike”, báo xấu đối với những thông tin vu khống, bịa đặt, những điều trái thuần phong mỹ tục, đi ngược lại đạo đức xã hội, phản bác, bày tỏ chính kiến...

Rõ ràng mạng xã hội là môi trường ảo, nhưng sự tác động của nó đến con người lại rất thực. Những thông tin chúng ta đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội sẽ thể hiện quan điểm, tính cách, giá trị của chính mình. Ý thức được sức mạnh của mạng xã hội, mỗi cá nhân hãy xác định cho mình tâm thế chủ động để ứng xử thông minh, văn hóa khi tham gia môi trường này. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Phương Loan
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa