Chủ nhật, 01/09/2024, 18:25[GMT+7]

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Thành công và thách thức

Thứ 2, 19/08/2019 | 10:23:40
3,900 lượt xem
Những năm qua, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp nên cho dù được mùa nhưng nông dân vẫn không giàu từ gieo cấy lúa. Giải bài toán này, tỉnh sớm có chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan song vẫn còn nhiều thách thức.

Nuôi tôm công nghiệp tại xã Thái Thượng (Thái Thụy). Ảnh: Trần Tuấn

Thái Bình là tỉnh thâm canh lúa giỏi không chỉ đồng bằng Bắc Bộ mà còn là cả nước, năng suất lúa luôn đạt trên 12 tấn thóc/ha/năm. Có được kết quả trên do Thái Bình có nhiều kinh nghiệm trong điều hành mùa vụ, có bộ giống chuẩn, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán thâm canh của người nông dân. Tuy nhiên, những năm qua, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp nên cho dù được mùa nhưng nông dân vẫn không giàu từ gieo cấy lúa. Giải bài toán này, tỉnh sớm có chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan song vẫn còn nhiều thách thức.

Ngày 29/12/2015, UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 3312/QĐ-UBND với mục tiêu: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh, ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tăng quy mô hộ sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các tác nhân, nhất là giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân, hay các hợp tác xã, tổ, nhóm. Chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được tỉnh xác định từ năm 2015 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau 3 năm (2016 - 2018) triển khai thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nhưng kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn đạt giá trị khá, thể hiện ở: tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm đạt 3,28%. 6 tháng đầu năm 2019, do bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 97,62% so cùng kỳ năm 2018. Ước tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 2,7%/năm, vượt 0,2% so với mục tiêu đề ra (2,5%).

Ngành Nông nghiệp đã thực hiện lộ trình tái cơ cấu như thế nào? Qua tìm hiểu thực tế và làm việc với ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy có 4 nhóm vấn đề thực hiện chủ trương tái cơ cấu là: chuyển đổi cơ cấu giống, châm ngôn có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là tỉnh cuối nguồn nước, vì vậy nước cho sản xuất lúa luôn dồi dào, phân bón cũng không thiếu, người nông dân vốn có truyền thống cần cù lao động; như vậy nút thắt còn lại là giống lúa. Sau nhiều năm cách mạng về giống, đến nay Thái Bình đã định hình được giống lúa ngắn ngày, với 98% gồm hai nhóm: giống lúa năng suất cao chiếm 65%, giống lúa gạo chất lượng chiếm 35%. Đặc thù trên còn phù hợp với chủ trương trồng cây vụ đông, vụ thứ 3 không thua kém hai vụ lúa chính. Cùng với cây lúa, là đa dạng các chủng loại: rau ăn quả, ăn củ, ăn lá... chuyển đổi trồng các cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, như: ngô thực phẩm, ớt, dưa, bí, cà rốt, khoai tây, rau đậu các loại.

Thứ hai là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nhiều năm qua tỉnh xác định đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, giá trị chiếm từ 24 - 25% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt nên diện tích vụ đông giữ ổn định 36.000ha. Các cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ hoặc có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm như: ngô thực phẩm, ớt, dưa, bí, cà rốt, khoai tây, rau đậu... Chỉ tính trong 4 năm (2016 - 2019), tổng diện tích đất chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn cấy lúa là 2.220ha. Theo tính toán của các nhà chuyên môn thì hiệu quả chuyển đổi cao hơn từ 2 - 3 lần so với cấy lúa.

Mô hình trồng rau thủy canh tại thành phố Thái Bình. Ảnh: Lưu Ngần 

Thứ ba là tăng diện tích trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh... Thái Bình không chỉ nổi tiếng với ổi Bo mà có nhiều vùng trồng hoa, cây ăn quả và trồng cây phục vụ nhu cầu du lịch. Hiện tại toàn tỉnh có 5.780ha cây ăn quả, chủ yếu là chuối, mít, ổi, hồng xiêm, bưởi, táo... Hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Diện tích hoa, cây cảnh 1.671ha, tăng 198ha so với năm 2016 gồm: đào, quất và một số loại hoa.

Thứ tư là chuyển đổi phương thức sản xuất, đây là cuộc cách mạng tư tưởng thật sự đối với nông dân, bởi lẽ muốn có sản xuất thị trường phải triệt tiêu lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tỉnh sớm có chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung theo hình thức thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.348ha; trong đó, trồng trọt 1.977ha, quy mô 2ha trở lên là 1,811ha, từ 5ha là 1,220ha, từ 10ha là 874ha; chăn nuôi: 432ha; thủy sản 2.937ha.

Nhờ tích tụ ruộng đất, tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư như: Tập đoàn Trường Hải, Lộc Trời, Tập đoàn TH và dự án nuôi tôm của Tập đoàn Geleximco. Có 236 hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên với 20 doanh nghiệp, như chuỗi sản xuất thóc giống, sản xuất gạo hàng hóa, cây dược liệu... Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết 10.778ha, đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ký hợp đồng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao 2.631ha; Công ty TNHH Hưng Cúc 1.600ha/năm; Công ty  Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Thanh Nhàn 2.310ha/năm.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục phát triển theo hình thức trang trại, gia trại, giảm chăn nuôi hộ nhỏ lẻ. Từ năm 2016 - 2018 duy trì đàn lợn 1 triệu con, đàn gia cầm 13 triệu con, đàn trâu, bò tăng nhẹ qua các năm, tỷ lệ lai Sind chiếm 90%. Thái Bình có biển, hệ thống sông, ngòi  phù hợp với nuôi trồng thủy sản, như ngao, tôm thẻ chân trắng... Đến năm 2018 diện tích nuôi ngao đạt 3.069ha, giá trị 1.810 tỷ đồng; 3.619ha nuôi thủy sản nước lợ; 1.119ha nuôi thủy sản nước ngọt, 528 lồng cá trên sông.

Những thách thức

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp qua 4 năm đã có kết quả bước đầu. Song theo các nhà chuyên môn thì chưa rõ nét và còn nhiều thách thức. Đó là các mô hình chuyển đổi ứng dụng nông nghiệp cao còn ít, việc tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp còn chậm. Liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân chiếm tỷ lệ nhỏ, sự hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo và chưa bền vững. Thị trường và định hướng thị trường để tổ chức sản xuất còn thiếu và yếu. Còn ít doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Một số mục tiêu nêu trong đề án tái cơ cấu khó đạt hoặc không đạt như: diện tích đất tích tụ; đưa 40% số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ đã được quy hoạch; ổn định đàn lợn khoảng 1 - 1,1 triệu con/năm; cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản chiếm 30% tổng giá trị nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp; lượng giống thủy sản tại địa phương chiếm 75% và chuyển dịch một nửa lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp khắc phục song có những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ như đề nghị cho tỉnh thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ hai dự án do Tập đoàn Thaco - Lộc Trời và Tập đoàn TH đầu tư thành công. Chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện cho các đối tượng  được vay vốn đầu tư, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Chỉ còn một năm nữa là khung thời hạn thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp kết thúc để chuẩn bị cho tầm nhìn đến  năm 2030 xem ra vẫn còn nhiều việc phải làm. Đòi hỏi không riêng ngành Nông nghiệp cố gắng mà cần có sự chung tay của cả tỉnh thì đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mới thành công.

Phạm Viết Thanh
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa