Thứ 4, 03/07/2024, 06:13[GMT+7]

Siết chặt kiểm tra, giám sát dịch vụ xe đưa đón học sinh

Thứ 2, 12/08/2019 | 10:45:12
2,066 lượt xem
Vụ việc một học sinh Trường quốc tế Gateway ở Hà Nội tử vong ngày 6/8 vừa qua do bị bỏ quên nhiều giờ trên xe ô tô đưa đón từ nhà đến trường khiến dư luận bàng hoàng, đau xót và giật mình bởi có lẽ trước khi sự việc xảy ra, không ai nghĩ con em mình có thể ra đi trong một hoàn cảnh như thế. Siết chặt việc quản lý, vận hành dịch vụ xe đưa đón học sinh để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra là việc cần được quan tâm sớm hơn.

Các cô giáo Trường Mầm non Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) điểm danh học sinh trước khi lên xuống xe.

Ngày 7/8, chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Giấc mơ thần tiên (phường Quang Trung, thành phố Thái Bình). Đây là một trong những trường tư thục sử dụng xe ô tô để đưa đón trẻ hàng ngày. Vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc xảy ra tại Trường Quốc tế Gateway ở Hà Nội, cô giáo Phạm Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Giấc mơ thần tiên cho biết: Không phải chỉ đến khi sự việc đáng tiếc ở Hà Nội xảy ra mà ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã xây dựng và thực hiện quy trình rất chặt chẽ về dịch vụ xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, ngay trong sáng ngày 7/8, nhà trường đã tiến hành họp, quán triệt, rút kinh nghiệm, yêu cầu lái xe, các cô đi theo xe, giáo viên trên lớp... phải nghiêm túc, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện công việc đưa đón, trả trẻ nói riêng, chăm sóc, giảng dạy trẻ nói chung, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tắc trách. Đồng thời, chúng tôi sẽ yêu cầu phụ huynh ký vào danh sách giao nhận trẻ hàng ngày và tổ chức họp riêng với nhóm phụ huynh này định kỳ hàng năm. Hiện nay, Trường Mầm non Giấc mơ thần tiên có 19 cháu được bố mẹ đăng ký sử dụng dịch vụ xe đưa đón, vì vậy Trường đã thỏa thuận với phụ huynh và chia việc đưa đón học sinh thành 2 ca, mỗi ca 9 hoặc 10 cháu. Lái xe của nhà trường có giấy phép lái xe và phải khám sức khỏe định kỳ; xe đưa đón được đăng kiểm đúng theo quy định. Mỗi xe đưa đón ngoài lái xe thì có thêm 1 giáo viên là cô giáo chủ nhiệm của các lớp được nhà trường bố trí luân phiên nhau và có danh sách học sinh đi xe đưa đón để thực hiện việc điểm danh, giao nhận học sinh.

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Giấc mơ thần tiên (thành phố Thái Bình).

Tròn 10 năm kể từ ngày thành lập thì cũng từng ấy thời gian Trường Mầm non Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) tổ chức dịch vụ đưa đón trẻ đến trường bằng ô tô. Hiện Trường thu hút gần 400 học sinh ở 16 nhóm lớp, trong đó khoảng 40 học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ này thường xuyên, xa nhất là các cháu ở xã Vũ Đông, xã Đông Mỹ. Trường có 2 xe đưa đón học sinh với 2 lái xe là nhân viên của Trường. Cô giáo Đoàn Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Nhung cho biết: Các lái xe đưa đón trẻ được nhà trường tuyển chọn kỹ lưỡng, không chỉ là lái xe có nghề, còn phải là người nhiệt tình, thân thiện, gần gũi và hiểu tâm lý trẻ lứa tuổi mầm non nên được các cháu yêu quý. Nhà trường phân công mỗi xe có 1 giáo viên đi kèm để quản lý và giao, nhận trẻ. Các cô giáo chỉ đồng ý trả trẻ cho đúng người theo đăng ký với trường, có sổ theo dõi ký nhận rõ ràng... Có những trẻ nhà chỉ cách trường khoảng 1km nhưng phụ huynh vẫn lựa chọn, đăng ký dịch vụ xe đưa đón cho con đến trường để tạo tính tự lập sớm cho con. Bà Vũ Thị Lý, khu đô thị 1, phường Trần Hưng Đạo cho biết: Nhà tôi chỉ cách Trường gần 1km nhưng gia đình tôi vẫn đăng ký cho cháu sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô với chi phí 400.000 đồng/tháng. Chúng tôi rất yên tâm gửi gắm việc đưa đón con cháu vì sự nhiệt tình, chu đáo, có trách nhiệm của cô giáo cũng như bác lái xe.

Theo thống kê, bên cạnh việc hầu hết các trường mầm non tư thục đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh thì tại một số trường tiểu học công lập cũng có dịch vụ này. Ngoài ra hiện nay, mặc dù đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý song tình trạng dùng xe tự chế để đưa đón học sinh vẫn diễn ra. Những chiếc xe tự chế được “thiết kế” không giống bất cứ loại xe nào nhưng vẫn chở cả chục học sinh mỗi lượt khiến nhiều người lo sợ. Trung tá Phạm Văn Kiểm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại xe tự chế với nhiều mẫu mã khác nhau. Đa số các xe tự chế đều không có đèn, không có gương chiếu hậu và thiếu rất nhiều yếu tố bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, những chiếc xe tự chế cũng không được cơ quan chức năng kiểm định và đang bị cấm lưu hành. Ngành Công an đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tuy nhiên nếu xe tự chế chỉ chạy trong đường làng thì cũng khó phát hiện. Trung tá Phạm Văn Kiểm cũng lưu ý với các nhà trường và các bậc phụ huynh: Các nhà trường sử dụng dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh cần kiểm tra kỹ phương tiện và các giấy tờ cần thiết, bên cạnh đó, phải ký kết hợp đồng và kiểm tra giấy phép lái xe của người lái xe phù hợp với phương tiện lưu hành. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng không nên gửi con cho các xe tự chế hoặc xe ô tô không đủ điều kiện để bảo đảm an toàn cho con em mình.

Sự việc xảy ra tại Trường quốc tế Gateway ở Hà Nội là bài học cho các trường đang tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô dịch vụ. Mặc dù tại Thái Bình chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nhưng cũng không vì thế mà các trường học đang sử dụng dịch vụ này chủ quan, lơ là. Điều quan trọng nhất là gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng giám sát dịch vụ xe đưa đón trẻ để trẻ đến trường mỗi ngày là một ngày vui.

Minh Nguyệt - Đặng Anh 

  • Từ khóa