Thứ 5, 16/01/2025, 02:54[GMT+7]

Nhận diện và giải pháp ngăn chặn "tín dụng đen" (Kỳ 1)

Thứ 5, 22/08/2019 | 09:49:35
4,138 lượt xem
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đã len lỏi từ nông thôn đến thành thị, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân, gây mất an ninh trật tự trong xã hội... Vậy làm cách nào để nhận diện được “tín dụng đen” và cần có giải pháp gì để ngăn chặn?

Chỉ cần alo là có thể vay tiền ngay mà không cần tài sản thế chấp

KỲ 1: Vay tiền dễ như "tín dụng đen"

Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, giải ngân nhanh chóng với số tiền vay không giới hạn. Thế nhưng một khi đã lỡ sa chân vào “tín dụng đen”, chữ ký còn chưa ráo mực thì “thân chủ” mặc nhiên trở thành “khổ chủ” của chiếc bẫy tinh vi, gánh trên vai món nợ với lãi suất “cắt cổ”.

Alo là có tiền!

Alo là có tiền! không cần phải thế chấp, chỉ cần có chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe hoặc hộ khẩu thì bất kỳ ai cũng có thể vay được số tiền từ vài chục đến cả trăm triệu đồng và có thể nhận tiền ngay. Những tờ quảng cáo cho vay tiền với nội dung như thế này được dán, treo khắp mọi nơi: tụ điện, cột điện, tường nhà, tường bao, thân cây và xuất hiện từ đường lớn đến ngõ hẻm. Tờ trước bị xóa đi, tờ sau lại được dán lên tạo cho người dân cảm giác vay tiền rất dễ dàng. Và cũng chỉ cần vài cái kích chuột trên các trang Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh” sẽ  xuất hiện nhan nhản các website cho vay tiền siêu nhanh. Thông điệp đưa ra cũng rất hấp dẫn: “Điện thoại dứt tay, tiền ngay bên cạnh”, “Có chứng minh thư là có tiền ngay”,  “Cho vay lãi suất thấp”, “Hỗ trợ tài chính cho người khó khăn”, “Cho vay không thế chấp”... kèm theo số điện thoại liên lạc. Để hấp dẫn hơn nữa, có website còn đưa ra đủ chiêu trò như cho vay với lãi suất 0%/năm trong 10 ngày đầu tiên, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%; thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận. Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ chúng tôi mới vỡ lẽ vay tiền không dễ như lời đường mật quảng cáo.

Những tờ quảng cáo cho vay tiền nhanh được quảng cáo ở mọi nơi

Theo số điện thoại quảng cáo, chúng tôi liên hệ với người cho vay tiền. Đầu dây bên kia có người đàn ông trả lời. Sau khi hỏi tên, địa chỉ khách hàng cần vay tiền, người đàn ông này nói: “Anh chỉ cần xuất trình chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu bản gốc và hợp đồng lao động mà không cần tài sản thế chấp. Để vay được tiền, anh phải cung cấp cho chúng tôi 4 số điện thoại của người thân để xác nhận thông tin có đúng sự thật hay không. Sau khi kiểm tra các thông tin, chúng tôi sẽ cho người đến chỗ ở và nơi làm việc của anh để xác minh, nếu hoàn thiện các thủ tục chỉ khoảng một giờ đồng hồ là anh nhận được tiền. Ở đây, chúng tôi cho vay theo hình thức trả góp hay còn gọi là bốc họ. Anh sẽ bị cắt trước tiền lãi và tiền gốc trả dần hàng ngày theo định mức số tiền vay. Nếu vay 10 triệu đồng, anh chỉ được cầm về 8 triệu đồng và phải trả 200.000 đồng/ngày trong vòng 50 ngày. Nghĩa là anh sẽ bị khấu trừ ngay 20% trong tổng số tiền vay”.

Không như những lời quảng cáo

Đã có nhiều người dân vì cần tiền, tin theo những lời chào mời cho vay không thế chấp đã chấp nhận những khoản vay với lãi suất “cắt cổ”. 

Anh Nguyễn Xuân H, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho biết: Em tôi là sinh viên của một trường đại học, vì cần tiền chi tiêu cá nhân nên đã vay nóng 10 triệu đồng của  một đối tượng chuyên cho vay nặng lãi ở thành phố Thái Bình. Đến hạn trả tiền nhưng em tôi không có tiền thanh toán, cứ vài ngày các đối tượng lại đến tận nhà đòi nợ nên em tôi đã trốn đi. Tiền lãi, tiền gốc cộng dồn rồi lại phát sinh thêm lãi, cuối cùng gia đình tôi gọi em về, gặp đối tượng cho vay thanh toán cả gốc và lãi hết 18 triệu đồng trong thời gian chưa đầy 5 tháng.

Các công ty hỗ trợ tài chính xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn

Thực tế, bên cạnh những người vay tiền để chơi cờ bạc, tệ nạn xã hội cũng có không ít người nghèo, người buôn bán nhỏ cần vay vốn để kinh doanh kiếm sống trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”. Cần tiền gấp mà không biết xoay sở ở đâu, những người này trong lúc bí bách đã tìm đến “tín dụng đen” trên tờ rơi quảng cáo, trên mạng hoặc qua lời giới thiệu của người quen mà không lường hết được hậu quả. 

Anh Hoàng Văn Tuấn, ở xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) kể: Mẹ anh quê ở huyện Tiền Hải chỉ vì muốn nuôi gà nên đầu năm 2018 đã vay của một người trong xã 2 triệu đồng mua gà giống. Chỉ biết khoản vay phải trả lãi nhưng bà lại không biết tính cụ thể số lãi là bao nhiêu, cứ nghĩ người làng ai lại lấy lãi cao. Thế nhưng gà nuôi bị bệnh chết nên “cụt” mất cả vốn, bà cứ khất lần mãi không trả được tiền. Đến cuối năm, bà tá hỏa khi số tiền cả lãi và gốc lên đến 10 triệu đồng, không có tiền thanh toán, chủ nợ ngày nào cũng đến thúc ép, đe dọa yêu cầu bà phải trả tiền, không sao được bà đành phải gọi con trai về trả hộ.  

Hay như anh Đào Xuân Q, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ cho biết: Vì cần vốn làm ăn nên anh vay nóng ở ngoài số tiền 100 triệu đồng với lãi suất 200.000 đồng/ngày mà đối tượng cho vay bảo với anh là lãi rất “hữu nghị” vì chỗ quen biết. Thế nhưng, mỗi tháng anh Q phải thanh toán tiền lãi 6 triệu đồng, tính ra lãi suất 72%/năm, cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con, gần 2 năm anh vẫn chưa trả được nợ, số tiền vay cộng dồn gấp gần 3 lần số tiền vay ban đầu nên anh Q đành phải bán tài sản, vay mượn tiền của người thân để trả nợ.

Đây chỉ là những trường hợp chúng tôi biết được qua tìm hiểu thông tin. Còn theo cơ quan công an, thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp vay tiền để giải quyết nợ nần, đầu tư làm ăn hay vay tiêu dùng nhưng do không tìm hiểu kỹ đã tìm đến “tín dụng đen” và dẫn đến nợ nần và để lại những hậu quả khôn lường. Nếu chấp nhận trả đúng, trả đủ số tiền vay thì người vay cũng phải chịu một mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất thông thường của các tổ chức tín dụng. Có nhiều trường hợp do vay mượn với lãi suất “cắt cổ” không có khả năng chi trả dẫn đến phải bán nhà, đất để trả nợ. Đối với những trường hợp không có tài sản để trừ nợ, các chủ nợ cũng tìm đến gây sự và giải quyết theo kiểu “xã hội đen”. Nhiều trường hợp bị đánh đập, phá hoại nhà cửa cũng chỉ vì đổ nợ do vay mượn từ “tín dụng đen”.

(Còn nữa)

Nguyễn Hình - Nguyễn Tùng


  • Từ khóa