Thứ 7, 23/11/2024, 09:19[GMT+7]

Thái Thụy gỡ khó việc sáp nhập thôn

Thứ 6, 23/08/2019 | 09:20:05
3,515 lượt xem
Trong quá trình thực hiện việc sáp nhập thôn tại một số xã trên địa bàn huyện Thái Thụy đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến nay, công tác sáp nhập thôn trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Thôn Nghĩa Chử, xã Thụy Duyên (Thái Thụy) có quy mô dưới 150 hộ.

Thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn trên địa bàn huyện, xã Thụy Duyên có thôn Nghĩa Chử không bảo đảm quy mô hộ gia đình nên phải sáp nhập với thôn liền kề là Duyên Trữ. Việc triển khai sáp nhập hai thôn trên thành một thôn (dự kiến là Duyên Nghĩa) đã được xã thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy trình các bước theo kế hoạch của huyện. Tuy nhiên, trong quá trình địa phương triển khai sáp nhập, nhiều gia đình trong thôn Nghĩa Chử chưa đồng thuận về đề án sáp nhập thôn. Bà Nguyễn Thị Nhẹn, Trưởng thôn Nghĩa Chử cho biết: Trong quá trình thôn tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập thôn nhiều cử tri chưa đồng thuận với những lý do đưa ra như: muốn giữ nguyên thôn cũ vì yếu tố lịch sử, văn hóa, thuần phong, mỹ tục, cơ sở văn hóa đã có từ lâu; thôn đã hoàn thành các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới nếu sáp nhập xây dựng lại nên không muốn tiếp tục đóng góp... Mặc dù, trước đó thôn đã tích cực tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, văn bản chỉ đạo sáp nhập thôn đến đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên trong thôn.

Theo ông Vũ Trọng Phới, Chủ tịch UBND xã Thụy Duyên: Trước khó khăn, vướng mắc trên, xã báo cáo huyện để tiếp thu ý kiến chỉ đạo đồng thời chủ động đề ra các phương án, giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Ban chỉ đạo sáp nhập thôn trên địa bàn xã tổ chức họp rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai xin ý kiến lại của cử tri thôn Nghĩa Chử. Trước khi tổ chức xin ý kiến lại của cử tri, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, pháp luật, mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn. Đồng thời, phân công lãnh đạo xã, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp với Ban công tác mặt trận thôn Nghĩa Chử đến từng gia đình tuyên truyền, vận động các hộ chấp thuận về đề án sáp nhập thôn. Nhiều cử tri chưa chấp thuận trước đây sau khi được tuyên truyền, vận động đã đồng thuận với đề án sáp nhập thôn. Từ đó, bảo đảm có đủ tỷ lệ số hộ trong thôn tán thành để thực hiện sáp nhập. Đến nay, xã đã trình HĐND xã thông qua đề án sáp nhập thôn và hoàn thiện hồ sơ trình huyện, tỉnh.

Theo kế hoạch, huyện Thái Thụy có 17 thôn ở 14 xã không đủ tiêu chuẩn phải sáp nhập với 15 thôn liền kề trong cùng đơn vị hành chính cấp xã thành 16 thôn mới. Để thực hiện thành công mục tiêu sáp nhập, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sáp nhập thôn bảo đảm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện. Ban Chỉ đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện và tổ giúp việc thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc sáp nhập thôn, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Việc triển khai sáp nhập thôn được các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định, luôn coi trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo đảm không làm xáo trộn đời sống và sinh hoạt của người dân.

Với sự chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống thôn và sự đồng thuận của người dân, đến nay, kế hoạch sáp nhập thôn trên địa bàn huyện Thái Thụy đang được triển khai đúng lộ trình, kế hoạch. Tính đến ngày 14/8, có 14/14 xã đã hoàn thành bước xin ý kiến cử tri, trình HĐND xã thông qua đề án sáp nhập thôn trên địa bàn và hoàn thiện hồ sơ gửi UBND huyện để trình tỉnh.  

Trần Tuấn

  • Từ khóa