Thứ 3, 24/12/2024, 02:01[GMT+7]

Nâng cao thu nhập cho người nông dân

Thứ 2, 21/10/2019 | 17:27:04
1,686 lượt xem
Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3312/QĐ-UBND ngày 29/12/2015. Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện đề án, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Chăn nuôi lợn ở xã Bách Thuận (Vũ Thư)

Đồng chí Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mục tiêu của đề án là: Nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tăng quy mô hộ sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các tác nhân, nhất là giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân (hay các HTX, tổ nhóm).

3 năm qua (2016 - 2018) mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là về trồng trọt và chăn nuôi nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh vẫn đạt kết quả khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm đạt 3,28%. 6 tháng đầu năm 2019, do diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi lợn của tỉnh nên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 13.754,3 tỷ đồng, bằng 97,62% so với cùng kỳ năm 2018. Ước tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 2,7%/năm, đạt mục tiêu trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng bình quân từ 2,5%/năm trở lên.

Trong trồng trọt, hiện 98% diện tích sản xuất là giống lúa ngắn ngày (nhóm lúa năng suất cao chiếm 65%, nhóm lúa gạo chất lượng chiếm 35%). Sản xuất vụ đông chiếm 24 - 25% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Từ 2016 đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi trên 2.200ha trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Diện tích cây ăn quả 5.780ha, tăng 44 ha so với năm 2016, hiệu quả cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Đến nay, tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.348,08ha (quy mô từ 5ha trở lên là trên 2000ha). Đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án có quy mô diện tích lớn, tổng mức đầu tư cao như: dự án đầu tư Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ của liên doanh Tập đoàn Trường Hải và Lộc Trời, dự án trồng rau xuất khẩu của Tập đoàn TH, dự án nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco… Có 236 HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các hộ xã viên với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết là 10.778ha, tăng 5.970ha so với năm 2015.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hình thức trang trại, giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Năm 2018, toàn tỉnh có 736 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, 7.241 gia trại và trên 70.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Có 20 tổ hợp tác, HTX chăn nuôi được hình thành mang lại hiệu quả cao và 4 doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với các trang trại chăn nuôi. Đàn lợn hiện duy trì khoảng 1 triệu con, đàn lợn có tỷ lệ nạc cao chiếm 80%. Các tháng đầu năm 2019 do bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn giảm mạnh. Đàn gia cầm tăng trung bình 3,4%/năm, năm 2018 đạt trên 13 triệu con. Đàn trâu bò hiện là 54.800 con, trong đó bò lai Sind chiếm trên 90%.

Trong lĩnh vực thủy sản, bà con tập trung đa dạng các đối tượng nuôi, trong đó tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao là những đối tượng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến năm 2018, tổng diện tích nuôi ngao đạt 3.069ha, sản lượng ngao nuôi tăng 24,2% so với năm 2016; diện tích thủy sản nước lợ tiếp tục được mở rộng và đạt 3.619,5ha, diện tích thủy sản nước ngọt đã chuyển đổi từ diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả là 779,62ha, tăng 92,3ha so với năm 2016, tổng số lồng cá nuôi trên sông là 528 lồng, tăng 5,18% so với năm 2016.

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã có kết quả bước đầu song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các mô hình chuyển đổi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn ít; việc tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và hộ nông dân chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lỏng lẻo, chưa bền vững. Thị trường và định hướng thị trường để tổ chức sản xuất còn thiếu và yếu, còn ít doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Dẫn đến một số chỉ tiêu của đề án dự kiến khó đạt hoặc không đạt như chỉ tiêu về diện tích đất tích tụ, đưa 40% số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ đã được quy hoạch… Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, việc tích tụ ruộng đất còn gặp khó khăn do cơ chế, chính sách của nhà nước còn chồng chéo; bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai và biến đổi khí hậu; việc nghiên cứu, triển khai thực hiện nội dung của đề án của ngành Nông nghiệp, của cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng còn hạn chế.

Để khắc phục khó khăn, hạn chế, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề án đã nêu, UBND tỉnh đã trình kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh và đã được HĐND tỉnh thông qua đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Ngành Nông nghiệp đang xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang cây trồng ngắn ngày khác, cây ăn quả và cây lâu năm để tổ chức thực hiện. Về lĩnh vực thủy sản sẽ triển khai cơ cấu lại gắn với việc đầu tư Khu kinh tế Thái Bình. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề suất với Chính phủ sớm có ý kiến và cho phép thực hiện đề án “Thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ 2 dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng với nông nghiệp của tỉnh do Tập đoàn Trường Hải - Lộc Trời, Tập đoàn TH đầu tư. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho các đối tượng được vay vốn để đầu tư, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

  • Từ khóa