Chủ nhật, 24/11/2024, 20:47[GMT+7]

Đình Trong - những gì tôi nhớ

Thứ 2, 26/08/2019 | 08:38:42
3,422 lượt xem
Đình Trong của làng La Điền, xã Tự Tân (Vũ Thư) nằm trên đất xóm Nam Long. Đình là chốn linh thiêng, thờ cúng thần hoàng làng - người góp công cứu nước thuở xa xưa; là nơi tế lễ đậm nét văn hóa tâm linh, nơi hội họp, làm việc của chức việc làng, tổng; là chứng tích đau thương, hào hùng của làng những năm đánh Pháp. Cả một đời bó bện với làng, lại ưa thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa, cha tôi hiểu sâu sắc và truyền dạy cho anh em chúng tôi những điều đó.

Ảnh minh họa

Tôi biết chắc, đình Trong - đình Cháy trong thời kháng chiến chống Pháp, là cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc xã, cha tôi đã nhiều lần hội họp ở đây, lúc địch chưa phóng hỏa thiêu đốt đình (nên đình có tên gọi là đình Cháy). Rồi hòa bình, làm văn hóa xã, cha tôi cũng tham gia đội văn nghệ La Điền, cũng diễn tuồng, diễn chèo cùng các bác, các anh chị ở sân đình. Tuổi ấu thơ và lúc chớm vào tuổi thanh niên, tôi có nhiều kỷ niệm với đình Ngoài, đình Trong.

Làng La Điền gồm bốn xóm: Đông An, Nam Long, Kiều Mộc (Gòi, Trại Vạn), Bắc Sơn (xóm Trại). Làng có hai ngôi đình. Có lẽ tính từ ngoài quốc lộ 10 vào mà mọi người làng gọi rồi thành quen: đình Ngoài, đình Trong. Khác với đình Ngoài, thuở tôi còn chưa thoát ly đi học rồi đi công tác, chỉ có một nhà dân (nhà ông Trại) ở để trông nom, coi sóc đình, chùa, đình Trong có rất nhiều nhà dân sum vầy. Qua cổng làng xây gạch bề thế, vững chắc, rẽ trái ngay là đất đình - cả sân và hồ sen, hồ súng trước cửa đình. Ra đồng, sang xóm bên, sang xã... đều đi qua cổng làng, nghĩa là được dịp trông đình. Tôi chưa được xem, được dự tế lễ ở đình Trong khi đình chưa cháy mà có được dự thì lúc ấy còn bé quá, không nhớ nổi. Nhưng tôi lại yêu và gần gũi với đình đến kỳ lạ.

Tôi bơi lội, ngụp lặn mò củ súng ở hồ trước cửa đình cùng chúng bạn. Vì hồ rộng, nước thông hai đầu bởi hai mương lạch nên không tù đọng mà trong mát, không thả cá nên không có “gáu” như tắm ao. Tôi hay vào nhà bà ngoại ở, ăn, phụ giúp bà nuôi tằm (nhà bà ngoại tôi cách đình chừng hơn trăm mét, nay đất của ông bà tôi hiến cho họ ngoại làm nhà thờ họ).

Tôi học lớp 2 ở đình Trong do thầy Phúc dạy. Tôi say mê những đêm diễn chèo, diễn tuồng ở sân đình. Sân khấu được dựng từ sáng bởi bàn học sinh, bàn mượn nhà dân; tre, luồng... cũng đi mượn. Đội văn nghệ La Điền nổi tiếng khắp vùng, giành giải ở tỉnh, huyện. Tôi nhớ các nhạc công, diễn viên: ông Hịnh, ông Khảm, ông Khiêm, ông Trất, ông Giảm, ông Nhơn, cô Ky (Hùy), anh Nội, chị Đào, chị Thân, chị Tuyết (Thú), cô Khuyên, anh Ruyện... Cha tôi khi viết kịch, khi viết lời cho người dẫn chương trình, có khi cũng làm diễn viên. Những đêm diễn chèo, sân đình Trong không còn chỗ trống. Tụi nhỏ chúng tôi trèo cả lên cây nhãn để xem.

Đình Trong là niềm tự hào, là nỗi nhớ, lòng biết ơn của người đi xa. Đây từng là nơi làm lễ xuất quân, là nơi lưu giữ lời thề ra trận của thanh niên làng, nhất là xóm Nam Long. Có người đã hóa thân thành đất nước như Bùi Văn Chiền, Cao Quý Trạm, Cao Sỹ Yêm, Trần Văn Tân, Trần Cao Mại, Trần Trọng Kim, Trần Văn Đạm, Đặng Văn Nam, Cao Văn Ơn, Cao Văn Miễu, Phạm Văn Quyến, Cao Văn Noãn, Cao Văn Bôn... Có người trở thành sĩ quan cao cấp, trung cấp của quân đội như: Phạm Văn Chuyển, Trần Xuân Triêm, Cao Bá Chủy, Cao Văn Bào, Đặng Văn Thi...

Đình Trong là hồn cốt làng nuôi dưỡng lớp trí thức mới. Đó là Trần Duy Đoa, Cao Khắc Khoan, Trần Chu Tác, Trần Quốc Khuynh, Phạm Văn Lạo, Phạm Văn Lân, Cao Hòa Riêm, Cao Minh Trí, Cao Gia Nức, Cao Khắc Ngự... và các em, các cháu sau này. Đình Trong cũng là nguồn cảm hứng chắp cánh bay xa cho những tâm hồn nghệ sĩ như Cao Bá Khoát, Cao Thị Chi...

Một thời gian dài, rất dài, do các lý do khác nhau, lễ hội hai đình không được mở hoặc có mở cũng không đầy đủ nghi thức. Những năm gần đây rộn ràng, linh đình lắm, lễ hội La Điền. Phần nghi lễ bảo đảm tôn nghiêm. Phần hội tưng bừng và văn minh. Tín ngưỡng được tôn trọng, mê tín dị đoan, bài bạc bị loại trừ. Có sự kết nối giữa lịch sử, truyền thống với nét tươi mới đương đại. Có khai thác thế mạnh, nét tự hào của làng với sự góp mặt của bầu bạn gần xa. Cũ và mới, không bó mình trong lũy tre xanh, ngay cả trong những đêm văn nghệ, cuộc sống mới của người quê tôi, cũng là đây.

Đình Trong đã được phục dựng. Các lễ hội đã tổ chức đúng mong mỏi người dân và phù hợp với quy định của Nhà nước. Người dân La Điền, dù đang sinh sống ở quê hay ít có dịp về làng, vui và tự hào, cảm ơn cái tâm, cái tầm của những người có trách nhiệm của làng, xã với người xưa, người hôm nay và cả mai sau.

Phạm Ngọc Lanh

(Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang)

  • Từ khóa