Nhận diện và giải pháp ngăn chặn "tín dụng đen" (Kỳ 3)
Kỳ 3 : Đấu tranh với "tín dụng đen"
Làm gia tăng các loại tội phạm
“Tín dụng đen” vay dễ - trả khó kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán”, gây bức xúc trong xã hội, làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm khác, hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động mang tính chất côn đồ, bạo lực gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. “Tín dụng đen” cũng để lại những hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian qua, “tín dụng đen”, tín dụng ngoài ngân hàng lãi suất cao đã gây xáo trộn thị trường tài chính, làm méo mó hoạt động cấp tín dụng, trong đó có hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng. Ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh hoạt động ngân hàng bởi một bộ phận trong dân cư chưa phân biệt được tín dụng ngân hàng và tín dụng ngoài ngân hàng. Trên địa bàn Thái Bình hiện nay có tình trạng một số khách hàng ngoài quan hệ vay vốn ngân hàng vẫn thực hiện vay tiền từ một số cá nhân, tổ chức bên ngoài không phải là tổ chức tín dụng. Khi hoạt động sản xuất gặp khó khăn, không trả được nợ vay, các chủ nợ đến quản lý, tịch thu tài sản (mặc dù các tài sản đã được thế chấp vay vốn ngân hàng), gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý, phát mại tài sản thu hồi nợ vay.
Trước những bức xúc của cử tri và nhân dân về hoạt động của “tín dụng đen” gia tăng, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn đồng chí Giám đốc Công an tỉnh về hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” và các giải pháp của ngành trong đấu tranh, ngăn chặn. Đại tá Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trước hoạt động phức tạp của “tín dụng đen”, ngày 26/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch về việc phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Huy động các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp phòng ngừa, rà soát, phát hiện lập danh sách, lập hồ sơ quản lý đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, thông báo công khai phương thức, thủ đoạn hoạt động cũng như hệ lụy của “tín dụng đen” để người dân biết, cảnh giác không mắc bẫy ‘tín dụng đen”. Lực lượng công an cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Kiểm tra, giám sát, thắt chặt hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở dịch vụ cầm đồ. Đại úy Phạm Tiến Doanh, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết: Trong tháng 4/2019, đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện kịp thời các sai phạm của các doanh nghiệp, các cơ sở. Đối với các lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đoàn kiểm tra kiến nghị với các cơ quan ra quyết định xử lý theo đúng quy định.
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ
Tăng cường đấu tranh
Cùng với giải pháp phòng ngừa, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố tăng cường nắm tình hình, chủ động phát hiện các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để có biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thường xuyên rà soát các số điện thoại quảng cáo ở các nơi công cộng, bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, lập hồ sơ theo dõi, thu thập tài liệu để đấu tranh; tiến hành gọi hỏi răn đe, giáo dục, ký cam kết không vi phạm; dựng lại quy mô, phương thức hoạt động của nhóm cho vay để xử lý, không để móc nối hình thành các băng nhóm hoạt động gây bức xúc; tập trung lực lượng điều tra, làm rõ xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Điển hình: lực lượng công an đã điều tra làm rõ nhóm Phan Văn Hải (sinh năm 1980) ở tỉnh Hà Giang và Tống Huy Hoàng (sinh năm 1991) ở thành phố Thái Bình mở công ty hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ chuyên cho vay với lãi suất cao (20%/tháng) trả theo ngày, thời hạn vay 40 ngày. Trong thời gian từ tháng 9/2018 đến ngày 14/11/2018, các đối tượng đã cho 35 người vay số tiền 650,95 triệu đồng đã thu được 107,41 triệu đồng tiền lãi. Cơ quan điều tra đã thu thập nhiều chứng cứ, đủ căn cứ xử lý hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự của các đối tượng. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến ngày 4/12/2018, đối tượng Tạ Quang Trung ở phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) đã cho 2 chị Phạm Thùy Linh ở phường Đề Thám và Nguyễn Hồng Ngọc ở phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) vay tiền 3 lần với tổng số tiền cho vay là 90 triệu đồng với lãi suất 20.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Hai chị Linh và Ngọc đã trả lãi cho Trung nhiều lần (trong đó Linh trả 28 triệu đồng, Ngọc trả 14 triệu đồng). Đến tháng 6/2018, do không trả được lãi và gốc cho Trung nên Linh, Ngọc thống nhất với chung là 2 người nợ Trung số tiền 280 triệu đồng cả gốc và lãi (mỗi người 140 triệu đồng), lãi suất là 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Linh đã trả gốc cho Trung 6 triệu đồng, Ngọc đã trả gốc cho Trung 10 triệu đồng. Đến ngày 4/12/2018, Linh và Ngọc gặp Trung tại quán karaoke Kim Ngân để trả tiền lãi cho Trung thì bị cơ quan công an bắt giữ. Ngày 22/5/2019, Công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Văn Huấn (sinh năm 1993, trú tại tổ 13, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình) để điều tra về hành vi "cho vay lãi nặng trong hoạt động dân sự". Theo cơ quan điều tra, lợi dụng những người kinh doanh nhỏ lẻ lâm vào tình trạng khó khăn, cần vốn nên Phạm Văn Huấn đã bỏ tiền ra cho vay dưới hình thức bốc họ với lãi suất “cắt cổ”. Tính đến ngày 20/5/2019, cơ quan điều tra Công an thành phố Thái Bình đã xác định có 19 cá nhân vay Phạm Văn Huấn số tiền từ 20 - 50 triệu đồng, tổng số gần 600 triệu đồng với lãi suất lên đến 182%/năm. Ngày 3/6/2019, Công an thành phố Thái Bình đã bắt đối tượng Đặng Thị Thu Phương (sinh năm 1983, trú tại tổ 6, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong hoạt động dân sự. Dưới vỏ bọc là nhân viên tư vấn bảo hiểm, đối tượng Đặng Thị Thu Phương lợi dụng những người kinh doanh nhỏ lẻ lâm vào tình trạng khó khăn, cần vay vốn cho hàng chục người vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đối tượng này đã cho hàng chục người vay số tiền từ 20 - 50 triệu đồng, có người vay Phương hàng trăm triệu đồng với lãi suất lên đến 182%/năm. Nhiều người không chịu được lãi suất cao đã phải tìm mọi cách, thậm chí có người phải cầm cố nhà cửa để trả nợ cho Phương, nếu không phương sẽ cho người đến đe dọa. Cơ quan chức năng bước đầu xác định đến thời điểm bị bắt giam Đặng Thị Thu Phương hưởng lợi gần 200 triệu đồng.
Thời gian qua, lực lượng công an phát hiện một số sai phạm liên quan đến các cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ
Qua công tác đấu tranh, năm 2018 lực lượng công an đã làm rõ 12 vụ, 38 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trong đó đã điều tra, khám phá 2 vụ, 3 đối tượng cho vay nặng lãi; bắt, xử lý 10 vụ, 35 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; từ đầu năm đến nay xử lý 7 vụ, 13 đối tượng, xử phạt hành chính 15 cơ sở có hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Hiện cơ quan công an đang tập trung tiếp tục mở rộng các vụ án để làm rõ hành vi cho vay nặng lãi; đồng thời phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát và tòa án nhân dân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen” bảo đảm xử lý nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật.
(Còn nữa)
Nguyễn Hình – Nguyễn Tùng
Tin cùng chuyên mục
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết 15.01.2025 | 19:24 PM
- Làm chủ quá trình chuyển đổi số bằng doanh nghiệp công nghệ số 15.01.2025 | 19:30 PM
- Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 15.01.2025 | 19:30 PM
- Rực rỡ chào xuân 15.01.2025 | 19:30 PM
- Cách làm tóp mỡ 'đỉnh cao', chuyên nghiệp như người dân làng Triều Khúc 15.01.2025 | 19:30 PM
- Ngô nướng được coi là 'thần dược mùa đông' nhưng đại kỵ với những người này 15.01.2025 | 17:53 PM
- Công bố danh sách cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng 15.01.2025 | 17:48 PM
- Tới 'Thủ phủ' hoa miền Tây những ngày giáp Tết 15.01.2025 | 17:48 PM
- Top 10 điểm đến nội địa và quốc tế được du khách Việt Nam ưa chuộng nhất năm 2024 15.01.2025 | 17:48 PM
- “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” hứa hẹn những màn trình diễn đặc sắc 15.01.2025 | 17:48 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình