Thứ 2, 29/07/2024, 19:13[GMT+7]

Cảm nhận qua cuộc vận động sáng tác về đề tài hậu chiến tranh bằng thơ lục bát

Thứ 4, 28/08/2019 | 08:43:48
2,612 lượt xem
Cuộc xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại hậu quả vô cùng tàn khốc cho nhân dân Việt Nam. Gần 8 triệu người chết, bị thương và hy sinh, 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam/Điôxin.

Ban tổ chức họp sơ kết cuộc vận động sáng tác về đề tài hậu chiến tranh tại Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên.

Hàng triệu người đang phải sống trong đau đớn do thương tật, do di chứng chiến tranh để lại. Hiện thực đó đã tạo nên một chủ thể trong sáng tạo văn học và dần dần hình thành nên chủ đề: Hậu chiến tranh Việt Nam. Hàng nghìn văn nghệ sĩ cả nước đã viết về chủ đề này bằng các thể loại văn học, điện ảnh, truyền hình. Riêng thể loại văn học, các sáng tác như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ ca đã và đang phản ánh một phần hiện thực từ thảm họa chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu, hậu quả không biết còn kéo dài đến bao giờ.

Trong thời gian qua, Câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình phối hợp cùng Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên phát động cuộc sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công. Đó cũng là nguyện vọng của đông đảo văn nghệ sĩ muốn được tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng thơ ca, bằng các tác phẩm văn chương. Thông qua các tác phẩm văn học để tiếp tục khẳng định và ghi nhận sự cống hiến hy sinh của các thế hệ người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Để có ngày đất nước thanh bình hôm nay, biết bao người đã đổ máu, hy sinh.

Cuộc vận động được sự hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân và các văn nghệ sĩ. Đặc biệt các thành viên trong câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình, thành viên trang thơ lục bát mạng xã hội, của các câu lạc bộ văn học trong và ngoài tỉnh tham gia sáng tác. Ban vận động đã nhận được trên 200 tác phẩm của hơn 100 tác giả. Với sự thẩm định khách quan, lấy tiêu chí nghệ thuật là trọng tâm, Ban vận động đã chọn lọc và quyết định tặng thưởng 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C cho 6 tác giả thơ lục bát có tác phẩm xuất sắc.

Chùm thơ 3 bài đạt giải A của tác giả Đỗ Tiếp, một thương binh đặc biệt với những cảm xúc thơ cũng rất đặc biệt. Bài “Hát ru anh đêm trở gió”, Đỗ Tiếp viết:

Mảnh bom cắt xé thịt da
Anh không kêu, chắc vì là thương em
Để em dậy tắt bớt đèn
Để em xoa nhẹ cho mềm cái đau.
Cái đau từ anh thương binh Đỗ Tiếp, hóa thành nỗi đau ngọt ngào nén lại trong thơ anh:
Ngủ đi nào những tái tê
Nỗi đau trần thế gọi về hư không
Quên đi một thuở bão giông
Bình yên sẽ đến trong vòng tay êm.

Đồng cảm với bạn mình, một thương binh, một thi nhân. Trong bài: “Lục bát cho bạn”. Lời thơ Đỗ Tiếp càng đằm thắm và da diết:

Cuộc đời một kiếp phù sinh
Kể chi thế thái, nhân tình đầy vơi
Bạn về “bán chữ” mua vui
Nhặt đau thương trả cho đời yêu tin.

Bài “Vết thương” đạt đải B của tác giả Vũ Bá Lễ miêu tả nỗi đau và tâm trạng của hai con người, mẹ chồng, nàng dâu, chờ đợi và thất vọng. Lời thơ sâu lắng, chân thực mà cảm động vô cùng:

Cao xanh chứng giám nỗi này
Con dâu cùng mẹ hóa... ngày bên nhau
Đêm đêm trùm kín nỗi đau
Trong con, ngoài mẹ nghe nhau thở dài.

Giải B còn có bài “Hoa Đồng Lộc” của tác giả Trần Thanh Loan. Nếu không phải cảm xúc từ đáy lòng mình, thì không thể có những vần thơ lục bát tri ân mười cô gái Đồng Lộc hay và đẹp như thế:

Mười em mười đóa hoa hồng
Trắng trong dâng trọn tấm lòng sắt son
Các em ơi! Có thấu không
Ngát hương bồ kết giữa Đồng Lộc xanh
Thương em hương khói giăng thành
Tình yêu đất nước ngọt lành lời ru.

Ba tác giả đạt giải C, giọng thơ mỗi người mỗi vẻ, sâu sắc và đằm thắm. Tuy vần điệu lục bát lay động khác nhau, nhưng cùng chung một âm hưởng, một tiếng lòng, tri ân những linh hồn hóa thân cho Tổ Quốc.
Bài “Tình mẹ” của tác giả Lại Quốc Biểu thể hiện một phương pháp nghệ thuật thơ vừa ảo, vừa thực, về tấm lòng vĩ đại của một người mẹ, chờ con ra trận, con không trở về:

Thương con trong cả giấc mơ
Quờ tay đêm vắng, thẫn thờ tâm can

Phần cuối bài “Tình mẹ” tứ thơ được chắt lọc, dồn nén. Lại Quốc Biểu làm cho người đọc cảm nhận nỗi đau của người mẹ đến nghẹn lòng:

Ngóng trông sao mãi xa vời
Đón về nắm đất mẹ thời cầm tay
Để rồi: Lưng còng quỵ xuống tình thâm
Mẹ ôm hòn đất nghẹn thầm xót đau

Tác giả Phạm Bá Hà sinh ra từ miền cổ tích xã Thượng Hiền có bài “Con xin mẹ làm dâu” kể về mối tình thủy chung của một cô gái với người chiến binh tử trận, lời thơ chân thật mà làm rung động bao trái tim:

Con về lạy mẹ làm dâu
Mang theo giọt máu lần đầu tìm quê
Chờ anh đi mãi không về
Thân nơi chiến địa, hồn kề con côi.

Giải C còn có tác giả Ngân Hậu, một cây bút nữ với bài “Tìm bạn” có những câu thơ liên tưởng, giàu cảm xúc:

Nấm mồ xưa chẳng vùi sâu
Mảnh tăng gói bạn xé đau ngực mình

Bài “Tìm bạn” tác giả Ngân Hậu còn thể hiện tấm lòng tri kỷ qua những vần thơ dung dị, chân tình. Một sự tri ân bằng thi ca nhẹ nhàng mà sâu nặng:

Bấy lâu giữ nguyện lời thề
Khói nhang quyện nát bốn bề gió sương
Dẫu tàn hết những mảnh xương
Thì xin một nắm đất thương bạn bè.

Sáu gương mặt đạt giải trong cuộc vận động sáng tác về đề tài: Hậu chiến tranh - thương binh liệt sĩ là những dấu ấn mang đậm nét nhân văn. Bên cạnh 6 “bông hoa nở đẹp” hàng trăm tác phẩm không nằm trong khung giải, nhưng vẻ đẹp ý thơ và sự lan tỏa của tác phẩm cũng rất đáng ghi nhận. Nhiều tác giả đã gieo vào lòng người đọc những “mầm thơ lục bát” thiêng liêng đến da diết.

Hơn 200 tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động viết về hậu chiến tranh được tập hợp in trong cuốn: Tri ân, tập sách thứ 7 của Câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình. Đây là một ấn phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi tới bạn đọc và quý vị đại biểu về dự cuộc sơ kết sáng tác. Ban tổ chức tiếp tục phát động cuộc sáng tác thơ lục bát và kịch bản văn học về chủ đề hậu chiến tranh nhằm tôn vinh, tri ân những người có công vì dân, vì nước.

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa