Thứ 2, 25/11/2024, 20:41[GMT+7]

Tự hào bản Tuyên ngôn bất hủ

Thứ 7, 31/08/2019 | 16:29:55
2,880 lượt xem
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 74 năm đã trôi qua với biết bao biến cố lịch sử nhưng bản Tuyên ngôn bất hủ ấy vẫn còn nguyên giá trị, trường tồn cùng lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Từ sáng sớm ngày 2/9/1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần màu đỏ tươi tề tựu tại Quảng trường Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hoa căng ngang đường phố. Ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”... Hàng chục vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân nét mặt hân hoan, phấn khởi chờ đón giờ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Sài Gòn, Huế và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp, đợi chờ hướng về Hà Nội.

Mở đầu Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ tuyên bố bất hủ ấy, Người đã “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ quyền của mọi người trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến nhấn mạnh quyền của mỗi dân tộc là hoàn toàn đúng đắn cả trong nhận thức và hiện thực lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi quyền dân tộc là cái cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền con người. Một dân tộc còn bị áp bức, bị nước khác thống trị, nhân dân còn phải sống trong cảnh nô lệ và bị bóc lột thì không thể nói đến quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập tới bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi”, Người khẳng định, những điều mà nước Mỹ và nước Pháp nêu ra trong tuyên ngôn là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Có thể nói, điều đặc sắc nhất trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam là Bác đã trích dẫn bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1789. Với trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời, trong Tuyên ngôn Độc lập, Người đã đặt lên hàng đầu quyền của mỗi dân tộc được hưởng độc lập, tự do.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam suốt chặng đường lịch sử gần thế kỷ với tinh thần kiên cường, gan góc, từ các phong trào nổi dậy của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến các cao trào cách mạng của nhân dân đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đều hướng đến một mục tiêu cao nhất: giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Bằng cách viết khéo léo, kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Mỹ, người Pháp vừa kiên quyết nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Mỹ, nước Pháp mà nhân dân hai nước đã đổ bao xương máu viết nên, nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam. Người đề cao tư tưởng chính trị chứa đựng trong những lời trích dẫn được ghi bằng chữ vàng trong lịch sử không chỉ của nước Mỹ, nước Pháp mà toàn nhân loại. Mặt khác, Người lên án những hành động xâm phạm, áp bức, chà đạp nhân quyền của bọn xâm lược. Qua đó, Người coi bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc mình như một thứ vũ khí pháp lý, ngoại giao sắc bén để chống lại kẻ thù đồng thời mở ra bước đi đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được.

Trong bối cảnh lúc bấy giờ các thế lực thực dân, đế quốc không dễ gì chấp nhận một nước Việt Nam độc lập mà muốn tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của người Việt Nam. Do vậy, không những trong Tuyên ngôn Độc lập mà ngay cả trong nhiều bài viết, bài nói chuyện sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn muốn dùng chính câu khẩu hiệu: “tự do - bình đẳng - bác ái” mà kẻ thù đang lợi dụng cho công cuộc được gọi là “khai hóa văn minh” ở Việt Nam cũng như ở các nước thuộc địa, để khẳng định cái quyền thiêng liêng đó của một dân tộc. Trong Tuyên ngôn có một nhận xét khái quát: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Ðại thoái vị”, khẳng định thực tế đó cho thấy dân ta lập nên chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là việc đương nhiên, không thể để một xã hội bị hỗn loạn nếu không có chính quyền nào quản lý. Tuyên ngôn Độc lập kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc thấu hiểu bên trong tiếng nói của trí tuệ là tiếng nói của trái tim. Với tầm nhìn xa trông rộng, sự tiên đoán khoa học, sự nhạy cảm chính trị và thông hiểu tình hình thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Nước ta phải mất gần một thế kỷ, đổ bao máu xương mới giành được chính quyền. Song, để tất cả các nước trên thế giới công nhận nền độc lập mà ta vừa giành được còn khó gấp bội. Ngay từ khi khởi thảo bản Tuyên ngôn, Người muốn bản Tuyên ngôn như một vũ khí pháp lý - ngoại giao đặc biệt sắc bén chống lại kẻ thù đồng thời cũng là bước đi đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc ở thời khắc vô cùng khó khăn của lịch sử. Như vậy, độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ là ý tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn Độc lập. Đó cũng là mục đích lớn nhất trong sự nghiệp làm cách mạng của Hồ Chí Minh. Trước, sau, Người vẫn luôn trăn trở, luôn tìm mọi cách để khẳng định cái quyền mà hiển nhiên người Việt Nam phải được hưởng.

Tuyên ngôn Độc lập vừa là văn kiện chính trị quan trọng của dân tộc vừa là văn kiện lập quốc vĩ đại, chứa đựng những tư tưởng triết học, chính trị, pháp luật đặc sắc. Những tư tưởng của Người trong Tuyên ngôn Độc lập không chỉ góp phần khai sinh ra nước Việt Nam mà còn là nền tảng, nguồn cổ vũ lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức đồng lòng viết nên những trang sử vĩ đại nhất ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vĩ đại ở thế kỷ XXI. “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 trước quốc dân đồng bào đã được các thế hệ người dân Việt Nam thực hiện trong suốt 74 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn luôn đoàn kết, đồng tâm nhất trí, vươn tới sự tự khẳng định với tư cách là một quốc gia, một dân tộc với một lòng tự hào, tự tôn dân tộc chính đáng. Lời tuyên bố độc lập đó trở thành một giá trị tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

74 năm đã trôi qua kể từ ngày 2/9/1945 khi bản Tuyên ngôn Độc lập vang lên trên Quảng trường Ba Đình, lịch sử dân tộc ta đã sang trang mới, từng bước tạo ra thế và lực mới, vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập. Trong xu thế phát triển năng động ấy, bên cạnh những thuận lợi, dân tộc Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch luôn sử dụng chiêu bài dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền… để chống phá Đảng và Nhà nước ta, do đó chúng ta cần xác định rõ đối tượng, đối tác trong xu thế hợp tác quốc tế.

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, những người con đất Việt dù đang ở trong nước hoặc xa quê hương chắc chắn không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhớ về những năm tháng hào hùng và sôi sục khí thế cách mạng. Chúng ta sẽ không thể nào quên những giây phút lịch sử của ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù cho năm tháng qua đi nhưng tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập vẫn đời đời bất diệt!

Nguyễn Thanh Hoàng
(Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)

  • Từ khóa