Chủ nhật, 24/11/2024, 10:42[GMT+7]

Tự hào góp mặt trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam

Thứ 3, 03/09/2019 | 09:04:35
941 lượt xem
Ngày 23/8, tại Hà Nội, lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019 được tổ chức. Trong 74 tác giả trên cả nước, Thái Bình tự hào có 2 tác giả, trong đó bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngày 23/8, tại Hà Nội, lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019 được tổ chức. Trong 74 tác giả trên cả nước, Thái Bình tự hào có 2 tác giả, trong đó bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Trưởng khoa Nội tim mạch góp mặt với sản phẩm “Áp dụng giá trị ứng dụng của điện tâm đồ và siêu âm tim trong chẩn đoán vị trí tổn thương động mạch vành trên bệnh nhân chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình”. Sản phẩm này đã từng đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh năm 2016 - 2017.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung chia sẻ lý do mà chị đầu tư nghiên cứu hai ứng dụng kỹ thuật này trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp bởi những trăn trở xuất phát từ chính thực tế công tác điều trị bệnh lý tim mạch những năm gần đây. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như hầu hết các bệnh viện trên cả nước, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch đã tăng lên nhanh chóng, trong đó đặc biệt với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim với bệnh cảnh lâm sàng rất nặng, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Khác với những căn bệnh khác, với bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim, cái chết có thể sẽ diễn ra rất nhanh chóng khi bản thân người bệnh trước đó đang rất khỏe mạnh. Chứng kiến sự đau khổ, hụt hẫng đến tột cùng của gia đình người bệnh luôn là nỗi ám ảnh đối với nữ bác sĩ. Mong muốn làm điều gì đó để kéo những người bệnh vốn đang khỏe mạnh từ tay thần chết trở về với gia đình, người thân luôn làm chị suy nghĩ và nung nấu phải làm điều gì đó lớn hơn. Ý tưởng kết hợp cả hai ứng dụng điện tâm đồ và siêu âm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp đã hình thành.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung chia sẻ thêm, trước đó cả trên thế giới và Việt Nam đã từng có các giáo sư, tiến sĩ y khoa nghiên cứu về ứng dụng của điện tâm đồ hoặc siêu âm trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim song đó chỉ là những nghiên cứu đơn lẻ, chưa có nghiên cứu về phối hợp hai kỹ thuật này nên vì thế kết quả chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp đạt được mới chỉ dừng lại ở những mức độ nhất định, chưa đem lại kết quả chẩn đoán tổng quát, cụ thể, chi tiết về vị trí, mức độ tổn thương. 

Việc nghiên cứu ứng dụng kết hợp cả điện tâm đồ và siêu âm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp được bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung chính thức bắt tay vào nghiên cứu từ tháng 1/2014. Đó cũng là thời gian mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có điều kiện để trang bị kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành. Trong suốt ba năm, đã có 171 bệnh nhân được theo dõi, đánh giá cụ thể, tỷ mỷ từ lúc nhập viện đến khi ra viện bằng việc phối hợp cả hai kỹ thuật điện tâm đồ và siêu âm tim để chẩn đoán vị trí tổn thương động mạch vành, trong đó có so sánh với kết quả chụp động mạch vành qua da từ các bệnh viện trung ương đã đem lại nhiều kết quả mong đợi. Việc phối hợp điện tâm đồ và siêu âm trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp có kết quả tương đồng với chẩn đoán bởi kỹ thuật chụp động mạch vành qua da. Song điều đặc biệt là kỹ thuật này có tác dụng chẩn đoán nhưng không xâm lấn, không gây chảy máu, không gây đau và không nguy hiểm. Phương pháp được tiến hành đơn giản, chi phí không tốn kém có thể làm được ở mọi thời điểm, mọi vị trí, mọi đối tượng kể cả với người già, phụ nữ và trẻ em. 

Đây thực sự là điểm mới, điểm sáng tạo trong việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhồi máu cơ tim, từ đó giảm tỷ lệ tử vong, các biến cố tim mạch như: suy tim, đau ngực tái phát, nhồi máu cơ tim tái phát, huyết khối buồng tim, tai biến mạch não do tim... do nhồi máu cơ tim gây ra, từ đó làm giảm chi phí điều trị đồng thời làm tăng chất lượng cuộc sống cho nhóm bệnh nhân này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung trong công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán chính xác nhồi máu cơ tim cấp và định vị động mạch vành tổn thương ngay từ khi tiếp cận bệnh nhân đã giúp bác sĩ thực hành tiên lượng bệnh nhân nhanh và hoạch định chiến lược điều trị tối ưu nhằm cải thiện tỷ lệ tử vong, đặc biệt là đối với các bệnh viện chưa có điều kiện trang bị kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành. 

Qua nghiên cứu, với bệnh nhân được ứng dụng bằng kỹ thuật này, tỷ lệ ngày điều trị giảm trung bình là 12 ngày/bệnh nhân. Bởi kết quả đạt được, hiện nay kỹ thuật đã được áp dụng thường xuyên tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tỷ lệ chẩn đoán đúng đạt trên 80%, gần như không có sai sót chuyên môn, biến chứng chưa đến 2%, đây là kết quả điều trị mà ít có bệnh viện tuyến tỉnh nào đạt được. 

Từ kết quả của đề tài nghiên cứu này, hiện nay việc ứng dụng kỹ thuật được triển khai thường xuyên tại các chuyên khoa nội tim mạch, hồi sức cấp cứu, khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Theo bác sĩ Hà Quốc Phòng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung và các đồng nghiệp đã đóng góp rất lớn vào việc triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh những năm gần đây. Vì vậy, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị ứng dụng kỹ thuật điều trị tim mạch phát triển bậc nhất của các bệnh viện đa khoa địa phương trong khu vực.

Điều ý nghĩa và đặc biệt giá trị đây cũng là phương pháp hoàn toàn mới trong xác định vị trí tổn thương động mạch vành mà chưa có tác giả nào nghiên cứu. Chính bởi những điểm mới với nhiều giá trị thực tiễn, sản phẩm khoa học của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung đã được góp mặt trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019. 

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, đến nay, Thái Bình có tổng số 7 sản phẩm được chọn vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam trong đó sản phẩm “Áp dụng giá trị ứng dụng của điện tâm đồ và siêu âm tim trong chẩn đoán vị trí tổn thương động mạch vành trên bệnh nhân chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình” là sản phẩm thứ hai của ngành Y tế. 

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung chia sẻ, được góp mặt trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam vừa là niềm vui đồng thời cũng là động lực tiếp thêm cho chị sức mạnh trên con đường nghiên cứu khoa học vì sức khỏe và cuộc sống của người bệnh mà dù vất vả, chị vẫn đang và sẽ bước tiếp.

TRẦN HƯƠNG

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa