Chủ nhật, 28/07/2024, 05:39[GMT+7]

An Ninh diệt chuột hiệu quả

Thứ 4, 04/09/2019 | 08:44:13
1,886 lượt xem
Hiện nay, trong khi nhiều nơi, nông dân đang phải xoay sở tìm mọi phương pháp bảo vệ lúa mùa trước nạn chuột cắn phá thì tại xã An Ninh (Quỳnh Phụ), các tổ diệt chuột hoạt động hiệu quả cùng với phong trào diệt chuột sôi nổi trong nhân dân nhờ đó lúa, cây màu được bảo vệ an toàn.

Cán bộ HTX DVNN xã An Ninh kiểm đếm chuột thu mua của người dân.

Từ nhiều ngày nay, trụ sở HTX DVNN xã An Ninh đông vui, nhộn nhịp hẳn lên, bao lớn, bao nhỏ đựng chuột là thành quả của cả đêm đánh bắt, bẫy được tập kết tại sân HTX, có con chuột nặng gần 1kg. Trung bình, mỗi ngày, HTX thu mua từ 400 - 700 con chuột, cao điểm lên tới trên 1.300 con. Bà Nguyễn Thị Thảng, thôn Phố Lầy cho biết: Gia đình tôi gieo cấy 1,5 mẫu ruộng. Từ đầu vụ mùa đến nay, hưởng ứng phong trào diệt chuột do xã phát động, gia đình tôi huy động 6 người tổ chức đặt bẫy, đánh bắt buổi tối. Lượng chuột bắt được đến nay ước chừng trên 300 con. Người dân hăng hái đánh bắt chuột, đội diệt chuột của HTX cũng hoạt động rất hiệu quả nên lúa và cây màu được bảo vệ an toàn, tình trạng chuột cắn phá hầu như không còn.

Ông Vũ Như Hai, Phó Giám đốc HTX DVNN xã An Ninh cho biết: Những năm gần đây, tình trạng chuột phá hại mùa màng tăng rõ rệt. Với địa hình rộng, đồng đất xen kẹp khu dân cư, khu công nghiệp, vùng chuyển đổi trồng cây lâu năm cùng với phong trào trồng cây màu phát triển khiến công tác diệt chuột trở nên khó khăn. HTX đã tham khảo cách thức diệt chuột ở một số HTX trong tỉnh, đặt vấn đề với một số công ty diệt chuột có uy tín nhưng sau khi về khảo sát, các đơn vị này đều lắc đầu quay đi vì địa hình phức tạp, khó bảo đảm hiệu quả đánh bắt. Vì vậy, HTX xác định diệt chuột là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm năng suất, giá trị ngành trồng trọt, trong đó phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để huy động sự tham gia của người dân, tạo thành phong trào đồng loạt. Sau đại hội thường niên đầu năm 2019, các thành viên trong HTX nhất trí thành lập đội diệt chuột với mức phí đóng góp 2kg thóc/sào/năm, HTX đã xây dựng kế hoạch, thành lập đội đánh bắt chuột với 25 thành viên chia thành 8 tổ ở 8/8 thôn. Từ khi lúa cấy xong đến nay, từ 4 giờ chiều đến đêm, các thành viên trong tổ lại vác bao, bẫy đi khắp các xứ đồng, đặt từng chiếc theo vị trí chuột hay đi lại, các lỗ và những chỗ bị cắn phá; trang bị gậy, đèn pin để đánh, bắt thủ công. Cùng với hoạt động của đội diệt chuột, HTX đã thông báo kế hoạch sản xuất, kế hoạch diệt chuột đến từng thôn, có các bài viết phát động chiến dịch diệt chuột trên loa truyền thanh xã để huy động sự chung tay vào cuộc của người dân. Đích thân đồng chí Chủ tịch UBND xã xắn quần lội ruộng cùng đội diệt chuột đánh chuột đêm, nhờ đó đã nâng cao trách nhiệm của người dân với đồng ruộng. Thời điểm lúa mới cấy, buổi tối, khắp các xứ đồng, nhà nhà ra ruộng bắt chuột đông vui như trẩy hội. Tính riêng vụ mùa, đến nay chúng tôi đã tổ chức thu mua chuột 4 đợt, với giá 2.000 đồng/con, tổng lượng chuột 3 đợt đầu là 15.747 con; riêng đợt 4 thu mua từ ngày 22/6 - 28/6 được 3.700 con, dự kiến thời gian thu mua còn kéo dài bởi lượng chuột đánh bắt được mỗi ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Cùng với đánh bắt thủ công, HTX đã sử dụng trên 70kg thuốc diệt chuột vi sinh để rải mồi, trang bị trên 1.000 bẫy chuột mặt trăng để đặt trên các xứ đồng, cho thành viên mượn đặt trên ruộng nhà mình. Năm 2019, chi phí để diệt chuột mà HTX bỏ ra khoảng 160 triệu đồng.

Ông Chu Công Tình, thành viên đội diệt chuột cho biết: Chúng tôi được phân công phụ trách cánh đồng thôn Phố Lầy. Mỗi chiến dịch diệt chuột, hầu như chúng tôi đi bắt chuột cả đêm bởi trời tối chuột mới chui ra khỏi hang để cắn lúa. Giai đoạn này, khi lúa chuẩn bị trỗ bông là thời điểm quyết định tới năng suất, sản lượng lúa, chuột cắn 1 cây là mất một bông thóc vì vậy các tổ diệt chuột luôn phải hoạt động hết công suất, bằng mọi biện pháp để đánh bắt chuột. Thấy bà con nhiệt tình hưởng ứng chúng tôi cũng có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc của mình.

Tình trạng chuột phá hại lúa, cây màu ở xã An Ninh vụ mùa này đã giảm 80 - 90% so với các vụ trước. Từ thực tiễn và hiệu quả phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng ở xã An Ninh, hy vọng các địa phương khác cũng sẽ tập trung huy động sức dân cùng tham gia diệt chuột, góp phần bảo vệ sản xuất. 

Ngân Huyền

  • Từ khóa