Thứ 5, 28/11/2024, 02:39[GMT+7]

Giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Thứ 6, 06/09/2019 | 08:14:50
1,602 lượt xem
Về thôn Nguyên Xá, xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) hỏi anh Phạm Công Đạt ai cũng biết bởi anh không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn giúp nhiều nông dân tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho bà con.

Xuất ngũ trở về địa phương, anh Đạt tham gia Hội Nông dân xã An Hiệp và được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức chi hội trưởng chi hội nông dân của thôn. Khi còn tham gia công tác hội, anh được hội viên, nông dân rất quý mến bởi anh là người chịu khó, dám nghĩ dám làm, không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ các hội viên khác về kinh nghiệm sản xuất, vốn vay, tìm đầu ra cho nông sản. Anh Đạt cho biết: Bản thân tôi làm nghề nông, gắn bó với đồng ruộng, bao năm chứng kiến cảnh nông sản của bà con “được mùa thì rớt giá”, nhiều người bỏ ruộng đi làm công ty nên thấy buồn và tiếc đất quá. Có một chút vốn trong tay và những mối quan hệ với các bạn hàng ở các tỉnh, thành phố, tôi đã vận động nông dân trong xã sản xuất những loại nông sản theo đơn hàng của doanh nghiệp, cơ sở mà tôi làm đầu mối trung gian thu mua.

Để có nông sản đạt chất lượng, anh Đạt trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con bám đất, bám ruộng, sản xuất nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác của nông dân chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ trong khi muốn doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì phải có những cánh đồng lớn, sản xuất phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Để giải quyết bài toán này, anh tìm đến các xã An Đồng, An Khê (Quỳnh Phụ), Vũ Lạc (thành phố Thái Bình), Vũ Lễ (Kiến Xương) vận động nhân dân tham gia sản xuất, bán sản phẩm cho anh. Bà con giao sản phẩm đến đâu anh trả tiền ngay đến đó nên đã tạo được uy tín và thu hút được nhiều nông dân tham gia. Anh Đạt chia sẻ: Để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo đúng đơn hàng, tôi thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại nông sản như ngô ngọt, dưa bao tử, dưa gang cho nông dân. Ngoài ra, khi tham gia sản xuất, bà con đều phải tuân thủ những quy định về việc sử dụng phân bón, hạn chế dùng thuốc trừ sâu và tuyệt đối không phun thuốc kích thích đối với các loại nông sản.

Từ đầu năm 2019 đến nay, anh Đạt đã thu mua hơn 1.200 tấn dưa gang, dưa bao tử, ngô ngọt cho nông dân của 6 xã trên địa bàn tỉnh. Anh cho biết: Trước đây gia đình tôi có làm trang trại song hiện nay chuyển hẳn sang thu mua nông sản cho nông dân. Tôi cũng đầu tư 2 chiếc xe tải để thu mua nông sản. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019 gia đình sẽ thu mua gần 800 tấn nông sản nữa, trừ chi phí đầu tư ước tính thu về từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp đánh giá: Anh Phạm Công Đạt không chỉ là người tích cực phát triển kinh tế mà còn giúp đỡ nhiều nông dân tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo phong trào sản xuất cây màu, cây vụ đông ở địa phương, nâng cao thu nhập cho bà con. Anh Đạt cũng là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của xã An Hiệp nhiều lần được Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen. Thời gian tới, Hội Nông dân xã An Hiệp sẽ phối hợp với cơ sở của anh Đạt cung cấp thông tin, mở rộng diện tích sản xuất, thu mua thêm nông sản cho hội viên nông dân.

Không chỉ thu mua  nông sản cho nông dân, hiện anh Đạt còn tạo việc làm ổn định cho hai lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, anh sẽ thuê thêm lao động để phân loại, bảo quản nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp đồng thời thuê lại những diện tích ruộng mà người dân bỏ không canh tác đầu tư sản xuất các loại cây màu, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tiến Đạt

  • Từ khóa