Thứ 7, 11/01/2025, 06:37[GMT+7]

Đi đến cùng với sự lựa chọn

Thứ 2, 09/09/2019 | 10:10:25
1,512 lượt xem
Đó là một trong những kinh nghiệm làm giàu của anh Vũ Đức Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH May xuất khẩu Đông Thọ. Ít ai biết rằng, để có được thành công với doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm, có lúc anh Việt phải nhặt từng đồng tiền lẻ trên ban thờ thổ công để trả tiền vận chuyển đơn hàng từ Hà Nội về Thái Bình.

Công ty của anh Việt thu hút nhiều lao động có tay nghề gắn bó lâu dài, trong đó có nhiều công nhân là người khuyết tật.

Vừa dẫn chúng tôi thăm nhà máy đặt tại thôn Tăng, xã Phú Châu (Đông Hưng), anh Việt vừa kể về câu chuyện theo đuổi khát vọng làm giàu của mình. Anh chia sẻ những điều đã trải qua và một lĩnh vực mà anh nói say mê, tưởng chừng không bao giờ hết - đó là về may mặc. Anh Việt tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thiết kế thời trang ở Hà Nội, giành huy chương vàng hội thi tay nghề ASEAN, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, anh chọn làm công nhân kỹ thuật cho các công ty may trong nước và ấp ủ giấc mơ thành lập công ty riêng. Theo lời giới thiệu của bạn, năm 2008, anh sang Nga làm giám đốc sản xuất cho một công ty may vừa có vốn lại tích lũy được kinh nghiệm. 

Năm 2012 anh về nước và thành lập công ty. Từ chỗ chỉ có 27 công nhân khi mới thành lập, đến nay Công ty của anh Việt có 1.400 lao động, doanh thu mỗi năm một tăng. Doanh thu ban đầu chỉ đạt 10 tỷ đồng/năm, năm 2018 đạt 123 tỷ đồng, mục tiêu năm 2019 đạt 160 tỷ đồng. Mức lương bình quân của người lao động là 6 triệu đồng/người/tháng. Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã thu hút, giữ chân rất nhiều công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư lành nghề, nhiều kinh nghiệm gắn bó lâu dài với Công ty, trong đó có rất nhiều công nhân khuyết tật. 

Chị Đặng Thị Thắm, thôn Xuân Đài, xã Đông Động (Đông Hưng) cho biết: Tôi làm ở Công ty được 6 năm rồi. Anh Việt đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người khuyết tật như tôi làm việc và có thêm nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng. Lương của tôi theo sản phẩm làm ra, từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Từ hai bàn tay trắng, để có được cơ ngơi trăm tỷ đồng như ngày hôm nay là điều không hề dễ dàng nhưng không phải không làm được. Với anh Việt, đó là sự quyết tâm cao, đam mê, học hỏi và quyết đi đến cùng với sự lựa chọn của bản thân. 

Anh Việt nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp: 4 năm xuất khẩu lao động, tôi tích được 2 tỷ đồng để thành lập công ty. Sau 6 tháng lập công ty, tôi không còn đồng nào. Đến nỗi phải nhặt từng đồng tiền lẻ trên ban thờ thổ công để trả mấy chục nghìn tiền vận chuyển đơn hàng từ Hà Nội về Thái Bình. Tuy nhiên, nhờ giữ được uy tín và chất lượng sản phẩm nên bạn hàng đã không ngần ngại ứng trước 130.000 USD để tôi đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, sự “chung lưng đấu cật” của các cán bộ quản lý, kỹ thuật năng động sáng tạo, đến từng công nhân đã đoàn kết tạo thành khối thống nhất để Công ty ngày càng phát triển. Hiện nay, 90% sản phẩm của Công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc, còn lại xuất khẩu sang các nước khác. Công ty có 4 chuyên gia may mặc người nước ngoài trực tiếp tham gia quá trình sản xuất.

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Đoàn Thanh niên thành phố Thái Bình cho biết: Anh Vũ Đức Việt là một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi của thành phố. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thì anh Việt còn tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên, đặc biệt các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của tuổi trẻ thành phố.

Vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình khởi nghiệp, giờ đây, Công ty của anh Việt từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, anh cũng dự định sẽ mở các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm chất lượng cao dành cho khách hàng trong nước. Câu chuyện làm giàu của anh Việt góp thêm vào thành tích của tuổi trẻ Thái Bình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.  

Xuân Phương

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa