“Ông giáo Thẩm” quê tôi
Là thế hệ con cháu, lại ở cùng làng nhưng chuyện về ông, chúng tôi nghe được chủ yếu qua truyền khẩu, thông tin qua sách, báo và truyền thông rất ít. Chuẩn bị kỷ niệm 115 năm ngày sinh và 75 năm ngày ông hy sinh, chúng tôi quyết tâm tìm gặp các nhân chứng ở quê, đồng thời đến làng Trung Trữ (Ninh Bình) lên Căng đồn Nghĩa Lộ (Yên Bái) - những nơi in đậm dấu chân và sự hy sinh lẫm liệt của nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm - “ông giáo Thẩm” để tìm hiểu chân dung một nhà cách mạng có nhiều công lao với quê hương, đất nước…
Bỏ giàu sang làm cách mạng
Ông Thẩm có cha và anh nối nhau làm Chánh tổng Thái Phú (thuộc huyện Vũ Tiên, nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), gia đình giàu có và có thế lực trong vùng. Tuy nhiên từ nhỏ, ông là người gần gũi dân nghèo, có chí hướng tự lập.
Ông Phạm Quang Tăng là em trai ông Thẩm, dù tuổi đã ngoài 90 nhưng vẫn nhớ như in những ký ức về anh mình: “Không như con em những gia đình giàu có khác, từ bé, anh Thẩm thường chơi với đám trẻ chăn trâu, cũng thả diều, bắt sẻ với trẻ con trong làng. Anh thường bênh vực và giúp đỡ người nghèo, không cam chịu phụ thuộc mà luôn có chí hướng khác thường. Anh thông minh, có sức khỏe và thường xuyên luyện tập võ thuật. Năm 1923, anh lên Hà Nội học ở một trường tư thục. Đang học năm thứ hai thì mẹ mất, anh về chịu tang rồi bỏ học luôn. Sau đó, anh vào học tại trường canh nông ở Tuyên Quang. Nhưng cũng chỉ học được một thời gian là anh bỏ. Bạn bè hỏi nguyên nhân, anh trả lời: “Học rồi làm tay sai cho Pháp thì học làm gì”.
Về quê, Phạm Quang Thẩm suy nghĩ nhiều về nhân tình thế thái, về con đường đi của mình. Ông quyết định sang học tại Trường sư phạm Nam Định để có cơ hội mở mang tầm nhìn. Tại đây, ông đã đọc nhiều sách báo tiến bộ, tham gia vào các phong trào có xu hướng cấp tiến ở trường, đặc biệt là phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Ông làm báo tường có những bài viết nói lên khí tiết của người thanh niên trong cảnh nước mất, nhà tan; vận dụng các bài thơ của cụ Phan Bội Châu, nhất là bài “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” để tuyên truyền… Tại Nam Định, ông được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Không chỉ hoạt động tích cực trong các phong trào của trường mà Phạm Quang Thẩm còn về quê hương Thái Bình làm công tác tuyên truyền cách mạng. Tại tổng Thái Phú, ông cùng những người yêu nước tổ chức in truyền đơn kêu gọi nhân dân đánh Pháp. Lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay trên ngọn cây gạo ở bến đò Phú Nhuận. Phong trào đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, phá lúa trồng đay, giảm thuế diễn ra liên tục ở các làng…
Tháng 9-1929, Phạm Quang Thẩm được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Ông thường đến hiệu sách “Hội Ký” ở Nam Định - là cơ sở liên lạc của đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) để nắm tình hình và nhận chỉ thị của Đảng để hoạt động. Ông còn dùng chính nhà mình để in ấn truyền đơn và tổ chức đi rải ở các trục đường và bến đò. Kẻ thù cho lùng sục, truy tìm nhưng chúng không thể ngờ người chỉ huy các hoạt động này lại là con trai của Chánh tổng Phạm Quang Tùy. Người trong gia đình biết hoạt động của ông thì tỏ ý lo lắng. Có người còn cảnh báo: Gia đình danh giá, khá giả đến như vậy không sướng sao mà làm cộng sản. Nếu bị bắt thì tù cả nhà, làm tan tác gia đình. Ông Thẩm đã trả lời khảng khái: Dù nhà có sung sướng cũng chỉ là tay sai của Pháp. Chí tôi đã quyết đi tìm đường cứu nước, cứu dân, khổ mấy tôi cũng xin chịu.
Tháng 3-1930, Phạm Quang Thẩm sang làm giáo học ở làng Trung Trữ (nay thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nhân dân trong vùng thường gọi ông với tên gọi thân mật: “Ông giáo Thẩm”. Tổ chức giao cho ông đến xây dựng cơ sở ở đây. Với vỏ bọc giáo học, ông đã tích cực tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác-Lênin, về Cách mạng Tháng Mười Nga - nước Nga Xô viết… cho thanh niên, học sinh, nông dân, thợ thủ công trong vùng. Qua các phong trào và hoạt động thực tiễn, ông đã lựa chọn một số quần chúng tiến bộ để kết nạp vào tổ chức đảng. Cuối năm 1931, khi có sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại làng Trung Trữ được thành lập do Phạm Quang Thẩm làm Bí thư.
Xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư - quê hương của nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm
Hôm chúng tôi đến làng Trung Trữ, nhân chứng cùng thời với nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm mặc dù không còn ai nhưng cán bộ và nhân dân địa phương vẫn dành cho ông tình cảm kính trọng và nhớ ơn.
Anh Ngô Văn Tuấn Hùng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ninh Giang dẫn chúng tôi đến các địa danh trước đây ông Thẩm đã từng sống và làm việc. Đó là: Hang Miếu Nội (núi chùa Trung Trữ) - địa điểm thành lập Chi bộ Đảng, điếm xóm Đông - nơi ông Thẩm lãnh đạo quần chúng tập trung đi đấu tranh chống thuế…
Anh Hùng tâm sự: “Chúng tôi là thế hệ sau nhưng thường được những lớp người đi trước kể nhiều chuyện về nhà cách mạng tiền bối Phạm Quang Thẩm. Thời gian ở Trung Trữ không lâu nhưng ông đã có công gây dựng phong trào cách mạng, bồi dưỡng các quần chúng trung kiên, nòng cốt, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên trong vùng… Chuyện ông đánh chết con gấu ngựa hung dữ, mang lại bình yên cho dân làng, tổ chức luyện võ cho thanh niên, đánh đàn và tổ chức các đội văn nghệ để tuyên truyền cách mạng… vẫn được nhân dân nhắc nhớ và lưu truyền đến ngày nay”.
Tấm gương hy sinh lẫm liệt
Phong trào cách mạng ở vùng Ninh Giang, Gia Khánh, Ninh Bình phát triển khiến thực dân Pháp và tay sai vô cùng tức tối, tìm mọi cách dập tắt. Tháng 3-1931, do có kẻ phản bội, xưng khai, địch về làng Trung Trữ bắt Phạm Quang Thẩm. Hai tháng sau, chúng kết án ông 5 năm tù và 20 năm quản thúc. Năm 1936, ông ra tù, mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, ông vẫn tiếp tục hoạt động hợp pháp ở quê, như: Mở lớp dạy học tư, dạy võ, hội đấu roi, mở hiệu chụp ảnh… Đặc biệt, ông còn xây dựng hội sư tử để tập hợp thanh niên. Ngôi nhà chụp ảnh của ông Thẩm cũng là vỏ bọc để in ấn truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, cổ vũ phong trào cách mạng. Cây cửu phẩm ở chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) là nơi Phạm Quang Thẩm thường xuyên liên lạc, nhận chỉ thị của tổ chức bí mật liên tỉnh của Đảng. Thực hiện chủ trương của xứ ủy, cuối năm 1937, Hội nghị Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã họp và thành lập Ban tỉnh ủy gồm 7 người. Ông Thẩm là tỉnh ủy viên, trực tiếp phụ trách huyện Vũ Tiên, Thư Trì.
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng và ông Phạm Quang Thẩm, phong trào cách mạng ở Vũ Tiên, Thư Trì phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn liên tục diễn ra các cuộc đấu tranh chống áp bức, cường quyền, chống sưu cao, thuế nặng, đòi giảm tô, giảm lãi… Thực dân Pháp và tay sai đã phát hiện ra người lãnh đạo phong trào là Phạm Quang Thẩm và tổ chức vây bắt. Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Phong viết: “Tháng 9-1939, đồng chí Đặng Xuân Khu - Trường Chinh gửi thư về cho đồng chí Thẩm, quyết định cử đồng chí Thẩm lên nhận công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ càng sớm càng tốt. Đồng chí Thẩm chưa kịp đi thì mật thám Pháp về Chi Phong bắt đồng chí rồi giam ở nhiều nhà tù: Bá Vân, Bắc Mễ, Phấn Mễ, Chợ Chu, Sơn La cùng các đồng chí Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu, Trịnh Tam Tỉnh, Hồ Quý Kết…”.
Nhà tù Nghĩa Lộ, Yên Bái là nơi giam giữ cuối cùng và chứng kiến tấm gương hy sinh lẫm liệt của nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm. Tại đây, ông cùng các tù nhân chính trị và đảng viên cộng sản tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giác ngộ. Ông có nhiều tài lẻ nên binh sĩ, cai ngục rất có cảm tình, bọn chúa ngục cũng nể sợ. Một số binh lính được ông giác ngộ liên lạc ra ngoài, cung cấp tình hình để anh em trong tù nắm thông tin và tổ chức hoạt động.
Ngày 14-3-1945, nắm được thông tin bọn chúa ngục có kế hoạch đem tù chính trị đi thủ tiêu, ông Thẩm bàn trong chi bộ nhà tù và quyết định ra tay trước. Nắm thời cơ, ông Thẩm phát lệnh tiến công, cùng anh em tù nhân dùng tay không giết tên phó sứ, một tên lính Pháp, định phá ngục thoát ra ngoài. Đúng lúc đó, tên quản Nhượng nấp trên chòi gác đã xả một tràng tiểu liên vào Phạm Quang Thẩm và đồng đội. Ông và một số anh em hy sinh. Phần đông số tù chính trị chạy thoát ra ngoài tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa sau này.
Đôi điều suy tư
Nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm hy sinh đã gần 75 năm. Công lao và chuyện về ông vẫn được truyền tụng ở nhiều nơi. Sau Cách mạng Tháng Tám, quê ông mang tên xã Quang Thẩm (thời kỳ 1945-1955); thị xã Nghĩa Lộ cũng có con đường đẹp mang tên Quang Thẩm.
Hôm lên thắp hương tại Căng đồn Nghĩa Lộ, chúng tôi rất xúc động vì ngôi mộ chung của ông và 8 tù chính trị hy sinh ngày 14-3-1945 vẫn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây hương khói thường xuyên. Ngôi mộ chung với biểu tượng hoa ban 9 cánh tượng trưng cho 9 liệt sĩ đã hy sinh trong trận phá căng vượt ngục năm xưa được đặt trang trọng trên đồi cao…
Trong quá trình thu thập tư liệu viết bài, chúng tôi còn được nghe những trăn trở, suy tư của các nhân chứng lịch sử, của cán bộ và nhân dân. Tựu trung là mong muốn tên tuổi và công lao của nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm cần được truyền bá nhiều hơn, sâu rộng hơn để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tri ân những bậc tiền bối có công với nước, với quê hương. Nên chăng, phục hồi lại tên xã Quang Thẩm - quê ông và tại đây có một nhà lưu niệm tuyên truyền về cuộc đời và những đóng góp của ông. Tại thành phố Thái Bình cũng cần có đường, phố mang tên Phạm Quang Thẩm. Những nơi in đậm dấu chân hoạt động, đóng góp và hy sinh cho cách mạng của ông như ở làng Trung Trữ, Căng đồn Nghĩa Lộ… nên được bảo tồn và thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm viếng, giáo dục truyền thống. Căn cứ vào công trạng của nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm, các cơ quan chức năng nên tiếp tục xem xét để có hình thức vinh danh xứng đáng…
Kết thúc bài viết này trong không khí những ngày mùa thu lịch sử kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chúng tôi chộn rộn bao cảm xúc. Thành quả của sự nghiệp cách mạng hôm nay có được từ sự hy sinh, từ bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ và nhân dân, trong đó có nhà cách mạng - “ông giáo Thẩm” quê tôi. Nghĩ về điều đó, càng thấm thía lời dặn của Bác Hồ kính yêu: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại cho chúng ta”…
Hoàng Tiến - Phạm Hoa (Báo Quân đội nhân dân)
(Bài tham gia cuộc thi báo chí viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình”)
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh 24.11.2024 | 10:13 AM
- Quê hương tựa khúc dân ca 24.11.2024 | 10:03 AM
- Nhà phát minh Nhật Bản tạo bản sao robot của chính mình 24.11.2024 | 08:59 AM
- Quốc hội chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) 24.11.2024 | 08:59 AM
- Kết quả bàn thắng Verona vs Inter: 0-5 (Vòng 13 Serie A 2024/25) 24.11.2024 | 08:59 AM
- Thời tiết ngày 24/11: Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng 24.11.2024 | 08:59 AM
- Thông cáo báo chí số 24, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV 24.11.2024 | 09:00 AM
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni 24.11.2024 | 09:00 AM
- Nâng tầm vóc quan hệ Việt Nam-Malaysia trong kỷ nguyên phát triển mới 24.11.2024 | 09:00 AM
- Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025 24.11.2024 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng