Thứ 3, 23/07/2024, 06:26[GMT+7]

Kiến Xương: Vực dậy các làng nghề

Thứ 5, 12/09/2019 | 08:35:42
2,253 lượt xem
Các làng nghề ở Kiến Xương đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nghề và làng nghề của huyện đang có dấu hiệu suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Nhằm giúp các làng nghề phát triển bền vững, Kiến Xương đã có nhiều giải pháp và cơ chế hỗ trợ để vực dậy lĩnh vực kinh tế này.

Làng nghề truyền thống chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) vẫn duy trì và phát triển nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trước đây, xã nào ở Kiến Xương cũng có làng nghề, một số xã có tới 2 - 3 làng nghề. Nhưng đến năm 2016, toàn huyện chỉ có 32/40 làng nghề còn giữ vững 3 tiêu chí về số hộ làm nghề, số lao động làm nghề và giá trị sản xuất từ nghề. Đến năm 2017 còn 22 làng nghề giữ vững các tiêu chí, số làng nghề còn lại suy giảm hoặc không còn nghề chính. Qua khảo sát, đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, nguyên nhân của sự suy giảm nghề và làng nghề là do nhiều dự án tại các cụm công nghiệp thu hút số lượng lớn lao động từ các làng nghề. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề gặp khó khăn do không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp và hàng hóa từ nước ngoài tràn vào nội địa...

Ông Bùi Xuân Triều, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kiến Xương cho biết: Hiện nay, các làng nghề đang thu hút gần 14.420 hộ với khoảng 27.800 lao động làm nghề. Giá trị sản xuất khu vực làng nghề toàn huyện hàng năm đạt gần 1.500 tỷ đồng. Trước sự suy giảm nhanh chóng của làng nghề, nếu không có giải pháp khôi phục và phát triển kịp thời, hàng nghìn lao động nông thôn sẽ thiếu hoặc không có việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của họ cũng như tốc độ phát triển kinh tế của mỗi địa phương trong thời gian tới.

Nói về những khó khăn dẫn tới làng nghề bị “xóa sổ”, ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Trước đây, làng nghề thôn Tử Tế có 765 hộ với 1.080 lao động tham gia làm nghề chế biến cói xuất khẩu, giá trị sản xuất đạt hơn 26,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, do thu nhập từ làm nghề thấp nên phần lớn lao động chuyển sang làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp tại cụm công nghiệp Thanh Tân. Vì không phải là nghề truyền thống, bà con du nhập về làm vệ tinh cho các làng nghề khác nên phụ thuộc vào việc bao tiêu sản phẩm. Khi nghề chế biến, đan cói xuất khẩu gặp khó khăn kéo theo làng nghề hoạt động cầm chừng và nhanh chóng suy giảm.

Đánh giá đúng các nguyên nhân khó khăn và xác định đúng tầm quan trọng của làng nghề, Kiến Xương đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm vực dậy và duy trì các làng nghề truyền thống. 

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Công tác rà soát, quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề, hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước được huyện chỉ đạo sát sao tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tốt về môi trường. Đồng thời, huyện xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề hỗ trợ bao tiêu sản phẩm của làng nghề.

Để giúp làng nghề phát triển ổn định, UBND huyện Kiến Xương chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung huy động nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho người dân; phấn đấu mỗi năm có từ 400 - 500 lao động được đào tạo nghề. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác đổi mới thiết bị máy móc, khoa học công nghệ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của làng nghề. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ các làng nghề xây dựng chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề để nâng cao thương hiệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới cho các làng nghề.

Ông Vũ Ngọc Trì, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy cho biết: Kiến Xương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tuy nhiên vẫn chưa được phát huy. Trước sự suy giảm của làng nghề và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhiều hạn chế, ngay từ đầu năm 2018, Huyện ủy Kiến Xương đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU - nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. 

Theo đó, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể mà Nghị quyết đề ra, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở sẽ tập trung triển khai quyết liệt nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề từ 16% trở lên; giữ vững và nâng cao chất lượng các làng nghề hiện nay; đến năm 2020 có từ 3 sản phẩm làng nghề tiêu biểu trở lên được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.


          Khắc Duẩn

  • Từ khóa