Thứ 3, 23/07/2024, 04:24[GMT+7]

Tranh làm từ rác

Thứ 6, 13/09/2019 | 09:35:19
19,789 lượt xem
Đó là ý tưởng của nhóm học sinh Vũ Việt Đức, Trần Mai Anh, Trường THCS Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) và Ngô Quang Phúc, Trường THPT Chuyên Thái Bình. Giải pháp, sản phẩm “Tận dụng nguyên vật liệu đã qua sử dụng để tạo thành vật dụng trang trí và tranh nghệ thuật phục vụ cuộc sống” của các em được đánh giá có tính thực tiễn khi tái chế rác thải, nâng cao ý thức phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp cho cuộc sống.

Nhóm tác giả bên những bức tranh làm từ rác.

Việt Đức chia sẻ: Nhận thấy lượng rác thải tại địa phương ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, trong đó có các loại rác khó phân hủy như nilon, sành sứ, thủy tinh... nên chúng em đã nghĩ đến việc tái sử dụng rác làm tranh nghệ thuật với mong muốn làm điều gì đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với lượng rác thải hiện nay, không khó để có thể tìm chất liệu để làm tranh, việc làm tranh cũng ít tốn kém. Bên cạnh đó, sự đa dạng về màu sắc của các loại rác sẽ tạo ra những bức tranh sống động giống với tự nhiên.

Nghĩ là làm, các thành viên trong nhóm bắt tay vào nghiên cứu đồng thời đề xuất giải pháp với nhà trường, nhận được sự đồng tình, hướng dẫn tích cực của các thầy cô. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Quỳnh Hội đồng thời là giáo viên hướng dẫn các em thực hiện giải pháp chia sẻ: Khi các em nêu ý tưởng, tôi thấy đây là giải pháp sáng tạo rất hữu ích, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Là giáo viên hướng dẫn, tôi đã phân tích để các em hiểu làm tranh từ rác đòi hỏi phải có óc nghệ thuật, có niềm đam mê và sự tỉ mỉ. Tôi giúp các em cách trình bày ý tưởng và luôn động viên, hướng dẫn trong quá trình các em nghiên cứu, thử nghiệm. Để hoàn thành giải pháp, sản phẩm, các em tự đi tìm vật liệu, lên ý tưởng chủ đề của bức tranh, tự xử lý vật liệu, lắp ghép và hoàn thiện.

Để lựa chọn vật liệu phù hợp, các em tiến hành nghiên cứu, đánh giá độ bền của các loại rác và xử lý chất liệu. Đối với rác hữu cơ, phải lựa chọn loại có độ bền cao như mo cau, xơ dừa, rơm, vỏ đỗ xanh, vỏ trứng... Với rác thải khó phân hủy chọn các loại như chai thủy tinh, túi nilon, dây nilon, sợi len bìa carton... Tùy theo từng loại rác, nhóm đã lựa chọn cách xử lý khác nhau. Khi rác được thu về sẽ tiến hành rửa sạch, ngâm nước muối loãng hoặc vôi trong vài giờ để khử nấm mốc. Sau đó tiến hành phơi hoặc sấy khô và làm nhỏ vật liệu bằng cách giã, bẻ, xé, cắt... tạo mảnh ghép. Khi xử lý chất liệu xong, các em tiến hành vẽ phác họa ý tưởng bằng bút trên giấy nền và chọn chất liệu để dán lên hình ảnh. Trên bảng phác thảo dùng các loại keo dán ra giấy nền từng phần sau đó gắn từng mảnh chất liệu cho đến khi hoàn thành bức tranh, đóng khung.

Bức tranh đầu tiên các em hoàn thành có chủ đề “Sông quê”. Để tạo ra nó, nhóm tác giả đã dùng rơm làm thuyền, vỏ trứng làm mây, nilon làm sóng nước, vỏ đỗ làm bãi cỏ, lá cây làm chiếc ô... Tuy nhiên, khi hoàn thành, các em nhận thấy vẫn còn một số hạn chế như dùng băng dính hai mặt độ bền không cao, dễ bong tróc, tranh thô. Khắc phục hạn chế trên, ở bức tranh thứ hai có chủ đề “Miền quê thanh bình”, các em dùng keo dính giầy nhằm tăng độ kết dính, dùng sơn đen tạo chiều sâu cho bức tranh. Với vật liệu khó dính như nilon thì sử dụng keo nến... Bức tranh thứ ba có chủ đề “Biển đảo quê hương”, ở tác phẩm này nhóm tác giả dùng hoàn toàn bằng vật liệu nhựa, tích hợp vận dụng cả môn mỹ thuật, sinh học và địa lý để hoàn thiện.

Mai Anh chia sẻ: Cái khó khi thực hiện giải pháp, sản phẩm đối với chúng em là việc nghĩ ra ý tưởng cho bức tranh. Các bức tranh được làm vào ngày nghỉ, sau giờ học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mỗi tác phẩm lại mang đến cho chúng em những kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Với ưu điểm của tranh là tận dụng màu sắc của rác, tạo tính chân thực, sống động; ít tốn kém chi phí vì dùng phế liệu là chủ yếu; có tác dụng giáo dục tái sử dụng rác, bảo vệ môi trường và giá trị nghệ thuật cao.

Mỗi bức tranh được tạo ra là một trải nghiệm sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ. Hy vọng rằng, thành công bước đầu từ giải pháp, sản phẩm “Tận dụng nguyên vật liệu đã qua sử dụng để tạo thành vật dụng trang trí và tranh nghệ thuật phục vụ cuộc sống” sẽ là tiền đề để các em có những sáng tạo mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa