Thứ 4, 27/11/2024, 21:22[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên (Kỳ II)

Thứ 3, 17/09/2019 | 08:17:41
5,559 lượt xem
Thiếu giáo viên không còn là câu chuyện mới ở nhiều địa phương trên cả nước, tuy nhiên, để giải bài toán này, mỗi tỉnh, thành phố lại có cách làm khác nhau, chủ yếu là tự tuyển giáo viên hợp đồng. Thế nhưng, từ đầu năm 2019 đến nay, ngay cả phương án này cũng khó thực hiện bởi những bất cập từ cơ chế khiến nhiều trường học loay hoay, chưa biết xử lý ra sao.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy) học nội quy nhà trường.

Kỳ II: Loay hoay tìm lời giải

Còn những rào cản

Tại huyện Vũ Thư, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở bậc mầm non, tiểu học và THCS, trong đó thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non. Thống kê đến tháng 8/2019, toàn huyện cần 1.008 giáo viên mầm non song hiện mới chỉ có 542 giáo viên cả ở diện biên chế và hợp đồng; đối với cấp tiểu học toàn huyện cần 833 giáo viên song hiện mới có 752 giáo viên; riêng cấp THCS lại xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ theo từng trường, ở từng bộ môn. 

Ông Vũ Minh Quyết, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Năm 2012, tôi bắt đầu nhận công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Từ đấy đến nay chưa có năm nào bậc học mầm non có chỉ tiêu tuyển dụng viên chức, bậc tiểu học và THCS có tuyển dụng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu dạy và học khiến các nhà trường phải tuyển giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, ngành Giáo dục huyện mà trực tiếp là các trường đang gặp phải một số khó khăn, trong đó chủ yếu là những vướng mắc về cơ chế trong tuyển dụng. 

Ông Vũ Minh Quyết cho biết thêm: Từ năm học 2019 - 2020 sẽ không còn hình thức hợp đồng do hiệu trưởng ký kết không thông qua thi hoặc xét tuyển theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà trường cũng đang loay hoay, một mặt không biết trả lương cho những giáo viên hợp đồng những năm trước từ nguồn kinh phí nào, mặt khác không thể cho những giáo viên này nghỉ bởi ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Sĩ số lớp đông khiến 3 cháu Trường Tiểu học Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) phải ngồi một bàn gây khó khăn khi học tập.


Không chỉ riêng huyện Vũ Thư, hiện nay, huyện Thái Thụy cũng đang “đau đầu” vì bài toán thiếu giáo viên. 

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Chỉ tính riêng năm học 2019 - 2020, toàn huyện cần có 1.006 giáo viên mầm non, nhưng thực tế chỉ có 796 giáo viên biên chế và hợp đồng, hiện còn thiếu 210 giáo viên. Hơn nữa, trong năm học này, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng hơn, do vậy việc thiếu giáo viên mầm non là vấn đề cần sớm được giải quyết. Không chỉ thiếu giáo viên mầm non, hiện nay huyện Thái Thụy còn thiếu cả giáo viên tiểu học và THCS. Điển hình nhất là môn Hóa, chỉ có 27 giáo viên biên chế trên tổng số 48 trường THCS. 

Theo ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trước đây Thái Bình có chính sách tuyển dụng viên chức đối với giáo viên dạy ngoại ngữ. Đây là một chính sách rất có ý nghĩa với các nhà trường, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Năm 2018, Thái Thụy cùng các địa phương khác thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của tỉnh, như vậy, chỉ tính riêng cấp tiểu học chỉ còn 1,36 giáo viên/lớp trong khi dạy 2 buổi/ngày (quy định là 1,5 giáo viên/lớp). Hiện nay, do thực hiện Nghị định số 161 của Chính phủ nên các trường trên địa bàn huyện không thể thực hiện trả lương cho giáo viên hợp đồng. Điều này khiến rất nhiều giáo viên lo lắng khi bước vào năm học mới.

Không thể “xé” rào

Năm học này, Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy) có 609 học sinh phân bổ ở 20 lớp với 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực hiện các chủ trương về tinh giản biên chế, tuyển dụng viên chức đối với giáo viên ngoại ngữ, tính ra nhà trường chỉ thiếu 1 giáo viên văn hóa. Thế nhưng, đối chiếu với Thông tư liên tịch số 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục công lập, mỗi tháng, tổng số tiết mà các cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Thụy Sơn phải dạy thêm là hơn 200 tiết. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thực trạng thiếu giáo viên diễn ra từ nhiều năm trước. Ngoài 2 giáo viên do huyện hợp đồng, nhà trường đã hợp đồng thêm với 1 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học. Trên 200 tiết dạy tăng thuộc về các thầy cô giáo tổ trưởng, tổ phó, chủ tịch công đoàn, thanh tra, thư ký hội đồng và giáo viên kiêm tổng phụ trách, tiếng Anh. Hàng năm, nhà trường trích ngân sách hơn 40 triệu đồng để chi trả lương cho những giáo viên hợp đồng này. Tuy nhiên, từ năm học 2019 - 2020, thực hiện Nghị định số 161, nhà trường cũng chưa biết xoay sở như thế nào để “lo” cho các thầy cô giáo hợp đồng. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Chanh chia sẻ thêm: Không đủ thì phải tuyển thế nhưng khi tuyển các giáo viên hợp đồng cũng khiến các nhà trường lo lắng bởi họ không an tâm và hạn chế về trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hơn nữa, giáo viên hợp đồng ngắn hạn sẽ khó theo dõi diễn biến chất lượng của học sinh để có những phương pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy.  

“Không thể xé rào” - đó là lời khẳng định của ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy trước thực trạng thiếu giáo viên hiện nay. Năm học mới này, để bảo đảm duy trì hoạt động dạy và học của các nhà trường, trước mắt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày là “chỉ tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy văn hóa khi bảo đảm các điều kiện tuyệt đối an toàn, trong đó có điều kiện về đội ngũ nhà giáo”. Bên cạnh đó, các trường học phải chờ văn bản hướng dẫn của tỉnh về thực hiện Nghị định số 161 bởi nếu cắt giáo viên hợp đồng thì không có người dạy, đặc biệt là bậc học mầm non. Về lâu dài, toàn ngành cũng vẫn phải chờ hướng giải quyết của các cấp, các ngành liên quan.

Giáo viên mầm non đang rất thiếu nhưng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp - đây là nghịch lý giữa đào tạo và tuyển dụng và cũng là “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần một quyết sách của trung ương, của tỉnh về việc bổ sung biên chế sự nghiệp hoặc linh hoạt hơn trong cơ chế tuyển dụng hợp đồng nhằm thực hiện đúng định mức giáo viên theo quy định.

(còn nữa)
Đặng Anh

  • Từ khóa