Chủ nhật, 24/11/2024, 20:34[GMT+7]

Hội đền Đồng Bằng và tục hát văn

Thứ 2, 23/09/2019 | 14:37:10
10,265 lượt xem
Tâm thức hội hè truyền thống của Việt Nam là “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Đền Phủ Giày (Nam Định) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh mở hội vào tháng ba và đền Đồng Bằng (Thái Bình) thờ vua cha Bát Hải Động Đình mở hội vào tháng tám. Từ bao đời nay, Phủ Giày và đền Đồng Bằng đã trở thành hai trung tâm hầu bóng, hát văn nổi tiếng của vùng châu thổ Bắc Bộ có sức cuốn hút mạnh mẽ các luồng du khách cả nước tìm về trảy hội.

Làng Đồng Bằng nằm kề quốc lộ 10, cách thành phố Thái Bình 20km, cách thành phố Hải Phòng 60km. Thuở xưa, làng này còn có tên là Đào Động, nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Đền Đồng Bằng còn tên gọi là đền Vua Cha Bát Hải hoặc đền Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. So với các di tích kiến trúc cổ hiện còn ở Thái Bình thì đền Đồng Bằng có quy mô kiến trúc nghệ thuật lớn vào bậc nhất. Từ thời Lý đã được xếp vào “tứ cố cảnh” của huyện Phụ Phượng, sau đổi là Phụ Dực, nay thuộc huyện Quỳnh Phụ: “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào, Phụ Phượng tứ cố cảnh” hoặc “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào, Lý triều tứ cố cảnh”.

Về sự tích vị thần được thờ ở đền Đồng Bằng, theo bản thần tích còn lưu tại đền thì đó là vị thủy thần tôn hiệu là Bát Hải Đại vương, tên húy là Vĩnh. Tương truyền, vào thời Hùng Duệ Vương, có nàng Quý Nương, vốn người xinh như ngọc nên được mọi người vẫn gọi nàng là Ngọc, quê trang An Cố, huyện Thụy Anh, nay thuộc địa phận huyện Thái Thụy được viên Huyện Doãn Thụy Anh nhận làm con nuôi. Một hôm nàng về quê mẹ nuôi ở cửa Hoa Diêm (Diêm Điền) cùng thuộc bản hạt ra sông tắm, có con giao long gặp nàng, mê đắm phả mùi hương sực nức rồi quấn chặt vào thân, từ đó mang thai sau sinh ra một bọc đỏ như màu máu. Ngọc nương sợ hãi đem thả xuống biển. Bọc trôi về trang Đào Động, một ngư dân đi đánh cá vớt được đem về mổ ra thấy trong bọc có ba con rắn lớn. Một con ở lại khúc sông Đào Động (tức Vĩnh Công), một con bơi về  khúc sông trang Thanh Do, một con bơi về khúc sông trang Hoa Diêm (nay thuộc địa phận huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Từ ngày có rắn thần xuất hiện, khắp vùng mùa màng tươi tốt. Sau này, khi đất nước có biến, Sơn Thánh Tản Viên được thần báo mộng, Tản Viên đã cử người về trang Đào Động gặp ba vị thủy thần đã biến thành người, rồi cùng bàn bạc chia quân đi đánh giặc. Sau khi giặc tan, Vĩnh Công từ chối chức tước vua ban, trở về Đào Động mở tiệc khao quân, dạy bảo dân chúng làm ăn. Nhân một hôm trời nổi mưa gió, Ngài hóa. Từ đó dân trang Đào Động lập đền thờ. Hai trang Thanh Do và Hóa Tài cũng lập đền thờ hai vị còn lại làm thuỷ thần.

 Đền Đồng Bằng còn thờ Đức Thánh Trần và mở hội vào 20 tháng 8 hàng năm cho nên tâm thức “tháng tám giỗ cha” của người dân trong vùng vẫn thường được hiểu theo cả hai khái niệm vừa là giỗ đức Vua Cha Bát Hải Động Đình vừa là giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Xưa và nay, hội đền Đồng Bằng là một hội lớn có sức thu hút du khách từ nhiều vùng miền đổ về. Hàng năm, theo tâm thức “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, du khách thường trảy hội đền Côn Sơn Kiếp Bạc ở Hải Dương vào ngày 20 tháng 8 rồi xuôi dòng đổ về trảy hội đền Đồng Bằng ở Thái Bình từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 8 âm lịch với lời hẹn ước:

Dù ai buôn bán trăm nghề
Hai mươi tháng tám nhớ về Đào thôn.

Vì là một hội lớn trong vùng nên hội đền Đồng Bằng thường hội tụ các hình thức đua tài, thi khéo và các hình thức diễn xướng dân gian như: hát văn, hát chèo, thi kéo co, thi bơi trải, thi đấu vật, đấu kiếm, đấu gậy, thi chọi gà, cờ tướng... thu hút rất đông người từ nhiều vùng miền về tham gia. Ngày nay, trong tâm thức của một bộ phận cư dân “sành trảy hội” trong cả nước, khi nhắc đến đền Đồng Bằng thường nghĩ ngay đến “đệ nhất linh từ” với đầy đủ các nghi lễ hầu bóng hát văn.

Các cung thờ ở đền Đồng Bằng được bài trí, sắp xếp đủ để đáp ứng cho các dạng người theo hầu đồng kể trên và lực lượng cung văn cũng luôn có khả năng phục vụ 36 giá theo yêu cầu nên không chỉ vào những ngày hội hay ngày tuần, ngày tết mà quanh năm suốt tháng thường thu hút rất đông những con nhang đệ tử thập phương về chầu.

Hát văn là cách gọi mang tính phổ biến, còn dân làng Đồng Bằng thường gọi là hát chầu văn hay hát bóng. Đây là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam mang đậm tính tâm linh trong cả lời ca và giai điệu, là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng tứ phủ, một tín ngưỡng Việt Nam. Sự hòa quyện giữa ca từ và âm nhạc theo từng cung bậc đã minh họa cho các hành động của người hầu đồng nhập vai các ông Hoàng, bà Chúa khi chèo thuyền, luyện kiếm, lúc phi ngựa bắn cung… Thuở trước, hát văn thường được diễn ra trong các không gian thiêng dưới ba hình thức cơ bản là hát thi, hát thờ và hát hầu bóng. Tục hát văn của làng Đồng Bằng thường được diễn ra dưới cả ba hình thức trên đây nhưng phổ biến nhất vẫn là hát hầu bóng.

Những năm gần đây, tục hầu bóng ở nhiều hội đền cả nước đang có xu thế ngày càng thêm phồn thịnh. Theo quy luật cung cầu, nghề cung văn ở làng Đồng Bằng lại thêm sôi động. Lớp nghệ nhân cao tuổi ở Đồng Bằng lại được trân trọng hơn khi truyền nghề cho các thế hệ con cháu.

Nếu như tục hầu bóng hát văn là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam thì đền Đồng Bằng ở Thái Bình là một địa chỉ quan trọng và hội đền Đồng Bằng đã được vinh danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa