Thứ 7, 11/01/2025, 06:48[GMT+7]

Thái Bình, du lịch từ dòng chảy văn hóa

Thứ 2, 23/09/2019 | 16:47:10
2,312 lượt xem
Một ngày đầu hạ năm 2019, tôi trở lại Thái Bình với tâm thế bình yên, để cảm nhận rõ nét hơn thay đổi của vùng đất văn hoá, để thấy sự bảo tồn, gìn giữ và nâng tầm văn hoá nơi đây.

Thái Bình vốn là vùng trồng lúa nước, đi lên từ cây lúa, do đó nền văn minh của lúa đã hình thành, bén rễ, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cư dân nơi đây. Đặt chân lên mảnh đất này với tư cách là khách du lịch, thực sự cảm thấy choáng ngợp truớc dòng chảy văn hoá dài vô tận của lịch sử.

Đất Thái Bình không có những dãy núi non tráng lệ, không có khung cảnh hùng vĩ như các địa phương nổi bật về thiên nhiên nhưng nền văn hoá độc đáo chính là sức sống mãnh liệt trường tồn với thời gian, cho dù đã qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây chính là cơ sở để Thái Bình phát triển du lịch mạnh mẽ trên nền tảng vững chắc của mình.

Bề dày lịch sử hào hùng ấy vẫn in dấu đến ngày nay với hàng ngàn di tích. Hơn hai ngàn di tích lịch sử văn hoá, hơn 100 di tích xếp hạng cấp quốc gia, đó có thể coi là kho tàng đồ sộ. Nó có thể không hấp dẫn đối với người thích ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên nhưng lại đăc biệt hấp dẫn với một du khách thích khám phá văn hoá của cuộc sống. Thứ văn hoá chuyên biệt của địa phương chính là lát cắt độc đáo, thu hút con người trên nhiều phương diện khác nhau. Cảm nhận của một du khách phương xa đến với Thái Bình là ngạc nhiên, rồi chìm đắm trong suy tưởng về một nền văn hóa độc đáo miền Bắc.

Tỉnh Thái Bình từ lâu đã muốn tận dụng tốt lợi thế này để thu hút du khách, và họ đã thành công với cách nghĩ, cách làm bền vững. Du lịch trải nghiệm văn hoá, hay du lịch cộng đồng chỉ có thể phát triển nếu du khách thực sự cảm nhận được cuộc sống và tình cảm của cư dân nơi đây. Việc bản sắc văn hoá địa phương được chính người dân nơi đó tôn trọng sẽ làm gia tăng lợi ích của chính nhân dân ở địa phương đó.

Quả vậy, trong những năm gần đây, Thái Bình đã nghĩ nhiều và có lộ trình để đưa văn hoá của mình hội nhập sâu rộng hơn, truớc hết là hoà vào dòng chảy chung của văn hoá đất nước, và từng bước hội nhập với quốc tế. Người Thái Bình đã cùng nhau chung tay góp sức, cùng đưa tiềm năng du lịch của mình phát triển mạnh mẽ, trở thành sức bật cho nền kinh tế của tỉnh. Thật vậy, Thái Bình chính là vùng văn hoá dân gian phong phú, đa dạng với hàng trăm lễ hội truyền thống được khôi phục và bảo tồn. Đó chính là nền tảng, nguồn lực to lớn để phát triển du lịch.

Tôi đến thăm làng Khuốc, cái nôi của nghệ thuật chèo Thái Bình và cũng là điếm đến độc đáo cho những người yêu mến văn hoá truyền thống. Không gian độc đáo nơi đây tạo ra như một thử thách cho những người nơi khác cố gắng cảm nhận cái thần thái và sự tinh tuý của văn hoá dân gian. Đất Thái Bình đã sản sinh ra rất nhiều những hoạt động cộng đồng của con người mà chúng ta chỉ có thể dùng hai chữ "tuyệt mỹ" để mô tả. Những người nông dân ban ngày còn chân lấm tay bùn, một nắng hai sương với từng cây lúa, thì bây giờ hoá thân thành người nghệ sĩ tuyệt vời, với giọng hát cao vút như chiếm lĩnh trọn khung trời nghệ thuật. Điều thú vị nhất với du khách như chúng tôi còn ở các trò chơi dân gian. Cho dù chỉ được trải nghiệm trong một lúc nhưng mấy trò đánh gậy, chơi cờ đó lại là kỷ niệm vô cùng quý giá với những người phương xa. Bản tính của con người là vậy, khi được trải nghiệm những nền văn hoá khác thì rất thích thú và trân trọng.

Rồi còn đặc sản Thái Bình mê đắm lòng người. Chỉ là một miếng bánh cáy làng Nguyễn bình dị cũng đủ để du khách hiểu rõ hơn nếp sống người dân Thái Bình, để cảm mến cuộc sống của người nông dân quê lúa. Cả năm vất vả nhưng người Thái Bình luôn gìn giữ được một nền văn hoá phong phú, từ nghê thuật tới ẩm thực. Không gian văn hoá của họ luôn rộng lớn, không chỉ để lưu lại truyền thống mà còn để giáo dục thế hệ trẻ. Giáo dục từ món ăn chơi như bánh cáy đến những trò chơi dân gian chỉ lưu truyền trong các thế hệ gia đình. Đó thật sự là một dòng chảy văn hoá độc đáo, như một cây đại thụ trải bóng sải suốt chiều dài lịch sử, sâu rễ, bền gốc.

Chính là vậy đó, những nét văn hoá đơn sơ, mộc mạc, bình dị mà rực rỡ như một bức tranh sơn thuỷ đẹp mê hồn. Say đắm lòng người cũng vì cái mộc mạc mà nên thơ ấy, vẻ đẹp để một người phương xa mê mẩn, muốn ở lại dài hơn, muốn ghé thăm Thái Bình thêm lần nữa. Chính cái sự mộc mạc ấy chứ không phải thứ xa xỉ nào đó đã làm cho mọi người thích thú, đến Thái Bình một cách tự nguyện. Tôi nhớ mãi câu nói của David, một du khách người Anh khi đến thăm nơi đây: Bạn có thể xây dựng các dịch vụ cao cấp, nhưng không thể tạo ra nền văn hoá độc đáo giống thế này. Đó là điều thú vị trong mắt người nước ngoài khi được tận mắt nhìn thấy cuộc sống bình dị của Thái Bình. Có lẽ, ta chỉ coi đó là chuyện bình thường nhưng với du khách, họ lại coi đó là văn hoá, là thứ đáng trân trọng.

Đất Thái Bình, người Thái Bình đã có hàng ngàn năm lịch sử, dòng chảy văn hoá đó vẫn ngày ngày đơm hoa kết trái. Đó là vốn quý nhất của các thế hệ người Thái Bình, và cũng là nguồn lực không thể đo đếm của Thái Bình trong phát triển du lịch. Dùng văn hoá để quảng bá, để tạo nguồn cho phát triển kinh tế không còn là điều mới trong diễn đàn thời đại hội nhập ngày nay, và đó cùng là con đường nâng cao giá trị cuộc sống cho nhân dân. Vốn quý của Thái Bình không chỉ đến từ công nghiệp, nông nghiệp mà còn là các cấu thành của đời sống văn hoá, của các hoạt động cộng đồng. Các làng văn hoá, văn nghệ dân gian tại các vùng quê Thái Bình chính là nguồn lực nhân văn quý giá, là một phần giúp mảnh đất tươi đẹp này tồn tại và phát triển, đem lại một tương lai tươi sáng cho nhân dân quê lúa.

Đinh Thành Trung

(Hà Nội)

(Bài dự thi viết về người Thái Bình, đất Thái Bình)

  • Từ khóa