Thứ 6, 22/11/2024, 10:17[GMT+7]

Khảo sát rừng ngập mặn ven biển huyện Thái Thụy

Thứ 4, 25/09/2019 | 17:43:05
3,637 lượt xem
Chiều ngày 25/9, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi khảo sát rừng ngập mặn tại huyện Thái Thụy.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra vùng rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Thái Thụy. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 26092019_khao_sat_rung_ngap_man_mixdown.mp3

Cùng đi có đồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Thái Thụy.

Tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy là 2.514,5ha chiếm 9,36% diện tích đất tự nhiên và 31,3% diện tích đất bãi bồi ven biển. Rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy cơ bản là rừng trồng bằng các nguồn vốn của các dự án, chương trình trong nước và nguồn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế và chương trình của Liên hợp quốc. 

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, những năm gần đây huyện Thái Thụy đã tiếp thu và triển khai có hiệu quả nhiều dự án trồng rừng, mỗi năm toàn huyện trồng được trên 100ha; công tác quản lý và bảo vệ rừng được chú trọng, người dân đã có ý thức trong bảo vệ, trồng và phát triển rừng. Nằm trong vùng kinh tế ven biển của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, huyện Thái Thụy xác định đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn của địa phương.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra vùng rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Thái Thụy. Ảnh: Thành Tâm

Qua khảo sát thực tế rừng ngập mặn tại các xã Thụy Xuân, Thụy Trường, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng ngập mặn: là lá chắn bảo vệ vùng ven biển, cửa sông; giảm thiểu sự tàn phá của bão biển, triều dâng, hạn chế xói lở, giảm xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh quá trình bồi tụ phù sa, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái... do đó chính quyền địa phương phải cùng các sở, ngành triển khai ngay các giải pháp để tiếp tục bảo vệ và nhân rộng diện tích rừng ngập mặn, trong đó làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của rừng ngập mặn từ đó có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ. 

Rừng ngập mặn huyện Thái Thụy. Ảnh: Thành Tâm

Thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về định hướng phát triển du lịch sinh thái đối với diện tích rừng ngập mặn khu vực các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan phối hợp với huyện Thái Thụy quản lý chặt chẽ việc khai thác cát tại các mỏ cát trên địa bàn các xã nằm trong vùng đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thái Thụy, không gia hạn đối với các trường hợp hết thời gian cấp phép khai thác; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thái Thụy.

Lưu Ngần


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày